23/12/2010 - 09:02

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ:

Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt hành chính rất nặng

 

Năm 2011, các cơ quan doanh nghiệp chậm thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) gây thiệt thòi cho người lao động, sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 86/2010/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 86) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH (có hiệu lực từ ngày 1-10-2010). Để thực thi nghiêm ngặt quy định của Chính phủ, BHXH TP Cần Thơ đã thông báo danh sách các đơn vị nợ tiền BHXH tính từ tháng 12-2010 trở về trước. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ cho biết về những điểm mới của Nghị định 86:

- Nghị định 86 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với việc vi phạm pháp luật về BHXH (do cơ quan đơn vị vi phạm thực hiện), không áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh. Đối với cá nhân cán bộ, công chức vi phạm quy định của Nghị định 86 thì bị xử lý kỷ luật theo pháp luật về cán bộ, công chức.

* Hình thức xử phạt và thời hiệu xử phạt như thế nào, thưa ông?

- Có hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và bị phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt tương ứng với hành vi đó. Nếu hành vi vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể thấp hơn nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung phạt tiền. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được làm rõ. Trong thời hạn quy định này, người vi phạm có hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực BHXH hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm có hành vi vi phạm hành chính mới. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tương thích.

* Xin ông cho biết các hành vi vi phạm hành chính và mức phạt cụ thể như thế nào?

Cán bộ Phòng Tiếp nhận và quản lý hồ sơ hướng dẫn người dân làm các thủ tục về bảo hiểm xã hội. 

- Trường hợp đơn vị không đóng BHXH cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì bị phạt tiền. Các mức phạt như sau: Từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, khi vi phạm với từ 01 người đến 10 người lao động. Từ 5,1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, khi vi phạm với từ 11 người đến 50 người lao động. Từ 10,1 triệu đồng đến 18 triệu đồng, khi vi phạm với từ 51 người đến 100 người lao động. Từ 18,1 triệu đồng đến 24 triệu đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến 500 người lao động. Từ 24,1 triệu đồng đến 30 triệu đồng, khi vi phạm với từ 501 người lao động trở lên. Ngoài ra, đơn vị vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là phải truy nộp số tiền BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt; phải đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

* Trường hợp đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định thì việc xử phạt như thế nào?

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như trường hợp cố tình không đóng BHXH cho người lao động.

* Trường hợp đơn vị không lập hồ sơ cho người lao động tham gia BHXH thì bị xử phạt như thế nào?

- Trường hợp không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng thì đơn vị vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng/trường hợp. Ngoài ra, không làm thủ tục (lập hồ sơ hoặc văn bản) để: đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ hưu trí trước 30 ngày, tính đến ngày người lao động đủ điều kiện nghỉ việc hưởng hưu trí; hoặc chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/ trường hợp vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc lập, hoàn thiện thủ tục đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH cho người lao động trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

* Xin ông cho biết TP Cần Thơ sẽ giải quyết thế nào đối với các đơn vị đã nợ tiền BHXH kéo dài?

- Theo quy định của Chính phủ thì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động, tức đơn vị vi phạm pháp luật BHXH. Hiện nay, TP Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đều báo cáo về BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng danh sách đơn vị nợ tiền BHXH kéo dài và tiếp tục trình tự thủ tục nhằm thực thi pháp luật về BHXH một cách tốt nhất.

* Xin cảm ơn ông!

ĐÌNH KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết