Kiên Giang được biết đến là địa phương có nhiều điểm du lịch thu hút khách du lịch của cả nước. Ngoài những địa danh, thắng cảnh như huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương… thì nay có loại hình du lịch mới ở vùng miệt thứ thuộc địa bàn xã Đông Hưng B, huyện An Minh. Đó là du lịch sinh thái trải nghiệm với những thú vui, như câu cá, hái rau rừng, xem gác kèo ong mật, nhất là đi trên chiếc vỏ lãi để vượt đập ngăn mặn vào rừng thì thật thú vị.
Du khách thích thú vào Tiểu khu rừng tràm 34 dỡ lọp bắt cá, hái rau đồng và thưởng thức các món ăn đồng quê.
Hồi hộp ngồi trên chiếc vỏ lãi (còn gọi là vỏ tắc ráng), khi nghe hiệu lệnh của anh lái vỏ máy chuẩn bị “vượt đập” và tăng tốc ai cũng sợ. Thế nhưng, khi chiếc vỏ máy cùng đoàn du khách qua con đập nằm ngấp nghé cách mặt nước khoảng 20cm thì thật thích thú. Đó là trải nghiệm đầu tiên khi đoàn du khách muốn vào khu rừng Tiểu khu 34 thuộc ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh. Anh Lê Hoàng Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông Hưng B, huyện An Minh là “chủ nhân” của tuyến du lịch này. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng rừng tràm U Minh Thượng nên rất tâm đắc với rừng. Anh Lê Hoàng Nhân cho biết, sinh sống ở vùng này thì hình ảnh cây tràm đã thấm vào máu thịt của mình. Vì vậy, hiện nay anh Nhân là chủ nhân của dòng tranh vỏ tràm ở vùng U Minh Thượng. Chỉ là “tay ngang” không qua trường lớp đào tạo, nhưng từ lâu anh Nhân đã tự tìm tòi học hỏi làm ra những bức tranh bằng chất liệu vỏ tràm và được nhiều người ưa thích chọn lựa để mua làm quà.
Yêu cây tràm và nhận thấy tiềm năng từ rừng tràm ở Tiểu khu 34, có tổng diện tích trên 1.296ha, thuộc rừng phòng hộ được giao khoán cho mỗi hộ dân trung bình 5ha để quản lý, bảo vệ và khai thác theo tỷ lệ phần trăm hàng năm nhằm phát triển kinh tế gia đình. Thấy việc gác kèo ong mật, nuôi cá nước ngọt, trồng màu của người dân, nhất là khi đặt chân vào tiểu khu này phải “vượt chướng ngại vật” qua con đập khá thú vị, nên anh Nhân bàn với anh Huỳnh Văn Duẩn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đông Hưng B, có đất và nhà trong Tiểu khu 34 mở tuyến du lịch để du khách trải nghiệm về với thiên nhiên rừng tràm.
Theo đó, khách du lịch muốn đặt tour du lịch vào Tiểu khu rừng tràm này cũng khá đơn giản, chỉ cần đoàn khách từ 4 - 5 người. Điểm đầu tiên, khi du khách đặt chân đến là ngay phòng tranh vỏ tràm Miệt Thứ của anh Nhân nằm cặp bờ sông Trẹm thuộc ấp 11A, xã Đông Hưng B. Trong khi du khách xem tranh vỏ tràm, thì thời gian này sẽ có vỏ máy đến đón vào khoảng 2,5km. “Điểm nhấn” đầu tiên là du khách được “bay” qua con đập bên ngoài đê rừng để ngăn nước mặn vào trong khu vực rừng tràm Tiểu khu; vừa “hú hồn” khi chiếc vỏ máy chạm mặt nước thì du khách lại vô cùng thích thú khi ngắm cảnh rừng tràm bao la, dưới con kênh dẫn vào Tiểu khu là rau muống đồng mọc lấn ra chạm vào chiếc vỏ; du khách thích thú hơn khi đưa bàn tay xuống dòng nước đỏ mát lạnh của U Minh tựa màu trái mòng tơi chín.
Đặt chân lên đê bao rừng tràm du khách bắt đầu trải nghiệm các hoạt động trở về với thiên nhiên còn độc đáo hơn, như đi hái rau rừng, nào là đoạt choại, nhãn lòng, rau muống, rau cơm thất…; tiếp đến theo chân những người dân cố cựu nơi đây vào xem họ gác ong rừng lấy mật, đặt lọp bắt cá đồng, đi câu cá đồng dưới tán rừng tràm, tự tay dỡ lọp bắt cá… sau đó là bữa cơm với những gì mà du khách bắt hay vừa hái xong. Anh Lê Chiêu Hùng, ngụ khu phố 2, thị trấn Thứ 11, huyện An Minh vừa tự tay dỡ lọp và bắt hai con cá lóc (cá chuối), rồi đem lên ngay bờ đê nướng thơm lừng rồi í ới gọi nhau ngồi “bệt” xuống đất thưởng thức cùng ly rượu đế. Anh Hùng cho biết, dù nhà ở cách tiểu khu rừng tràm này không xa, nhưng là lần đầu tiên được vào đây trải nghiệm quá thú vị. Thú vị nhất là mình được về với thiên nhiên vốn có thuở nào, rồi tự tay bắt, nướng cá, hái rau rừng cùng nhau thưởng thức vô cùng ấm cúng. Còn anh Lê Hoàng Kha, cán bộ Điện lực huyện An Minh đang thích thú với cần câu cá ở phía bìa rừng. Những con cá rô đồng, thát lát lần lượt được anh đưa lên bờ như một phần thưởng xứng đáng cho ngày nghỉ cuối tuần. Anh Kha cho biết, mình rất thích câu cá. Đây cũng là lần đầu tiên anh được bạn bè rủ nhau vào tiểu khu rừng tràm này trải nghiệm và thật thích thú khi câu được những con cá đồng. Anh Hà Huy Khang, tiểu thương mua bán tại chợ Thứ 11 và cũng là “ca sĩ miệt vườn” ở vùng miệt thứ này cho biết, trước giờ đi đây đó giao lưu ca hát nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên được về với thiên nhiên rừng tràm quá thú vị. Qua chuyến đi này, anh Khang cho biết sẽ giới thiệu đến nhiều bạn bè để tranh thủ ngày cuối tuần vào đây trải nghiệm những thú vui ruộng đồng đã gắn bó một thời với nông dân vùng U Minh.
Lão nông Nguyễn Văn Đồng, người đã có 8 năm ăn Tết trong tiểu khu rừng tràm ở đây cho biết, từ khi nhận khoán đất rừng, bà con ở đây buồn lắm. Lý do là chưa có con đường, chủ yếu đi lại bằng vỏ máy nên ai cũng ngại mỗi khi vào đây. Mỗi khi có lễ, Tết thì bà con chạy vỏ máy ra chợ mua những thứ cần dùng rồi í ới gọi nhau cùng vui chứ ít có người quen đến chơi. Giờ có mô hình du lịch này nên bà con ở đây rất vui mừng. Cũng vì rất mến khách, khi đoàn du khách đến, ông Đồng không ngại ngần dùng chính chiếc vỏ của gia đình để chở và hướng dẫn đi vào rừng xem ông gác kèo ong lấy mật. Bạn hàng xóm với ông Đồng là Võ Văn Thạch khi nghe có đoàn khách vào thăm rừng tràm cũng rất phấn khởi và hướng dẫn từng người cách đặt, dỡ lọp bắt cá đồng dưới nước. Chẳng những không “tính công” mà ông Thạch còn hào phóng biếu luôn cho anh em mấy con cá lóc đồng để thưởng thức.
Theo anh Lê Hoàng Nhân, trong Tiểu khu rừng tràm 34 này có tổng số 142 hộ nhận khoán đất rừng, đa số là hộ nghèo, nay dần cũng đã ổn định nhờ sản vật tự nhiên ban tặng, như cá, rau rừng, ong mật… nhưng tiềm năng vẫn còn nhiều. Trước mắt, mở tuyến du lịch này để du khách trải nghiệm, về sau sẽ mở rộng hơn và giúp cho bà con nơi đây biết cách “ăn theo” du lịch, như bán các sản vật tự làm ra cho du khách là ong mật, cá đồng, rau rừng… mà không phải tự tìm nơi tiêu thụ như hiện nay.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH