29/05/2013 - 22:28

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân

(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-5, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp - Dự án sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật tiếp công dân gồm 10 chương, 61 điều, quy định về việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.

Tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật tiếp công dân, tuy nhiên các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Cơ quan thẩm tra dự án Luật, còn băn khoăn về việc mặc dù dự thảo Luật đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tiếp công dân, bổ sung quy định về tiếp công dân của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và một số cơ quan nhà nước khác, song nhìn chung các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần làm cho công tác tiếp công dân bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức.

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là quá rộng, dự án Luật chỉ nên giới hạn quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị; không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, bởi vì các tổ chức, đơn vị này không trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, đồng thời luật cũng không xác định đây là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu có cũng chỉ mang tính nội bộ, đặc thù. Việc tiếp công dân, hội viên, thành viên của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, nên để các tổ chức này tự quy định trong điều lệ, quy chế hoạt động của tổ chức mình, nếu thấy cần thiết.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường về giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở; Giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên từ trung học phổ thông đến đại học; bao gồm cả học sinh, sinh viên được đào tạo ở nước ngoài khi về nước; Giáo dục quốc phòng - an ninh cho học viên các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập...

Thứ năm, ngày 30-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.

Chia sẻ bài viết