08/08/2021 - 11:51

Đôi điều về lai lịch việc tổ chức “Binh Gia Nghị” 

Nguyễn Hữu Hiệp

 

Người đời sau thường biết “Binh Gia Nghị” (hay còn gọi “Nghĩa binh Gia Nghị”) gắn liền với cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa (1867-1873) và Chánh Quản cơ Trần Văn Thành - người đã thành lập đội quân trên để chống lại quân Pháp. Bài viết dưới đây xin trình bày đôi điều về lai lịch việc tổ chức “Binh Gia Nghị” cũng như câu chuyện liên quan đến Ðức Quản cơ Trần Văn Thành.

Tượng đài Quản cơ Trần Văn Thành. Ảnh: tuyengiaoangiang.vn

Sau khi lên ngôi, để không bị bất ngờ khi hữu sự về biên phòng, vua Gia Long chủ trương “Tịnh vi nông động vi binh”, nên đã ban chiếu dụ: “Việc võ bị ở nơi biên cương không thể thiếu được. Nếu lại điều động binh ở các nơi khác đến thì không quen phong thổ, quyết không bằng dân bản địa, các ngươi trước biết rõ tình thế biên cương hòa hoãn hay cấp bách thế nào mới có thể sai phái được. Vậy hạ lệnh số dân các phủ huyện… cùng số dân đồn điền biệt nạp đều lấy một nửa lập làm hương binh, biên thành đội ngũ, có việc thì làm lính, không việc thì làm ruộng. Ðó là thượng sách để cùng nhau giữ gìn yên ổn”. Ðến tháng 3 năm Giáp Tuất (1814) thì có quy định: Dân đồn điền cứ 3 đinh lấy 1, đặt làm 5 cơ. Hằng năm cứ tháng 3 và tháng 11 tổ chức huấn luyện/diễn tập 1 tháng rồi cho về. Ðồng thời định lệ thưởng cho những người mộ dân lập ấp ở Nam Kỳ.

Theo “Ðại Nam thực lục chính biên”, đệ nhất kỷ, số liệu đồn điền năm 1822 phân bố như sau ở cả 4 phủ, thành Gia Ðịnh:

- Tân Bình: 3 hiệu, 22 trại, dân số 150 người.

- Ðịnh Viễn: 14 hiệu, 143 trại, dân số 6.174 người.

- Phúc Long: 1 hiệu, 4 trại, dân số 138 người.

- Kiến An: 8 hiệu, 79 trại, dân số 2.641 người.

Ðến thời Minh Mạng, vào tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1822) chuyển toàn bộ 9.703 người dân đồn điền vào ngạch binh lính và đổi tên các đồn điền vốn theo tên tổng, huyện sở tại thành tên phiên hiệu quân đội như sau:

- Tân Bình đổi là Gia Bình hiệu.

- Ðịnh Viễn đổi là Gia Viễn hiệu.

- Phúc Long đổi là Gia Phúc hiệu.

- Kiến An đổi là Gia An hiệu.

Cho đến thời vua Tự Ðức, do lời tâu của Kinh lược sứ Nam Kỳ Nguyễn Tri Phương “Xin họp những dân nghèo túng lại để giúp kế sinh sống nhờ sự giúp đỡ và qua đó mà có sẵn quân coi việc biên phòng” được chấp thuận, nên vấn đề đồn điền được xúc tiến xây dựng với quy mô lớn hơn trước. Theo “Quốc triều chánh biên toát yếu”, năm Quý Sửu (1853) tháng Giêng, vua Tự Ðức chuẩn cho xứ Nam Kỳ làm phép đồn điền lập ấp. Ðình thần tâu: “Xin cho xứ Nam Kỳ cùng các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Bắc, thông sức người bổn hạt, cho tình nguyện ứng mộ; mộ được bao nhiêu, giao cho hai tỉnh An Giang và Hà Tiên; còn dư cho qua Vĩnh Tế, Ba Xuyên, Tịnh Biên, chỗ nào đất hoang thì cứ ở mà cày. Như mộ người đồn điền thời thúc làm lính đồn điền, chia 50 người làm 1 đội, 500 người làm 1 cơ; nhưng mộ người lập ấp, phải được 10 người trở lên mới cho tùy chỗ khai khẩn lập bộ, người Tàu đầu mộ cũng cho. Người nào mộ lính đồn điền được 1 đội, cho bổ Suất đội; được 1 cơ cho bổ Chánh đội thí sai phó quản cơ; ngày sau thành căn cước, 1 đội làm 1 ấp, 1 cơ làm 1 tổng, còn Quản cơ, Suất đội đều lãnh chức Tổng trưởng, Ấp trưởng. Người nào mộ dân lập ấp được 30 người tha xâu thuế trọn đời, được 50 người thời thưởng Chánh cửu phẩm, được 100 người thời thưởng Chánh bát phẩm, nhưng lãnh chức Tổng lý. Còn thuế ruộng đất hiện khẩn và thuế đinh, đều cho khoan hạn để khuyến khích cho người ứng mộ”.

Nguyễn Tri Phương lại tâu: “Phủ Ba Xuyên và phủ Tịnh Biên, dân thổ mới theo về, nay chẳng cho hết Lục tỉnh làm, mà chỉ cho hai phủ, e hoặc sanh sự chăng? Xin thông sức Lục tỉnh, bao nhiêu người ứng mộ, ai muốn qua Tịnh Biên, Ba Xuyên, ai muốn tìm đất không khoảng trong bổn hạt, khai khẩn lập ấp, đều cho tình nguyện, nhưng phải thuộc vào các tổng đã lập thành rồi. Lại xin cho tù phạm ở Lục tỉnh, như có đứa nào xin lập 1 đội, hoặc 1 thôn, đều được 50 người, thời cho làng họ chúng nó đứng bảo kiết, sẽ tha tội, giao cho tỉnh An Giang phân tháp về chỗ Vĩnh Tế, hoặc giao Hà Tiên phân tháp về chỗ Giang Thành, ở đó cày ruộng, suy xét quả được thành hiệu sẽ nghĩ”. Vua đều cho thi hành cả.

Thế là ở An Giang bắt đầu thi hành phép mở đồn điền và lập ấp, chủ yếu hai bên bờ sông Vĩnh Tế, lúc yên thì lo sản xuất, có giặc thì dân của đồn điền chia nhau phòng giữ. Theo đó, hai cơ An Ninh, An Biên được dồn lại; hai cơ An Dũng và Võ Dũng đều tuân theo nghị cũ, sau 3 năm mới làm sổ ngạch.

Năm 1854 Nam Kỳ có 21 cơ, lập thành làng mạc trên dưới 100 ấp, chia đặt cho đóng đồn khẩn ruộng. Nếu mỗi cơ gồm 500 người thì 21 cơ gồm 10.500 dân. Số dân đồn điền này phân bố tại 6 tỉnh Nam kỳ như sau:

- Gia Ðịnh 6 cơ: Gia Trung, Gia Thuận, Gia Hùng, Gia Nhuệ, Gia Tráng, Gia Tiệp.

- An Giang 2 cơ: An Dũng, An Vũ.

- Ðịnh Tường 3 cơ: Tường Uy, Tường Kiên, Tường Nhuệ.

- Vĩnh Long 7 cơ: Long Hùng, Long Dũng, Long Trị, Long Hựu, Long Minh, Long Nghĩa, Long Vinh.

- Hà Tiên 2 cơ: Hà Tiên, Hà Nghĩa.

- Biên Hòa 1 cơ: Biên Dũng.

Mỗi cơ đều đặt 1 phó quản cơ (nhưng phải có thời gian “thí sai” - nghĩa là thời gian đầu chưa được vào chính ngạch, như nay gọi là thử việc vậy - NV), 1 hiệp quản, 1 điển ty và 10 suất đội. 21 cơ nói trên cộng thêm 4 cơ ở Vĩnh Tế (thời gian này thêm 2 cơ mới - NV) là 25 cơ, tổng số là 12.500 người (“Ðại Nam thực lục chính biên”, Ðệ tứ kỷ). Theo Léopold de la Barrière trong “Histoire de l’Expedition de Cochinchine en 1861” (Paris-Nancy, 1888, trang 297) thì người chỉ huy một liên đội đồn điền (khoảng 300 lính đồn điền) được phong là Quản cơ và kiêm luôn chức Cai tổng nơi liên đội mình lập thành làng xã.

Vốn tự dân mà ra, chưa từng làm việc quản lý ngày nào nên người đứng đầu một cơ chưa thể làm Quản cơ ngay, mà trước tiên phải là thí sai Phó Quản cơ, khi đã quen việc mới có thể thăng lên làm Quản cơ.

***

Ở An Giang, lúc bấy giờ có Quản cơ Trần Văn Thành. Ông tham gia quân đội năm 1840 nhờ có tài văn võ nên được tuyển dụng làm Suất đội chỉ huy 50 binh sĩ. Từ đó ông theo các tướng lĩnh nhà Nguyễn như: Nguyễn Tiến Lâm, Trương Minh Giảng, Lê Văn Ðức, Nguyễn Công Trứ... lập nhiều công lao đánh bại ngoại xâm, nên được thăng chức từ Suất đội lên Chánh Quản cơ năm 1845 chỉ huy 500 binh lính đóng tại thành An Giang. Ông Trần Văn Thành cũng theo Phật Thầy Tây An Ðoàn Minh Huyên khẩn hoang lập làng, khuếch trương nông nghiệp.

Sau đó, không cam chịu trước cảnh bị thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, Hà Tiên và An Giang, năm 1867 ông Trần Văn Thành đã bí mật đi khắp Nam Kỳ tuyển mộ nghĩa binh phối hợp với nghĩa quân của anh hùng Nguyễn Trung Trực kháng Pháp tại vùng Long Xuyên, Rạch Giá.

Về danh xưng của các cơ, lúc bấy giờ đều lấy một chữ đầu của tên tỉnh (riêng tỉnh Ðịnh Tường thì lấy chữ sau là Tường - tránh dùng chữ Ðịnh sợ lầm là Gia Ðịnh). Cũng như thế, các cơ của Vĩnh Long thì lấy chữ Long. Trong khi đó cơ ở An Giang do ông Trần Văn Thành lãnh đạo thì không mang chữ An (như trước đó), mà là Gia là vùng đất Gia Ðịnh, được hiểu là chỉ toàn miền Nam để thể hiện sự đoàn kết giữa các lực lượng trong toàn miền, cũng nhằm mục đích tiện liên thông giúp đỡ, cứu ứng. “Tri lai bửu tích” có ghi lại:

“Năm Ðinh Tỵ phô trương tái ngũ

Trong cơ vệ, mộ quân đã đủ

Ông trở về chịu chức Quản cơ

Ðạo nghĩa quân khai trống phất cờ

Lấy danh nghĩa “Binh cơ Gia Nghị””.

“Rằng lịnh Ông cơ mật cho mời:

“Anh em cứ mỗi nơi trở lại!”

Các chiến sĩ nghe ông lịnh dạy

Ðều ồn ào trở lại quân cơ

Quyết giờ đây chuẩn bị phất cờ

Gần sắp đặt khai cơ Gia Nghị”.

Sau khi anh hùng Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử tử năm 1868 tại Rạch Giá, ông Trần Văn Thành về Láng Linh - Bảy Thưa (huyện Châu Phú) lập căn cứ, rèn đúc vũ khí tiếp tục phất cờ khởi nghĩa chống Pháp, thu hút ngày càng đông nghĩa binh tham gia. Thực dân Pháp đã nhiều lần đưa quân đánh vào căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa nhưng đều thất bại. Tháng 2-1873, Pháp huy động lực lượng binh lính từ Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc đồng loạt tấn công vào căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa. Trước sự chênh lệch về quân số, vũ khí giữa Pháp và Nghĩa binh Gia Nghị, cuối cùng quân Pháp đã chiếm được căn cứ Bảy Thưa vào sáng 21-2 (âm lịch) năm 1873, nhiều nghĩa quân đã hy sinh, bị bắt. Nhiều tư liệu cho biết Quản cơ Trần Văn Thành tử trận, nhưng cũng có tư liệu cho rằng ông mất tích.

Nhân dân lập đền thờ các vị anh hùng Nghĩa binh Gia Nghị. Năm 1986 Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia và tổ chức lễ giỗ hằng năm vào ngày 21 và 22 tháng 2 (âm lịch).

Một góc Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành. 

 

Chia sẻ bài viết