10/10/2008 - 08:39

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội để đạt kết quả thiết thực hơn

* Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về Đề án Thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã

Cần đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng cụ thể, có hiệu quả thiết thực; nếu Luật giám sát còn có những bất cập thì phải đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến như vậy về dự kiến Chương trình giám sát của quốc hội năm 2009 tại cuộc họp sáng 9-10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tờ trình do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đệ trình nhận định: trong năm 2008, hoạt động giám sát của Quốc hội, các Đoàn đại biểu QH có tiến bộ và đạt được những kết quả nhất định, các nội dung đưa vào chương trình giám sát là những vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế, được các vị đại biểu QH và cử tri hoan nghênh. Các chương trình giám sát chuyên đề như: Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý vấn đề đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; Thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo... đã được tiến hành nghiêm túc, góp phần thúc đẩy trách nhiệm trong việc chỉ đâọ, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Mặt tồn tại của hoạt động giám sát còn có một số nơi chưa được sự cộng tác nghiêm túc của một số cơ quan, đơn vị, địa phương; chất lượng báo cáo chưa cao.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phản ánh thái độ làm việc chưa nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương: “Báo cáo chuẩn bị rất sơ sài, có bộ phải làm báo cáo đề dẫn thì copy toàn bộ nội dung của đoàn giám sát vào khiến nhiều báo cáo của các bộ như anh em sinh đôi với báo cáo của cơ quan giám sát”.

Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2009 sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Kinh tế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ bản; Tài chính, ngân sách; Nông nghiệp, nông thôn, miền núi; hành chính, pháp luật, tư pháp; Y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội; Các công trình trọng điểm quốc gia, các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên môi trường; Về công tác dân nguyện...

Các ý kiến đều cho rằng dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2009 theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội quá rộng cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải giải quyết sớm. Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động giám sát, trong năm 2009 khi tiến hành các hoạt động giám sát, phải kết hợp chặt chẽ với các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố; kết quả hoạt động giám sát phải được thể hiện bằng Nghị quyết để có cơ sở yêu cầu cơ quan, địa phương bị giám sát phải thực hiện các quyết nghị của Quốc hội.

Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2009 sẽ được trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

* Chiều 9-10, tại phiên họp thứ 13, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã. Đề án này dự kiến sẽ được trình Quốc hội (khóa XII) xem xét, ra Nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4 tới.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đã đọc Tờ trình của Chính phủ về Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. Dự kiến, Đề án sẽ được tiến hành từ tháng 4 năm 2009, theo đó, việc thí điểm bỏ HĐND huyện, quận sẽ được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố; việc thí điểm dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã sẽ được triển khai tại 385 xã thuộc 39 tỉnh, thành phố. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đã trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án thí điểm này.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với nội dung Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã, coi đây là một nội dung quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, là sự tiếp nối, kế thừa chủ trương của Đảng về thực hiện dân chủ cơ sở. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, cho rằng số lượng địa phương tiến hành thí điểm như trên là quá rộng và cần có cách làm cụ thể, thống nhất, được chuẩn bị chu đáo, lường trước những khó khăn. Một số ý kiến cũng lưu ý về sự thận trọng, chu đáo trong các khâu chuẩn bị, bởi khi tiến hành thí điểm, sẽ cùng lúc có những mô hình cấu trúc chính quyền khác nhau, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương. Cần nêu rõ những khó khăn này trong đề án và hướng xử lý.

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến và nhất trí về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII dự kiến khai mạc vào ngày 16-10-2008.

HỒNG QUÂN - PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết