04/06/2012 - 21:00

Đìu hiu khối C

Học sinh, sinh viên ít chọn học khối C (khối ngành học xã hội và nhân văn) là câu chuyện mà cứ vào mùa tuyển sinh đều nhắc đến. Dù đã được dự báo trước, nhưng khi nhìn toàn cảnh số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh vào các trường đại học (ĐH) năm 2012, khiến không ít nhà quản lý giáo dục phải “đau đầu”. Đó là số thí sinh ĐKDT vào các ngành học ở khối C thấp nhất. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, kỳ thi tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2012, ngành đã nhận được trên 22.000 hồ sơ; trong đó số thí sinh dự thi vào khối A cao nhất (trên 10.700 hồ sơ), thấp nhất là khối C (1.400 hồ sơ). Ở cụm thi Cần Thơ, có trên 100.000 hồ sơ ĐKDT; trong đó có trên 73.500 hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH Cần Thơ. Trong số trên 73.500 hồ sơ này, khối T có số lượng thấp nhất (659 hồ sơ), kế đó là khối C (7.078 hồ sơ).

Theo nhận định của các nhà quản lý giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: chương trình học ở bậc THPT vẫn còn khá nặng, nhất là ở các môn Văn, Sử, Địa. Những môn học này chưa thực sự hấp dẫn so với các môn khoa học tự nhiên, kéo theo tình trạng chương trình giảng dạy, cách đánh giá thi cử... còn khá nặng, chưa phù hợp. Một khía cạnh khác sâu xa hơn là tâm lý của nhiều học sinh, phụ huynh không “mặn mà” về khối ngành khoa học xã hội nhân văn. Bởi lẽ, khối ngành này đầu vào ĐH, cao đẳng đã “hẹp”, “đầu ra” việc làm không nhiều, mức lương lại thấp so với các ngành học khác.

Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế- xã hội tác động rất nhiều đến học sinh, phụ huynh. Bởi một khi nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế thị trường, tất yếu sẽ có sự so sánh giữa ngành học nào khi ra trường sẽ nhanh kiếm tiền nhiều hơn. Tâm lý xã hội vẫn luôn cho rằng, học kinh tế, khoa học tự nhiên dễ kiếm việc làm, lương cao so với khối ngành khoa học xã hội. Trong khi chính sách đãi ngộ cho khối ngành học xã hội nhân văn chưa thực sự mang tính đột phá, để tạo “lực hút” cho học sinh. Theo cán bộ quản lý giáo dục ở các trường, muốn thay đổi tư tưởng “trọng” kinh tế, “khinh” nhân văn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ. Theo thầy Thạch Khên, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, để thu hút học sinh theo học các ngành khoa học và xã hội nhân văn, Bộ GD&ĐT cần giảm tải chương trình học phổ thông và có chế độ ưu tiên hơn với những ngành học này, như: Học sinh giỏi 3 năm liền ở một trong các môn ở ban C, có thể được ưu tiên ghi danh học hoặc ưu tiên cộng điểm để xét tuyển... Bên cạnh, cần có chính sách ưu tiên giải quyết việc làm, mức lương hợp lý đối với sinh viên tốt nghiệp ngành học này.

Tuy nhiên, xét khía cạnh khác, còn có yếu tố khách quan mà các nhà quản lý giáo dục phải nhìn nhận là: Nhiều lĩnh vực trong xã hội đang rất cần những cán bộ ngành khoa học và xã hội nhân văn nhưng thực tế sinh viên chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ. Minh chứng là cử nhân xã hội yếu về ngoại ngữ nên khó có thể làm việc với tổ chức nước ngoài. Sinh viên ngữ văn nhưng không phải ai cũng am hiểu về âm nhạc, thành thạo diễn thuyết trước đám đông để làm công tác phong trào. Cử nhân lịch sử tuy nắm vững kiến thức trong sách nhưng không phải ai cũng tự tin khi đi vào thực tế... Đành rằng, những yếu tố trên đòi hỏi có sự trau dồi, rèn luyện thêm kỹ năng sống của học sinh, ngoài chương trình đào tạo khung của Bộ GD&ĐT, nhưng rõ ràng ngành khoa học và xã hội nhân văn bị “mất giá” hay chính người học khối ngành này đang tự làm “rớt giá” mình.

Công bằng mà nói, các ngành nghề được đào tạo đều phục vụ cho con người với giá trị, mục đích nhân văn. Tuy nhiên, nếu không giải quyết vấn đề này một cách căn cơ thì đến lúc nào đó sự chênh lệch quá lớn giữa các khối ngành học, lực lượng lao động sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển.

NGỌC NGÂN

Chia sẻ bài viết