02/07/2019 - 13:44

Doanh thu thấp, chủ đầu tư BOT T2 đòi trả Dự án 

(CTO)- Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ (QL) 91 Cần Thơ- An Giang vừa có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại Dự án và hoàn trả chi phí đầu tư Dự án.

Các tài xế phản đối, không đồng ý mua vé qua trạm tại Trạm thu phí T2 do họ chỉ đi đoạn đường ngắn, nhưng trả phí cao.

Các tài xế phản đối, không đồng ý mua vé qua trạm tại Trạm thu phí T2 do họ chỉ đi đoạn đường ngắn, nhưng trả phí cao.

Trong trường hợp Chính phủ không có phương an nhận lại Dự án, để đảm bảo duy trì thực hiện hợp đồng BOT theo đúng thỏa thuận đã ký kết giữa nhà đầu tư và Chính phủ (Bộ Giao thông vận tải đại diện), nhà đầu tư đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ Dự án phần chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỷ đồng và chi phí xây dựng quốc lộ 91B khoảng 480 tỷ đồng - Trạm T2, Dự án chỉ thu phí tại Trạm T1 để hoàn vốn chi phí đầu tư xây dựng quốc lộ 91- Công văn nêu.

Công ty cổ phần đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang là chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức BOT. Dự án gồm 2 phân đoạn: phân đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn từ Km14-Km50+889 được Bộ GTVT nghiệm thu, đưa vào sử dụng ngày 9-3-2016; phân đoạn 2 mở rộng và tăng cường nền, mặt đường QL91B đoạn từ Km0+000-Km15+793 được Bộ GTVT nghiệm thu, đưa vào sử dụng ngày 13-12-2016.

Dự án được Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị đầu tư hơn 1.651 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu 277,46 tỷ đồng (vốn thực góp 282 tỷ đồng), tổng vốn vay theo hợp đồng BOT hơn 1.373,6 tỷ đồng (chiếm 83,2% tổng giá trị đầu tư dự án). Theo Chủ đầu tư, dư nợ còn lại trong hợp đồng vay đến ngày 31-5-2019 là 1.204 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư, công tác thu phí hoàn vốn tạiTrạm thu phí T1-Km16+905 QL91 thực hiện từ 2-4-2016 và Trạm T2- Km50+050 QL91 từ 31-12-2016 theo Quyết định của Bộ GTVT. Thỏa thuận giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT thời gian thu phí cho Dự án là 15 năm 9 tháng 25 ngày. Sau đó, Dự án được Chính phủ chấp thuận đầu tư bổ sung QL91B, bổ sung Trạm thu phí T2 để thu phí hoàn vốn cho Dự án; sau khi giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GTVT và Nhà đầu tư thống nhất cập nhật lại số liệu thực tế và thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án là 34 năm 4 tháng 23 ngày.

Chủ đầu tư cho rằng, sau 3 năm thực hiện thu phí hoàn vốn, doanh thu phí chỉ đủ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và bảo trì dự án; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhà đầu tư vẫn chưa nhận được và còn phải chịu thuế VAT trên vé sử dụng dụng đường bộ Dự án. Tổng doanh số thu phí từ bắt đầu thu đến 31-5-2019 hơn 495,8 tỷ đồng, các khoản chi của nhà đầu tư là hơn 595 tỷ đồng; nhà đầu tư cho biết chênh lệch thu chi hơn 99,2 tỷ đồng.

Chủ đầu tư lý giải đã giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho 11.757 phương tiện qua trạm cho 3 địa phương: TP Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác Dự án đã nhiều lần lái xe, phương tiện gây rối tại Trạm T2. Từ tháng 2-2019 chủ đầu tư liên tục xả trạm; đặc biệt từ khi cầu Vàm Cống khánh thành, đưa vào sử dụng (19/5/2019) thì tình trạng nghiêm trọng hơn; trạm T2 xả trạm từ 25-5-2019 đến nay chưa thu lại, ảnh hưởng đến năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Nhà đầu tư cho rằng nếu không thu phí sẽ dễ rơi vào tình trạng nợ xấu và kế hoạch trả nợ ngân hàng của nhà đầu tư. Từ những lý do này mà nhà đầu tư đòi trả dự án, hoặc Chính phủ hỗ trợ 880 tỷ đồng hoàn vốn trạm T2, chủ đầu tư chỉ thu phí Trạm T1.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết