Mùa sầu riêng năm nay, Vườn sầu riêng Chị Thảo ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ tiếp tục mở cửa đón khách trong và ngoài thành phố đến tham quan. Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 40km, khu vườn là điểm thu hút, giữ chân du khách nhiều năm qua nhờ hương vị thơm ngon, đặc trưng của sầu riêng sản xuất theo quy trình sạch cùng trải nghiệm hái và ăn sầu riêng chín cây tại vườn.
Khách tham quan, thưởng thức các món ăn trong Vườn sầu riêng Chị Thảo.
Khu vườn thuộc sở hữu của chị Ngô Thị Thảo, diện tích trên 10.000m2 trồng khoảng 100 gốc sầu riêng trên 20 năm tuổi và 100 gốc măng cụt hơn chục năm tuổi. Chị Ngô Thị Thảo, chia sẻ: “Tôi làm du lịch rất tình cờ, như một cái duyên. Năm đó, vườn vào mùa sầu riêng chín rộ, có nhiều khách tìm đến vườn mua ăn tại chỗ, số khác lại đóng thùng đem về. Người này truyền tai người kia, khách đến ngày càng đông. Với sự động viên từ người thân, đặc biệt là 2 cô con gái (hoạt động trong ngành du lịch) tôi mạnh dạn treo bảng “Vườn sầu riêng Chị Thảo” và mở cửa đón khách. Cứ như vậy mà từ đó đến nay cũng kéo dài suốt 7- 8 năm rồi”.
Một điểm đặc biệt của Vườn sầu riêng Chị Thảo là so với thị trường, giá sầu riêng chị Thảo cao hơn khoảng 30.000-40.000 đồng/kg và khi tham quan phải mua vé (20.000 đồng/người) nhưng khách vẫn vui vẻ “xuống tiền”. Không chỉ vậy, mùa trái chín năm sau những mối quen nếu không đến tận vườn thưởng thức được vẫn gọi điện để đặt hàng. “Sầu riêng, măng cụt nhà tôi trồng theo quy trình sạch, trái chín tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích nên có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng. Mặt khác, khách có thể tham quan, tự bẻ trái và ăn ngay tại vườn nếu không như ý sẽ được bao đổi trả. Sở dĩ giá sầu riêng “đội lên” là do chi phí thuê người buộc trái khi còn sống và tháo dây ra khi trái chín khá cao. Nhưng để đảm bảo an toàn cho khách khi tham quan và thỏa mãn nhu cầu tự tay bẻ sầu riêng chín cây của khách, chúng tôi phải thực hiện cẩn trọng và tỉ mỉ” - chị Thảo cho hay.
Một trong những nguyên nhân thu hút khách của Vườn sầu riêng Chị Thảo nữa là nét đặc trưng của vườn trái cây lâu năm ở miền Tây trồng xen giữa sầu riêng và măng cụt. Và khách vào vườn chủ yếu để tận hưởng không gian rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh, trong lành, rất phù hợp thư giãn cuối tuần. Xung quanh khu vườn được bố trí bàn ghế, võng, chòi để du khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống. Ngoài trái cây, nhà vườn còn phục vụ nước giải khát và các món ăn đồng quê, đậm chất miền Tây như cháo gà xé phay, gà hấp tỏi, cá lóc nướng trui, gà nướng sầu riêng...
Đến tham quan, trải nghiệm tại Vườn sầu riêng Chị Thảo dịp cuối tuần, chị Huỳnh Thị Ý, ở thị trấn Cờ Đỏ, chia sẻ: “Chỗ mình ở không có vườn, nên khi lướt Facebook thấy vườn sầu riêng này khá đẹp lại gần nhà nữa mình chốt đi ngay. Trước khi đến, mình có đặt trước một số món ăn trưa, vừa đến thì nhân viên đã lên món. Các món ăn ở đây gần gũi với người miền Tây, giá khá hợp lý. Vừa ăn uống vừa hòa mình vào thiên nhiên như thế này rất thú vị”.
Hằng năm, Vườn sầu riêng Chị Thảo đón khách từ tháng cuối tháng 3 đến hết tháng 5 âm lịch. Đây là mùa thu hoạch của sầu riêng, măng cụt. Ngày thường, vườn đón khoảng 20-40 khách/ngày, dịp cuối tuần và dịp lễ lượng khách tăng lên gấp đôi, gấp ba. Khách đến đây không những người ở TP Cần Thơ mà còn các tỉnh lân cận và cả miền Trung, miền Bắc. Theo chị Thảo, năm nay, vườn sầu riêng cho sản lượng khoảng 5 tấn, với giá bán 100.000 đồng/kg chị thu được khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, chị Thảo cũng đang cho trồng thử nghiệm vườn táo với diện tích 2.000m2 với định hướng ban đầu là phát triển du lịch. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên làm trái chưa đạt và gia đình chị đang rút kinh nghiệm, học tập nhiều nơi để hoàn thiện mô hình trong thời gian tới.
Về định hướng sắp tới, chị Ngô Thị Thảo khẳng định: “Đối với tôi, uy tín, chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất. Nhờ điều này mà Vườn sầu riêng Chị Thảo không chỉ giữ chân được những khách hàng lâu năm mà còn có thêm khách hàng mới. Vì vậy, phương châm này đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Để khẳng định uy tín, thương hiệu, tôi đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu Sầu riêng Chị Thảo; đồng thời, đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, tôi cũng chủ động làm mã QR để truy xuất nguồn gốc sầu riêng”.
Ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, đánh giá: Huyện đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chỉ đạo các xã tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy Cờ Ðỏ về Ðẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế tập thể và kinh tế vườn huyện Cờ Ðỏ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy Cờ Ðỏ về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ, nhằm phát huy lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập người dân. Mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái của chị Ngô Thị Thảo là một trong những mô hình tiêu biểu. Vì vậy, hướng tới, huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển hơn nữa vườn sầu riêng thông qua quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu, từ đó các nông hộ khác có thể học hỏi, nhân rộng.
Bài, ảnh: MỸ THANH