13/12/2015 - 16:51

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM-HÀN QUỐC:

Đón sóng đầu tư, khai thác tiềm năng xuất khẩu

Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam-Hàn Quốc tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại 2 chiều đã tăng 57 lần, từ 0,5 tỉ USD năm 1992 lên 28,8 tỉ USD năm 2014. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết tháng 5-2015 và có hiệu lực vào năm 2016, quan hệ đối tác giữa 2 nước hứa hẹn ngày càng thắt chặt. Việt Nam tiếp tục kỳ vọng là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và cơ hội xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ rộng mở.

Thắt chặt quan hệ đối tác

Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc. Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia đầu tư mang tính chiến lược và hiện xếp thứ 4 về đầu tư của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông. Hàn Quốc đang là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam. Ông Kim Chan Young, Chuyên gia tư vấn đầu tư thuộc Cơ quan Xúc tiến đầu tư quốc gia Hàn Quốc (KOTRA) tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Giai đoạn 1988-2008, 70% dự án của Hàn Quốc đầu tư vào các ngành sản xuất tại Việt Nam, còn lại là các ngành xây dựng, công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, bất động sản... Giai đoạn 2009-2013, dự án đầu tư ở ngành sản xuất của Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ còn khoảng 49% và đang chuyển hướng tăng đầu tư vào ngành xây dựng, công nghệ, bán lẻ. Đến cuối tháng 6-2015, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt trên 20,6 tỉ USD với gần 9.850 dự án".

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam. Trong ảnh: Lotte Mart Cần Thơ – Trung tâm thương mại thứ 11 tại Việt Nam của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc).

VKFTA đã ký kết với 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận về hợp tác kinh tế. Trong các nội dung chính của VKFTA, hợp tác kinh tế là một trong những chương quan trọng mang lại lợi ích cụ thể và được Việt Nam quan tâm trong suốt quá trình đàm phán. Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán VKFTA, cho biết: "Các lĩnh vực hợp tác, dự án hợp tác cụ thể, bố trí kinh phí và phương thức thực hiện cụ thể đối với từng dự án được thể hiện trong thỏa thuận thực thi của chương và kinh phí thực hiện các hoạt động hợp tác kinh tế ước khoảng 5 triệu USD. Đối với các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), việc đạt được thỏa thuận về một chương SPS riêng biệt là một thắng lợi quan trọng của Đoàn đàm phán Việt Nam sau một thời gian dài kiên trì đàm phán. Các cam kết của chương SPS hướng tới mục tiêu thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, tăng cường năng lực và tham vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong tương lai phát sinh từ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Hàn Quốc".

VKFTA mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp phân phối lớn từ Hàn Quốc ngày càng quan tâm hơn đến sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam, cho biết: "Tháng 10-2014, Lotte Mart lần đầu tổ chức Tuần lễ quảng bá và bán hàng hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Với 101 sản phẩm hàng Việt của 15 nhà cung cấp từ Việt Nam được bày bán tại 5 cửa hàng của Lotte Mart tại Hàn Quốc đã mang lại mức doanh thu 250.000 USD. Với thành công bước đầu đó, từ ngày 29-10 đến 4-11-2015, Lotte tiếp tục đưa 390 sản phẩm của 26 nhà cung cấp Việt Nam sang bày bán ở 6 cửa hàng tại Hàn Quốc và đạt mức doanh thu 750.000 USD. Năm 2016, Tập đoàn Lotte đặt mục tiêu mở rộng quy mô của Tuần lễ quảng bá và bán hàng hóa Việt Nam tại Hàn Quốc với 1.200 loại sản phẩm của Việt Nam được chọn bày bán tại 100 cửa hàng thuộc hệ thống Lotte Mart Hàn Quốc và phấn đấu đạt mức doanh thu trên 10 triệu USD". Đây được xem tín hiệu vui và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt bắt tay hợp tác với các nhà phân phối từ Hàn Quốc đưa sản phẩm đến thị trường tiềm năng này.

Đón đầu hội nhập

Xu hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang có sự chuyển hướng sang các lĩnh vực, ngành hàng tạo ra giá trị gia tăng cao. Ông Kim Chan Young, Chuyên gia tư vấn đầu tư thuộc KOTRA tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Các nhà đầu tư Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư từ ngành điện, điện tử, phụ tùng, nguyên vật liệu sang ngành dệt, may mặc. Đồng thời chủ động tham gia vào các ngành phân phối, bán sỉ và bán lẻ, kinh doanh khách sạn, chuyển nhượng quyền kinh doanh. Các nhà đầu tư có tiếng đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam như Tập đoàn Lotte, Tập đoàn CJ-Tous Les Joures, Caffe Bene... Nhà đầu tư Hàn Quốc có xu hướng đầu tư ở miền Nam với các khu vực gần TP Hồ Chí Minh và phần lớn tập trung thành cụm cách các thành phố lớn khoảng 1-2 giờ đi xe. Việc tăng đầu tư vào những khu vực xa hơn phụ thuộc vào sự gia tăng giá đất và chính sách của Chính phủ. Song song đó, doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng cùng di chuyển với các nhà thầu phụ hay công ty con nhằm tạo ra hiệu quả cộng năng trong quá trình đầu tư.

Khi VKFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội để đưa hàng hóa sang Hàn Quốc. Vấn đề là doanh nghiệp phải làm thế nào để nắm bắt cơ hội, am hiểu xu hướng tiêu dùng của người dân Hàn Quốc và từng bước chinh phục thị trường này. Ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam, chia sẻ: "Lâu nay, người Hàn Quốc biết nhiều đến con người Việt Nam, nhưng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam thì chưa được giới thiệu nhiều đến thị trường Hàn Quốc. Khi chúng tôi đưa những sản phẩm từ Việt Nam sang, người tiêu dùng Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm nhất là đối với các loại trái cây nhiệt đới, thực phẩm chế biến, sản phẩm may mặc, đồ dùng nhà bếp... Song song đó, người Hàn Quốc cũng ngày càng quan tâm hơn đến du lịch Việt Nam. Do đó, ngành công nghiệp không khói này cần được Chính phủ Việt Nam quan tâm nhiều hơn thông qua việc tổ chức nhiều chương trình, hoạt động quảng bá về du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. Đây cũng là một trong những điều kiện hỗ trợ để người Hàn Quốc hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam tiến tới mở rộng quy mô phân phối hàng Việt qua thị trường Hàn Quốc".

Nghiên cứu và điều tra thị trường được xem là khâu quan trọng khi doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán VKFTA, chia sẻ: "Khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt phải chủ động chọn lựa đối tác đáng tin cậy thông qua các tập đoàn phân phối lớn, các hiệp hội ngành hàng hay từ các khách hàng thân thiết. Khi lựa chọn được đối tác thương mại phù hợp sẽ tạo thuận lợi để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng Hàn Quốc gắn với duy trì thị phần và mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin để kiểm soát được những rủi ro thương mại. Đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa, chú trọng khâu bao bì, nhãn mác và thiết kế mẫu mã hàng hóa. Vấn đề văn hóa tiêu dùng cũng cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng tại Hàn Quốc.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết