13/06/2012 - 21:44

Doanh nghiệp TP Cần Thơ nỗ lực vươn lên

Những tháng đầu năm 2012, bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong số đó, các DN nhỏ và vừa bị tổn thương nhiều nhất, do thị phần nhỏ, khả năng cạnh tranh hạn chế. Tuy nhiên, trong khó khăn, không ít DN đã có cách làm mới, từng bước vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.

Khó dây chuyền

Theo phản ánh của một số DN trên địa bàn TP Cần Thơ, sau khi đối mặt với hàng loạt khó khăn kéo dài từ năm 2008 đến nay, DN đã “đuối sức”, chỉ có thể hoạt động cầm cự để giữ thị phần, giữ đội ngũ công nhân lành nghề. Ông Đặng Xuân Trường, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Sản xuất-Xây dựng và Thương mại Tân Thuận Thành chuyên sản xuất ống cống, thiết bị bê-tông ly tâm..., cho biết: “Hiện tỷ lệ hàng tồn kho của DN đang gia tăng, do trong quá trình sản xuất và cung ứng hàng hóa cho khách hàng, đối tác không thanh toán hợp đồng, hoặc trả chậm. Có một số trường hợp DN đã giao hàng từ 1/3 - 1/2 sản lượng theo hợp đồng thì buộc phải ngưng giao hàng để giảm rủi ro”. Ông Trường cho rằng, với lượng hàng tồn kho này, các DN sẽ phải gánh thêm chi phí lưu kho. Trong khi trước đó, DN phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để mua nguyên liệu sản xuất, gánh nặng này tiếp tục đè lên DN.

Lãnh đạo TP Cần Thơ tìm hiểu tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn. 

Ông Võ Tấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Vận tải Phan Thành, cho rằng, ngoài những khó khăn về đầu ra do chính sách cắt giảm đầu tư công, thị trường bất động sản trầm lắng, các DN kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng còn phải đối mặt với tình trạng nợ khó đòi. Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Thanh Trúc, nói: “Thời gian qua các DN chết giữa “2 gọng kìm” là sự cạnh tranh của các DN cùng ngành nghề và lãi suất ngân hàng cao kéo theo chi phí vốn cao”. Theo bà Xuân, công ty chuyên cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình dân dụng, trong bối cảnh “người mua ít, người bán nhiều” nên gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ lẻ. Các cửa hàng này với quy mô nhỏ, chi phí quản trị thấp, lấy công làm lời nên sẵn sàng hạ giá bán để tìm kiếm khách hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như vậy, DN phải giữ chân khách hàng bằng uy tín, chất lượng mà DN đã xây dựng từ trước đó.

Khủng hoảng kinh tế đã và đang gây nên những tác động dây chuyền lên các DN. Câu chuyện thiếu vốn là căn bệnh “trầm kha” của nhiều DN, đối với các DN có cách làm bài bản đã co hẹp sản xuất, tiết kiệm chi phí để vượt khó. Khi sản xuất kinh doanh đầu ra ứ đọng sẽ ảnh hưởng tới những ngành khác có liên quan. Ông Phan Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại Bao bì Miền Tây, cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên cung cấp thùng giấy để đóng hàng cho các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong khoảng thời gian ngành xuất khẩu thủy sản gặp khó thì đầu ra của công ty cũng khó khăn hơn khi các đối tác giảm lượng đặt hàng, trong khi giá bán sản phẩm không thể điều chỉnh tăng”. Không riêng gì bao bì mà ngành sản xuất thép, xi măng... cũng đang lâm vào tình cảnh này.

Thay đổi phương thức kinh doanh

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Thanh Trúc, cho biết: “Trong khó khăn, công ty chọn giải pháp bán hàng thu tiền mặt để quay nhanh vòng vốn. Bên cạnh đó, tác động của khủng hoảng kinh tế là tác động dây chuyền nhưng sự thay đổi để thích ứng của một DN lại kích thích, hỗ trợ cho những DN thuộc các ngành nghề liên quan”. Theo bà Xuân, Công ty Thanh Trúc hợp tác với Công ty Liên doanh Thép Tây Đô mua sản phẩm thép cung ứng cho khách hàng. Trước đây, hai bên thường ký kết các hợp đồng với số lượng lớn. Song, khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, Thép Tây Đô linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng, sẵn sàng cung ứng các đơn hàng nhỏ lẻ. Nhờ đó, Thanh Trúc thuận lợi là hàng mua tới đâu bán tới đó, không để hàng tồn kho. Không chỉ riêng Thép Tây Đô mà các công ty lớn khác chuyên cung cấp sản phẩm cho VLXD Thanh Trúc cũng rất linh hoạt trong vấn đề giao hàng, để đảm bảo giữ vững đầu ra.

Thời gian qua, DN phải chịu ảnh hưởng của lãi suất cao, hiện nay dù lãi suất đã giảm dần, song DN vẫn chưa mạnh dạn vay thêm vốn. Theo đề xuất của một số DN trên địa bàn TP Cần Thơ, các Ngân hàng thương mại có thể trực tiếp đến khảo sát thực tế tình hình sản xuất của DN để đánh giá phương thức sản xuất, kinh doanh của DN. Qua đó, xem xét mở rộng hạn mức tín dụng cho DN với mức lãi suất hợp lý. Bởi nhiều DN đang có nhu cầu vốn để mua nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng đã ký kết và trang trải lương cho người lao động. Thêm vào đó, nhiều DN cũng đang chọn giải pháp giảm giá bán để giải phóng lượng hàng tồn.

Trong các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, DN kỳ vọng sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng để góp phần giảm nhẹ chi phí, kích cầu tiêu dùng. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết, vừa qua, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành hữu quan trực tiếp tìm hiểu thông tin, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các DN trong quá trình hoạt động. Trên cơ sở ghi nhận những kiến nghị của các DN, Sở Công thương sẽ phối hợp cùng các sở ngành hữu quan bàn bạc, trao đổi các giải pháp giúp DN từng bước khắc phục khó khăn, yên tâm sản xuất. Ông Toại cũng nhấn mạnh, mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn có những cơ hội nhất định. Nếu DN nào biết nắm bắt, tận dụng cơ hội kết hợp với việc tăng cường năng lực quản trị, điều hành hợp lý, bài bản thì chắc chắn DN sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn chung này.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết