30/06/2009 - 20:21

Đòn bẩy cho nghề dệt lụa Tân Châu

Công nhân đang bắt chỉ se tơ tại DNTN Bảo Trọng thị trấn Tân Châu.

Là nghề truyền thống hàng trăm năm qua, nhưng dệt lụa Tân Châu ngày một xuống cấp do nhiều nguyên nhân: không có thị trường, thiếu nguyên liệu, hàng Trung Quốc giá rẻ lấn sân và việc xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Các nghệ nhân trong nghề cho rằng, nếu không có giải pháp giữ “lửa” cho nghề truyền thống này, lãnh Mỹ A vang bóng một thời của Tân Châu sẽ dần rơi vào mai một...

KHÓ KHĂN LÀNG NGHỀ

Thời gian gần đây, tình hình sản xuất của các cơ sở dệt lụa trên địa bàn huyện Tân Châu khá trầm lắng. Một số cơ sở giảm công suất và có cơ sở đã ngừng sản xuất. Thống kê mới nhất từ Phòng Kinh tế huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, toàn huyện 16 cơ sở dệt lụa, nhưng có đến 6-8 cơ sở đang ngưng hoạt động, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng, do thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hạn chế... Theo những chủ cơ sở sản xuất, nguyên liệu tơ phục vụ sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung từ Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và giá cả luôn biến động. Có thời điểm giá nguyên liệu đầu vào cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp, cơ sở sản xuất thua lỗ. Sản phẩm lụa Tân Châu xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, Lào và Thái Lan nhưng phần lớn là xuất tiểu ngạch và phụ thuộc vào “người dẫn mối” chính đang sống ở Campuchia. Do vậy, số lượng tiêu thụ ở những thị trường này do “người dẫn mối” quyết định. Bà Lưu Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Châu, cho biết: “Nhiều năm qua, nghề dệt lụa Tân Châu rơi vào tình cảnh bấp bênh, số cơ sở sản xuất giảm, kéo theo lượng nhân công thất nghiệp, làm cho đời sống của cư dân trong nghề rất khó khăn”.

Theo một chủ cơ sở, mặt hàng tơ lụa Tân Châu chất lượng không thua hàng các nước vốn có truyền thống với nghề này như Trung Quốc, Thái Lan... nhưng do sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu và thiếu liên kết trong sản xuất nên sức cạnh tranh kém. Trước đây, đã thành lập làng nghề nhưng các thành viên chỉ chăm bẳm “nồi cơm” của mình mà chưa nhìn thấy được cái chung để cùng nhau xây dựng làng nghề phát triển bền vững. Điều này đã làm cho nghề dệt lụa ở Tân Châu dần rơi vào mai một, nhất là dệt sản phẩm lãnh Mỹ A. Hiện làng nghề chỉ còn 2 cơ sở của ông Tám Lăng và bà Hồng Hạnh đủ khả năng dệt lãnh Mỹ A. Song, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, lâu nay các cơ sở dệt lãnh Mỹ A không đầu tư cải tiến mẫu mã, chất liệu... nên không thể sánh được các sản phẩm cùng loại có trên thị trường, cả về giá bán lẫn chất lượng.

Ông Tám Lăng (chủ cơ sở dệt lụa Tám Lăng, ấp Long Hưng, thị trấn Tân Châu)- một trong những cơ sở lâu đời nhất huyện Tân Châu chia sẻ: “Chúng tôi cố duy trì nghề dệt truyền thống này, chứ đứng về mặt kinh tế, nghề dệt lụa Tân Châu đang rơi vào giai đoạn thoái trào và không còn thu hút được người theo nghề”. Hằng năm, cơ sở Tám Lăng cung ứng ra thị trường từ 8.000-12.000m lãnh Mỹ A cho một đầu mối duy nhất người Pháp. Chính hợp đồng “độc quyền” này đã siết chặt lãnh Mỹ A trên đường phát triển. Mặt khác, mặt hàng lãnh Mỹ A đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm lụa trên thị trường. Để dệt 1m lãnh Mỹ A thành phẩm phải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian và công sức, trong khi giá hiện tại chỉ 120.000- 150.000 đồng/mét. Thêm vào đó, màu sắc cũng chỉ là màu đen truyền thống, còn những màu phá cách do nghệ nhân Nguyễn Hữu Trí tạo ra trước đây đã không còn sản xuất.

