24/08/2008 - 21:17

Doanh nghiệp và công nhân đồng hành vượt khó

“Bão giá” đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều tầng lớp xã hội, trong đó có công nhân trực tiếp sản xuất. Để ổn định lực lượng, đảm bảo tiến độ sản xuất hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực áp dụng nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người lao động song song với việc khuyến khích sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp…


* An tâm làm việc

Đến Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, Khu Công nghiệp Cái Sơn – Hàng Bàng vào những ngày giữa tháng 8, khoảng sân rộng yên lặng, chỉ có nhân viên bảo vệ cần mẫn làm việc, ông lao công chăm chú thu gom lá rụng vương vãi trên sân cỏ. Nhân viên ở Công ty cho biết: Tập thể cán bộ, viên chức, lao động ra sức thực hiện chủ trương triệt để tiết kiệm của Ban Giám đốc công ty, vừa tích lũy đảm bảo cuộc sống cho công nhân, vừa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Gần hết ca làm việc buổi sáng, nhưng hầu hết công nhân các chuyền may vẫn tập trung sản xuất. Chị Lê Thị Thủy Tiên, chuyền trưởng chuyền may 5, cho biết: Để giúp công nhân giữ vững và tăng thu nhập hàng tháng, công ty khuyến khích, động viên công nhân tập trung làm việc, tăng số lượng sản phẩm, làm thêm giờ. Nhiệm vụ của các chuyền trưởng là theo dõi tiến độ sản xuất của cả chuyền may, của từng cá nhân để không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất chung. Và mỗi chuyền trưởng phải chủ động thực hành tiết kiệm để làm gương.

  Công nhân Công ty cổ phần Thủy sản Bình An ăn trưa. 

Sau hồi chuông dài, từng tốp công nhân kéo nhau đến bếp tập thể ăn cơm trưa. Hôm nay, nhà bếp phục vụ đủ ba món thức ăn: thịt kho, canh và đồ xào, cơm nóng để công nhân có thể tái tạo sức lao động. Bạn Lê Thị Hồng Nhung, công nhân chuyền 1, cho biết: “Mặc dù vật giá tăng cao, nhưng công ty vẫn phục vụ các bữa ăn khá tốt. Ngày nào thức ăn cũng đầy đủ, cơm thì rất nhiều. Chúng tôi ăn thoải mái”. Nhung làm việc ở công ty đã 7 năm. Hiện nay, thu nhập của Nhung từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng. Nhà Nhung ở phường Hưng Phú, ngày nào Nhung cũng về nhà. Từ hơn 2 tháng nay, xăng lên giá, Nhung xin mẹ ở trọ với các bạn gần Công ty để đỡ chi phí. Nhung nói: “Trước đây, mỗi tháng, tôi phải chi trên 200.000 đồng cho chi phí đổ xăng đi về. Bây giờ tiền trọ chỉ 70.000 đồng/tháng, tiết kiệm được một khoản tiền”.

Nhân dịp rằm tháng 7 âm lịch, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, Khu công nghiệp Trà Nóc 2 tặng mỗi công nhân 10 kg gạo. Bạn Dương Thị Phương Thảo, công nhân khâu tạo hình, vui vẻ cho biết: “Tôi làm ở đây gần 2 năm và cảm thấy rất thoải mái. Tôi hưởng lương theo sản phẩm, tháng lương đầu tiên là 2,2 triệu đồng và tháng 7 vừa rồi là 3,4 triệu đồng”. Bà Phan Thị Khánh Đào, Giám đốc phụ trách nhân sự của Công ty, cho biết: Công ty luôn thực hiện mục tiêu “Vì việc làm, thu nhập của người lao động”. Từ khi hoạt động đến nay, công ty quan tâm từ điều kiện làm việc, thu nhập đến bữa cơm hàng ngày, để công nhân cảm thấy an tâm làm việc tốt, gắn bó lâu dài với công ty. Hơn 1 năm qua, công ty áp dụng chế độ cộng thêm 10% lương vào tổng tiền lương cuối tháng để đảm bảo thu nhập cho mỗi người. Các bữa ăn đều đảm bảo no, ngon miệng, hợp vệ sinh. Những ngày cúp điện, công ty buộc phải ngưng sản xuất và chi trả nửa ngày lương tối thiểu (khoảng 40.000 đồng/ngày/người) cho công nhân. Công ty đang quản lý 3.800 công nhân và tiếp tục tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Các Công ty Pataya, cổ phần May Tây Đô... đều tăng thêm 1.500 đồng, 3.000 đồng hay 4.000 đồng chi phí cho mỗi phần ăn trưa so với trước đây. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang phụ cấp từ 10 – 20 kg gạo cho những lao động có thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng. Nhiều công ty khác đã thực hiện phụ cấp tiền xăng, xe đi lại cho công nhân...

* Đồng hành chia sẻ khó khăn

Giờ sản xuất tại Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành. 

Hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp có đông công nhân trực tiếp sản xuất đều thể hiện quyết tâm đảm bảo ổn định lực lượng và tiến độ sản xuất. Lãnh đạo Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành nỗ lực chăm lo tốt bữa ăn, khuyến khích, động viên công nhân cố gắng nâng cao năng suất lao động, làm thêm giờ để tăng thu nhập. Điều đáng mừng là đa số công nhân đều thông cảm và hết lòng chia sẻ khó khăn với Công ty. Bạn Hồng Nhung cho biết thêm: “Tình hình khó khăn chung, phải cùng nhau vượt qua, rồi công ty sẽ có cách giải quyết”.

Theo Ban giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, hiện công ty có kế hoạch xuất khẩu dài hơi đến cuối năm 2008, nên không lo công nhân gián đoạn sản xuất. Điều chủ yếu hiện nay là toàn thể công ty triệt để thực hành tiết kiệm. Chẳng hạn như: tắt máy, tắt đèn trước khi rời chỗ, nghỉ trưa; khu vực nào không có nhu cầu sử dụng thì không mở đèn, tiết kiệm tối đa điện và nguyên vật liệu sản xuất... Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, công ty vẫn cố gắng ứng lương kịp thời hàng tháng cho công nhân. Ông Ngộ khẳng định: Thời gian qua, nhờ công ty luôn giữ vững uy tín thương hiệu với khách hàng nước ngoài, duy trì tốt nguồn hàng xuất khẩu, tăng cường ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, nên đảm bảo được sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho công nhân.

Công ty cổ phần Thủy sản Bình An tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ nâng cấp và sửa chữa nhà ở cho công nhân lao động theo phương thức bốc thăm ngẫu nhiên, đặc biệt ưu tiên xem xét những công nhân đang gặp khó khăn về nhà ở, không khả năng sửa chữa. Tính đến nay đã có trên 100 công nhân được hỗ trợ sửa chữa nhà, trị giá 10 triệu đồng/căn. Theo Ban giám đốc Công ty, chăm lo cho công nhân đã trở thành việc làm thường xuyên, mang ý nghĩa cộng đồng to lớn. Đó cũng chính là lý do Công ty dễ dàng tuyển lao động ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và vì thế lực lượng luôn ổn định, ít biến động

Mới đây, tại Hội nghị người lao động của Công ty cổ phần May Tây Đô, lãnh đạo Công ty đã đưa ra nhiều chế độ, chính sách sẽ thực hiện để hỗ trợ cho công nhân, như: từ nay đến cuối năm 2008 cố gắng đi thăm 100 gia đình công nhân khó khăn; bộ phận sản xuất nào đạt năng suất lao động bình quân 200 USD/người/tháng, được thưởng 100 triệu đồng; nhiều hiện vật có giá trị thưởng cho các công nhân đạt năng suất lao động cao cuối năm, dành 200 triệu đồng cho người lao động khó khăn mượn không tính lãi... nhằm khích lệ tinh thần phấn đấu làm việc của công nhân.

Kết quả thống kê, toàn thành phố hiện có 5 khu công nghiệp tập trung, trên 120 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 31.600 lao động trực tiếp sản xuất. Theo Ban Chính sách, Kinh tế và Xã hội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ, tháng 5-2008, Ban Thường vụ LĐLĐ có văn bản gửi đến tổ chức Công đoàn các cấp về việc tham gia thực hiện chủ trương của Chính phủ về chống lạm phát. Nội dung văn bản nêu rõ vai trò của các cấp Công đoàn quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức và ý thức của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) về những khó khăn hiện nay cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn. Căn cứ điều kiện thực tế của từng đơn vị, Công đoàn tham gia với chính quyền cùng cấp, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có biện pháp chăm lo đời sống vật chất cho CNVCLĐ, như: cải thiện bữa ăn giữa ca, hỗ trợ tiền thuê nhà ở, phụ cấp độc hại, hỗ trợ, thăm hỏi CNVCLĐ ốm đau, khó khăn. Trong hoạt động sản xuất phải tiết kiệm điện, nước, các chi phí hành chính, nguyên vật liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Phan Thông Huấn, Trưởng ban Kinh tế – Xã hội, LĐLĐ TP Cần Thơ, cho biết: “Để đảm bảo nguồn lao động kịp thời đáp ứng tiến độ sản xuất cũng nhằm tránh tình trạng hao hụt lực lượng lao động có trình độ, tay nghề, tùy theo khả năng, các doanh nghiệp đều chủ động sắp xếp, tính toán hỗ trợ, chăm lo về vật chất và tinh thần cho công nhân”. Hàng tháng, Công đoàn cơ sở thường xuyên báo cáo về hoạt động chăm lo đời sống, việc làm của công nhân của doanh nghiệp nên LĐLĐ TP Cần Thơ kịp thời tổ chức kiểm tra, đôn đốc, góp ý kiến chấn chỉnh công tác, góp phần chăm lo tốt hơn nữa đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân lao động tại doanh nghiệp.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết