13/07/2016 - 21:26

Doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh thuận lợi

Trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC – Hậu Giang 2016, sáng 13-7, tại tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Tại diễn đàn này, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển; đồng thời kiến nghị các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh.

Nhiều cơ hội cho DN

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL luôn quan tâm đến công tác xây dựng, hoạt động và phát triển DN. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN, doanh nhân trong việc mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: "Thời gian qua, ĐBSCL đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động. Đạt được kết quả này, lực lượng DN đóng vai trò nòng cốt, không những góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế mà còn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp giá trị, đưa thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL hội nhập sâu rộng trên thị trường thế giới. Về lĩnh vực thương mại-du lịch, ĐBSCL đẩy mạnh giao thương không chỉ trong nội vùng mà mở rộng hợp tác thương mại với các vùng, miền trên cả nước". Ngoài ra, Trung ương và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách, ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN trong vùng phát triển sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng hệ thống tổ chức tín dụng triển khai chương trình kết nối Ngân hàng -DN; thực hiện chương trình tín dụng xanh với việc xem xét, cấp tín dụng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản theo tiêu chí xanh, bảo vệ môi trường. Thực hiện chích sách giảm lãi suất cho vay thông qua quy định trần lãi suất vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với một số lĩnh vực ưu tiên; thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn...

 Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL. Ảnh: ANH KHOA

Cùng với lực đẩy từ chính sách, cộng đồng DN trong vùng cũng tận dụng tốt các cơ hội thị trường, phát huy nội lực, xây dựng thương hiệu, vùng nguyên liệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thương trường. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Gentraco (TP Cần Thơ) đã hình thành được 5 cụm nhà máy sản xuất tại TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp; tổng công suất 2.500 tấn/ngày, hệ thống kho chứa bình quân 70.000 tấn. Sản lượng tiêu thụ hằng năm khoảng 300.000-400.000 tấn lúa gạo và doanh thu trên 3.500 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu hằng năm 70-100 triệu USD và được xếp trong 10 đơn vị xuất khẩu gạo lớn nhất của cả nước. Hiện nay, Công ty CASUCO (tỉnh Hậu Giang) là DN mía đường lớn nhất ĐBSCL và đứng trong top 5 DN đường có sản lượng đường sản xuất hằng năm lớn nhất cả nước. Ông Lê Hoàng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CASUCO, cho biết: "Đến nay, công ty đã xây dựng được vùng mía nguyên liệu ổn định tại các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. DN được nông dân và chính quyền các địa phương đánh giá cao trong việc hợp tác sản xuất và tiêu thụ mía".

Tại Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL, nhiều ý kiến đánh giá cao về sự phát triển và lớn mạnh của cộng đồng DN trong vùng. Song cũng còn nhiều băn khoăn, do đa số DN ở vùng ĐBSCL là DN vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Để DN tồn tại và phát triển, ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương trong vùng thì việc liên kết, hợp tác giữa các DN là hết sức cần thiết.

Cần môi trường kinh doanh thông thoáng hơn

Tại Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL, Ban Tổ chức MDEC 2016 tạo nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa UBND các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hà Nội với cộng đồng DN. Ban Tổ chức cũng mong muốn các bên liên quan tăng cường hợp tác, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, quảng bá sản phẩm vùng miền, kích thích tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: ĐBSCL đang thay đổi rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ số phát triển DN của ĐBSCL tốt hơn cả nước; số DN đăng ký mới, vốn đăng ký của DN thành lập mới và tốc độ tăng lao động đăng ký của DN thành lập mới đều tăng cao. Điều này cho thấy tình hình hoạt động DN đang tốt hơn. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên "thành tích tuyệt đối" của vùng ĐBSCL vẫn kém, thậm chí còn khoảng cách khá xa so với một số vùng khác. Song, điểm đáng ghi nhận là những thành tích trên đạt được trong tình hình hạn mặn diễn ra khốc liệt, chứng tỏa sức vươn lên trong khó khăn của DN ĐBSCL, đồng thời phản ánh xu thế trỗi dậy và sức hấp dẫn đầu tư lớn của vùng.

      Công ty  cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) trưng bày
và giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ  Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2015 diễn ra tại TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu (tham gia AEC, TPP, các FTAs) đang diễn ra mạnh mẽ. Đối với ĐBSCL, việc tự do hóa thương mại sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức. Do đó, DN trong vùng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư một cách bài bản để chủ động hội nhập thành công trong giai đoạn tới. Ngoài ra, rất cần đến sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua việc đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp, tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, minh bạch và bình đẳng cho DN, phát huy triệt để những lợi thế và tiềm năng to lớn của vùng ĐBSCL.

"Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói: Vai trò của cộng đồng DN đã thật sự được tôn trọng và đánh giá cao trong những năm gần đây, thông qua các chính sách và hành động của Nhà nước."

Chính phủ chọn năm 2016 là Năm quốc gia khởi nghiệp. Đồng hành cùng cả nước, đội ngũ doanh nhân, DN vùng ĐBSCL không ngừng nỗ lực để phát triển và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời DN cũng mong muốn chính quyền địa phương tạo môi trường kinh doanh thông thoáng với nhiều cơ hội đầu tư, tạo niềm tin vững chắc cho DN trong hoạt động và đầu tư tại vùng. Tại Diễn đàn DN ĐBSCL, cộng đồng DN cũng có nhiều kiến nghị gửi đến các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhằm hướng tới một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa. Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Sản phẩm của công ty được chế biến từ gạo ĐBSCL và tinh bột khoai mì từ miền Đông Nam Bộ; Bích Chi đã xuất hàng đi gần 40 nước. Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh hiện nay, nhất là khi ASEAN trở thành khối kinh tế thống nhất, việc tiêu thụ sản phẩm đứng trước những thách thức và khó khăn mới. Riêng Bích Chi gặp khó khăn do công nghệ sản xuất còn lạc hậu, các chi phí còn cao, đây là áp lực lớn về giá bán. Do đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách phù hợp hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động".

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Gentraco, DN cần ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách vay ngoại tệ cho các DN xuất khẩu để giảm bớt áp lực lãi vay, đồng thời có những gói vay phù hợp với các hợp đồng bao tiêu để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng với nông dân. Còn ông Lê Hoàng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CASUCO, cho biết: "Để ngành mía đường tiếp tục phát triển bền vững, rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ DN và nông dân đổi mới giống mía. Có cơ chế, chính sách cụ thể giúp nông dân dồn điền, đổi thửa để hướng tới sản xuất qui mô lớn và chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún như hiện nay. Ngoài ra, trong công tác thị trường, kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. Chính phủ có rào cản kỹ thuật hợp lý nhằm bảo hộ sản xuất trong nước trong một thời gian nhất định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân trồng mía"…

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, để phát triển vùng ĐBSCL, cần phải đánh giá đúng xu thế và triển vọng thay đổi các điều kiện và lợi thế phát triển cơ bản của vùng; đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đến sự phát triển của vùng. Đồng thời, định vị cách thức phát triển cơ bản của vùng, với phương hướng chủ yếu dựa vào 2 lực lượng quyết định phát triển hiện đại là DN và công nghệ cao; trên cơ sở đó nhận diện xu hướng dịch chuyển cơ cấu và các nguồn động lực cơ bản đảm bảo cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển vùng. Định hướng phát triển vùng theo "chuỗi sản xuất", "chuỗi giá trị" toàn cầu trong thế liên kết vùng và liên vùng. Xây dựng chương trình khởi nghiệp hiện đại đúng nghĩa cho vùng, phải làm cho việc khởi nghiệp thành một phương thức phát triển hiệu quả trong thời hiện đại.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Tính đến ngày 15-6-2016, toàn vùng có 3.880 DN đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 39.879 tỉ đồng, tăng 9,2% về số DN và 128% về vốn đăng ký. Toàn vùng hiện có khoảng 74.500 DN đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 605.000 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn vùng ĐBSCL cũng đã thu hút được 79 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 987,42 triệu USD, tăng 38,6% về số dự án và 35,27% về vốn. Đến nay, toàn vùng có 1.248 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn trên 18,9 tỉ USD.

 (Thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ)

Chia sẻ bài viết