Thị trường của mặt hàng tơ lụa Tân Châu giảm, tại nhiều cơ sở, số lượng công nhân cũng ngày một giảm, tạo áp lực công ăn việc làm cho những hộ dân ở đây. Chị Ngọc Hiền, một công nhân se tơ, cho biết: “Trước đây, có tháng chúng tôi lãnh khoảng 1,5 triệu đồng tiền công, tháng thấp nhất cũng gần 1 triệu đồng, nhưng giờ thì không được như vậy”. Tại cơ sở chị Hiền đang làm công, đã có 7- 8 công nhân bỏ việc theo nghề khác.

TÌM “ĐÒN BẨY”

Ông Lư Văn Hòa, đại diện DNTN Bảo Trọng (thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu) chuyên sản xuất, mua bán sản phẩm tơ lụa, ni lông cho biết: “Tơ lụa Tân Châu đa phần để dệt hàng thổ cẩm phục vụ cho các khu du lịch tại Thái Lan. Nhưng thị trường này gần đây xảy ra nhiều bất ổn, lượng du khách ở đây sụt giảm đáng kể, nên thị trường lụa Tân Châu cũng bị thu hẹp. Nếu không nhanh chóng mở rộng sang các thị trường khác cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu thì tơ lụa Tân Châu sẽ càng khốn đốn”.

Khác với cách nhìn của ông Hòa, nhiều chủ cơ sở dệt lụa Tân Châu đang lên kế hoạch thiết lập mạng lưới tiêu thụ ở thị trường nội địa khi xuất khẩu gặp khó. Bà Lê Thị Kiều Hạnh- chủ doanh nghiệp Hồng Hạnh (ấp Long Hưng, thị trấn Tân Châu) cho rằng: “Lâu nay, chúng ta chỉ chú tâm xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước rất tiềm năng. Trước đây, cơ sở của tôi cũng gặp phải tình cảnh này và đã mạnh dạn quay về thị trường trong nước. Hiện sản phẩm tơ lụa cơ sở Hồng Hạnh tiêu thụ trong nước đến 70-80% số lượng sản xuất”. Theo bà Hạnh, cơ sở liên tục đổi mới mẫu mã, đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại nhằm hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào trung gian ở khâu nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ. Hiện tại, 100 máy dệt của cơ sở Hồng Hạnh đang hoạt động hết công suất để có sản phẩm phục vụ Lễ hội 1000 năm Thăng Long Hà Nội tới đây. Mặt khác, cơ sở đã bổ sung thêm 10 máy dệt công nghệ mới, có thể dệt nhiều loại sản phẩm có chất lượng cao, với nhiều mẫu mã khác nhau.

Nhằm “giải nguy” cho nghề truyền thống của làng nghề, việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm tơ lụa Tân Châu, đã được tỉnh quan tâm thông qua việc xây dựng Đề án “khôi phục, phát triển ngành hàng se tơ, dệt lụa Tân Châu” với nguồn kinh phí từ Chương trình Khuyến công quốc gia, đã được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) chấp thuận. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh An Giang, cho biết: “Tất cả các khâu của dự án đã hoàn tất, đây sẽ là đòn bẩy giúp ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dệt lụa Tân Châu từng bước khôi phục và đứng vững trên thị trường”. Đề án chính thức khởi động từ tháng 6-2009, trước mắt sẽ đầu tư khoảng 60 triệu đồng cho cơ sở Hồng Hạnh mua máy dệt công suất 25m vải/ngày... Cuối tháng 8-2009 sẽ trình diễn máy dệt lụa thế hệ mới cho tất cả cơ sở dệt lụa Tân Châu tham khảo. Song song đó, huyện cũng đang xây dựng lại mô hình hợp tác xã với quy chế hiệu quả, chặt chẽ hơn, nhằm khôi phục và phát triển ngành nghề một cách bài bản. Để đề án phát huy hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng rất cần sự hợp lực từ phía doanh nghiệp trong nghề.

Bài, ảnh: BẢO TRỊ

Chia sẻ bài viết