31/10/2009 - 20:26

Đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế

PGS.TS.NGND. HUỲNH VĂN HOÀNG
Viện trưởng - Viện khoa học và công nghệ Phương Nam

Trong hơn 20 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đất nước ta đang ngày càng lớn mạnh, nhân dân ta đang ngày càng ấm no. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ta được cải thiện hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Thành quả đó là của toàn dân ta, trong đó đội ngũ trí thức đã và đang đóng vai trò quan trọng.

Lịch sử dân tộc ta bao giờ cũng đánh giá cao những đóng góp của trí thức. Đầu thiên niên kỷ thứ nhất chúng ta có Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, đuổi thái thú Tô Định, giành độc lập cho dân tộc. Cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đất nước thời Ngô có Ngô Quyền, đánh đuổi quân Nam Hán, mở đầu thời kỳ tự chủ, độc lập cho Tổ quốc ta sau gần một ngàn năm Bắc thuộc, thời Tiền Lê có Lê Hoàn. Sang thiên niên kỷ thứ hai, thời Lý có Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt; thời Trần có Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, thời Hậu Lê có Lê Lợi, Nguyễn Trãi; thời Nguyễn Quang Trung có Quang Trung Nguyễn Huệ... Thế kỷ 20 là thế kỷ mà nhân dân ta đã mất gần ba phần tư thế kỷ để đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Thế kỷ này xuất hiện vị trí thức hiền tài - danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh và những người trí thức lỗi lạc, học trò của Bác như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... cùng chung sức lãnh đạo dân tộc giành được chiến thắng vĩ đại để nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đất nước liền một dãy, có tên trên bản đồ thế giới.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, nước ta đã xuất hiện rất nhiều trí thức lỗi lạc trong đó phải kể đến Thân Nhân Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhiệm, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, Lê Văn Hưu, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Khuyến, Phan Huy Ích...

Lịch sử ghi nhận sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức trong Cách mạng Tháng Tám và qua hai cuộc kháng chiến nhằm giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều trí thức sẵn sàng bỏ giàu sang phú quí ra bưng biền chịu nhiều hy sinh gian khổ, trường kỳ kháng chiến như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, Kha Vạn Cân, Cù Huy Cận, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Đình Thi, Trần Duy Hưng, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hồ Đắc Di, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát... Và theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có đông đảo trí thức Việt kiều về nước tham gia cuộc kháng chiến gian khổ như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Lương Định Của...

Tên tuổi của các trí thức có công với nước từ thời lập quốc đến nay sẽ mãi tồn tại trong lòng dân tộc và trường tồn cùng lịch sử đất nước.

Ngày nay, đội ngũ trí thức của chúng ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Trong nước, chúng ta có hơn 2 triệu người tốt nghiệp đại học, trong đó có hơn 16.000 tiến sĩ. Ở ngoài nước, trong hơn 3 triệu người Việt đang sinh sống, chúng ta có hơn 300.000 trí thức - là một bộ phận không thể tách rời của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức Việt Nam ngày nay ngày càng xác định rõ vị trí quan trọng và trách nhiệm thiêng liêng của mình đối với vận mệnh của dân tộc, đang ngày đêm nghiên cứu, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.

Toàn cầu hóa đang lôi cuốn mọi quốc gia và các dân tộc trên thế giới cùng nhảy vào cuộc đua mang tính quyết định đối với số phận của dân tộc mình. Trong cuộc đua đó, thời gian sẽ xác định rõ nước nào tiến bộ, nước nào lạc hậu; nước nào thành công, nước nào thất bại; nước nào hạnh phúc, nước nào bất hạnh.

Trí thức ngày xưa đã đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh vĩ đại dựng nước và giữ nước, đấu tranh để đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc, giành hạnh phúc cho nhân dân.

Trí thức ngày nay đang tham gia vào cuộc chiến đấu cam go mà thời đại đặt lên vai của họ : chiến đấu nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo mà đất nước đã mất hơn 80 năm làm nô lệ và hơn 30 năm kháng chiến gian khổ; chiến đấu giữa mạnh và yếu, giữa tiến bộ và suy thoái, giữa ta đang còn nghèo và nhiều nước đã giàu trên thế giới, chiến đấu cho sự phồn vinh của đất nước.

Trí thức ngày xưa chiến đấu vì nỗi nhục mất nước.

Trí thức ngày nay chiến đấu vì nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu.

Nếu như ngày xưa, trí thức dấn thân vào cuộc chiến đầy gian nan vất vả, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu nước, thì trí thức ngày nay cũng đang lao vào cuộc chiến đấu cam go không kém, gian khổ không kém, hy sinh không kém trước nguy cơ nghèo nàn, lạc hậu, hèn mọn đang đè nặng Tổ quốc.

Ngày nay, nhiều nước phát triển nhanh không dựa chủ yếu vào sự phong phú, đa dạng của tài nguyên nước mình. Nhiều nước có tài nguyên không giàu nhưng là nước giàu. Rất nhiều nước có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng lại là nước nghèo. Trong thời kỳ hội nhập, sự thành công của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc tất nhiên có dựa một phần vào tài nguyên của nước mình, nhưng điều quan trọng nhất là phụ thuộc vào nguồn tài nguyên vô giá - đội ngũ trí thức của nhân dân, vào đội ngũ trí thức lãnh đạo và đội ngũ trí thức doanh nhân . Đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đông về số lượng , cao về chất lượng, đầy nhiệt huyết xây dựng đất nước, là nguồn lực vô giá cho việc xây dựng đất nước.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức Việt Nam ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn như con thuyền từ dòng sông nhỏ đi ra biển lớn, sẽ gặp sóng to gió lớn. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, đội ngũ trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục học hỏi, nâng cao trình độ, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đưa đất nước ta sớm sánh vai với các nước bạn bè khắp năm châu, sẽ làm rạng danh dân tộc Việt Nam.

Ở mỗi thời đại dân tộc ta có những nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Nhưng ở bất cứ thời đại nào, trí thức Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng dân tộc và luôn phấn đấu vì sự trường tồn, vì sự hưng thịnh của dân tộc Việt Nam.

Bản thân các doanh nhân Việt Nam ngày nay cũng đã cố gắng học hỏi rất nhiều để trở thành doanh nhân - trí thức. Số lượng doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng đông, sẽ ngày càng được trí thức hóa, sẽ ngày càng giỏi trong quá trình phát triển đất nước để góp phần đưa nước ta sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, sớm trở thành một quốc gia hùng cường.

Vào năm 1442, khi viết bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu, ông Thân Nhân Trung đã nêu quan điểm chính thống đầu tiên của Việt Nam đối với trí thức: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh mà lên cao, nguyên khí suy thì đất nước yếu mà xuống thấp. Vì thế, các bậc Thánh Đế Minh Vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế cho nên quí chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.

Vào thế kỷ thứ 18, nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam, ông Lê Quí Đôn cũng lại đã khẳng định chân lý trên bằng câu nói nổi tiếng :

“Phi nông bất ổn
Phi công bất phú
Phi thương bất hoạt
Phi trí bất hưng”.

Đất nước không có trí thức thì không thể hưng thịnh được.

Chia sẻ bài viết