17/04/2008 - 23:24

Đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay ở các trường THPT. Người “cầm trịch” trong đổi mới chính là giáo viên. Để hỗ trợ giáo viên, đồng thời tạo sự thay đổi ngay từ “gốc”, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị “Nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong trường đại học và trường THPT”. Phóng viên Báo Cần Thơ đã ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu tại hội nghị.

Thạc sĩ Đỗ Mai Lan, giảng viên môn Địa lý, Trường Đại học Sài Gòn:
CHÚ TRỌNG PHÁT HUY TÍNH CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI HỌC

 

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đổi mới phương pháp dạy và học đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Theo chúng tôi, khi xây dựng một chương trình đào tạo, phải chú trọng đến tính chủ động, sáng tạo của người học; tăng cường lý thuyết kết hợp với thực tiễn và đẩy mạnh rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Riêng trong phân môn địa lý môi trường, chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng mô hình dạy học theo dự án. Đây là phương pháp dạy học được áp dụng phổ biến ở các trường đại học trên thế giới. Mô hình dạy học này có những ưu điểm như: trang bị thêm những kinh nghiệm, hiểu biết thực tế cho người học, kết hợp học với hành, đồng thời góp phần rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho sinh viên như: giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp... Ngoài ra, dạy học theo dự án cũng là cơ hội cho sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học trong quá trình phát hiện vấn đề, nêu vấn đề và giải quyết vấn đề.

Theo tôi, đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực giảng dạy là yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục hiện nay. Trong đó, việc học tập gắn kết lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành cần được xem là khâu đột phá quan trọng nhất.

Thạc sĩ Trần Văn Đạt, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang:
PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG TƯ DUY CỦA NGƯỜI HỌC

 

Môi trường giáo dục phù hợp trong thời đại công nghệ thông tin là phải phát triển những chiến lược giáo dục mới, thiết kế những phương pháp dạy học mới và tạo ra môi trường học tập mới, tích cực. Qua đó nhằm nâng cao sự hiểu biết, khả năng tư duy, lý luận và giải quyết vấn đề của người học. Còn giảng dạy theo phương pháp truyền thống, giáo viên trực tiếp truyền đạt - sinh viên thụ động tiếp nhận, hiệu quả đào tạo rất hạn chế. Chúng tôi đã nghiên cứu lý thuyết học tập tạo dựng, trong đó, nhấn mạnh vào tiến trình học tập của người học. Thay vì tập trung vào lượng thông tin được tiếp nhận, lưu trữ và ghi nhớ như thế nào thì lý thuyết học tập tạo dựng chú ý đến kiến thức được xây dựng ra sao trong não bộ người học, sự tương tác qua lại giữa người học với kiến thức và khả năng áp dụng kiến thức của người học.

Nguyên tắc chung của việc thay đổi phương pháp giảng dạy là nhấn mạnh vào vai trò chủ động của sinh viên với nhiều cơ hội thực hành. Người học đảm nhận vai trò chủ động trong sự tương tác giữa họ với kiến thức và giữa những người tham gia.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đệ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp:
LIÊN KẾT ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG “CỖ MÁY CÁI”

 

Hiện nay, đội ngũ giáo viên ở ĐBSCL “mỏng” về lượng và yếu về chất. ĐBSCL có 13 tỉnh, thành, dân số của khu vực chiếm 20,9% dân số cả nước nhưng chỉ có 1 trường đại học sư phạm, 4 khoa sư phạm làm nhiệm vụ đào tạo, cung cấp giáo viên cho 429 trường THPT. Cả 5 đơn vị đào tạo này chỉ có 816 giảng viên cơ hữu. Trong đó, có 1 Phó Giáo sư, chưa đến 50% giảng viên có trình độ sau đại học. Ngoài ra, cơ cấu đào tạo mất cân đối giữa các môn học, việc đào tạo trùng lắp, phân tán. Điều đáng lo ngại là tình trạng thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, thể hiện rõ nhất ở khoảng cách về nhu cầu và thực tế đào tạo bổ sung và thay thế đội ngũ.

Để khắc phục tình trạng trên, cần có những giải pháp đồng bộ, như: nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên theo mục tiêu đào tạo; xây dựng mô hình chất lượng, liên kết đào tạo giữa các đơn vị để nâng cao chất lượng đào tạo; tăng chiều sâu cho hoạt động giáo dục ở các đơn vị... Đồng thời, các đơn vị nên tăng cường đào tạo năng lực nghề nghiệp và đào tạo cách dạy phương pháp học.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam, Trưởng khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ:
GIÚP GIẢNG VIÊN, GIÁO VIÊN MẠNH DẠN ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

 

Khi Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, rất ít người tham gia nghiên cứu, tìm giải pháp đổi mới. Tâm lý của một số giảng viên, giáo viên là sợ sự thay đổi. Một số người muốn đổi mới lại lúng túng, chưa biết bắt đầu từ đâu, như thế nào. Từ năm 1996, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức các hội nghị về đổi mới phương pháp giảng dạy với sự tham gia của các giảng viên đại học, các giáo viên phổ thông. Qua đó, phong trào tự nghiên cứu, đổi mới đã dần lan rộng ra trong đội ngũ.

Hiện nay, nội dung chương trình sách giáo khoa mới rất nặng. Muốn đổi mới, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian dành cho học sinh suy nghĩ, thảo luận... Trong khi đó, thời gian qui định của mỗi tiết học, mỗi bài dạy vẫn không thay đổi nên giáo viên dễ bị “cháy” giáo án. Bên cạnh đó, một số trường phổ thông chưa có giải pháp hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. 2 năm qua, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức tập huấn chương trình sách giáo khoa mới cho giáo viên các trường THPT ở ĐBSCL. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉnh sửa những tài liệu này theo hướng đề ra những phương pháp, giải pháp giảng dạy cụ thể để giáo viên các trường THPT nghiên cứu thực hiện.

HÀ THANH (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết