28/11/2015 - 15:47

Định hướng phù hợp để đầu tư phát triển nhà ở

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Cần Thơ, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) của thành phố giai đoạn 2012-2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, ngoài các chương trình nhà ở do thành phố đầu tư, còn có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế góp phần tạo ra quỹ nhà ở phong phú, đáp ứng nhu cầu ở cho người dân thành phố, sinh viên, công nhân lao động…

Những kết quả đáng ghi nhận

Chương trình phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2012-2015 được triển khai cho các đối tượng là sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp, và xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ (nhà ở thương mại do các doanh nghiệp đầu tư). Trong đó, theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, giai đoạn 2012-2015, chương trình nhà ở cho sinh viên triển khai 4 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng số 913 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 7.304 sinh viên. Chương trình nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, hiện tại trên địa bàn thành phố đang triển khai 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ đối tượng là công nhân với 522 căn, dự kiến đảm bảo chỗ ở cho hơn 6.000 công nhân, gồm: Công ty Cổ phần Hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ, và dự án nhà ở xã hội do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ làm chủ đầu tư. Cả hai dự án đã được chấp thuận đầu tư, đang hoàn tất các thủ tục để triển khai khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp tự mua đất xây dựng nhà ở cho công nhân viên và công nhân như: Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải đầu tư 2 ha đất phân ra 125 nền cho nhân viên; Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang Seafoods xây dựng khu nhà cho 34 công nhân viên; Công ty Cổ phần Thủy sản MêKông mua 6.000m2 đất dự kiến xây nhà cho công nhân thuê…

Chung cư Hưng Phú 1, có một phần dành làm nhà ở xã hội.

Về chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp, gồm các dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Địa ốc Hồng Loan làm chủ đầu tư với 288 căn hộ, diện tích sàn 13.639m2; dự án do Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà Cần Thơ đầu tư cũng đang triển khai bán nhà ra thị trường; Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ đã đầu tư cơ bản hoàn thành và bán nhà tại dự án khu nhà ở xã hội (10,7 ha), phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Ngoài ra, 2 dự án khác đã có chủ trương chấp thuận đầu tư của thành phố với qui mô 1.062 căn hộ sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố trong tương lai.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ vùng ĐBSCL trên địa bàn thành phố đã hoàn thành 3/3 dự án (đạt 100% kế hoạch); xây dựng được 58/458 căn nhà và tiếp tục bố trí các hộ dân vào ở.

Riêng các dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở thương mại, trên địa bàn thành phố hiện có 47 dự án được phê duyệt, trong đó có 36 dự án triển khai thực hiện, 11 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư; tình trạng tồn kho BĐS ở các dự án nhà ở thương mại, đất nền đã giảm nhiều so với cách nay 1-2 năm…

Theo Sở Xây dựng, thời gian qua hầu hết các dự án đều gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: Nhà đầu tư khó tiếp cận vốn vay, kế hoạch phát triển nhà ở trung và dài hạn chưa được phê duyệt gây khó khăn trong việc định hướng phát triển nhà ở xã hội; người dân thuộc đối tượng có thu nhập thấp không đủ chứng minh về tài chính, thu nhập nên không thể xét mua nhà ở xã hội… Ngoài ra, giai đoạn 2010-2014 thị trường bất động sản rơi vào đỉnh điểm "đóng băng", nên các nhà đầu tư dự án BĐS không tìm được đầu ra, việc đầu tư phát triển nhà ở chựng lại…

Cần định hướng cụ thể để phát triển

Chương trình phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2012-2015 đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, so với nhu cầu nhà ở thực tế của thành phố kết quả này vẫn chưa tương xứng, nhất là lĩnh vực đầu tư nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân. Theo ông Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay các khung pháp lý như Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (trong đó có Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm), Chương trình phát triển đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 chưa hoàn thành để phê duyệt… Từ đó, gây không ít khó khăn trong việc triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường BĐS.

Do đó, thành phố cần sớm hoàn thành chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; sớm phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hàng năm, trung hạn, dài hạn làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, cần kiến nghị với các bộ ngành Trung ương về chính sách, mức độ ưu đãi cho người dân có thu nhập thấp được vay mua nhà với thời gian dài 20-30 năm để phù hợp với khả năng tài chính của người dân…

Bên cạnh đó, những khó khăn tồn tại thời gian qua là các nhà đầu tư xin đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng theo quy định cần làm rõ về thủ tục đất đai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực nhà đầu tư, nên có rất ít dự án được duyệt. Còn các dự án nhà ở công nhân chậm triển khai do chi phí đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn kéo dài, giá cho thuê cao hơn so với mặt bằng chung, trong khi công nhân làm việc theo hợp đồng thời vụ, nên các doanh nghiệp ít quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

Ông Võ Minh Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà Cần Thơ, cho biết: Nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập thấp tại thành phố rất lớn. Hầu hết các chung cư xây dựng là có người đăng ký mua ngay, nhưng thực tế khi xét duyệt hồ sơ thì phần lớn không đủ điều kiện để mua hoặc không thể chứng minh thu nhập để mua nhà. Tại khu chung cư Hưng Phú 1, tổng số hồ sơ vay gửi ngân hàng là 42 căn, đã vay thương mại được 6 căn giá trị 3 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân được 1,6 tỉ đồng. Còn vay nhà ở xã hội đã thực hiện vay 27 căn giá trị 14 tỉ đồng, đã giải ngân 14 căn với số vốn 7 tỉ đồng… Nhưng khó khăn nhất là thủ tục xác nhận quá nhiều khâu, khó chứng minh thu nhập, thời gian cho vay ngắn chỉ 10 năm… Từ đó, có rất nhiều hồ sơ người dân có nhu cầu ở thật sự nhưng không thể đáp ứng, trong khi nhà xây dựng xong thì không bán ra được. "Chúng tôi đề xuất cần xem xét cho vay dài hạn 20-30 năm, để người mua có thể cân đối được tài chính chi trả cho việc mua nhà; điều kiện cho vay mua nhà ở xã hội cần thông thoáng hơn, phù hợp với từng vùng thì người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở mới có cơ hội được mua nhà ở xã hội…" – ông Cảnh đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Thị Hồng Ánh ghi nhận những nỗ lực của các ngành chức năng, địa phương, chủ đầu tư đã góp phần tạo quỹ nhà, đất giải quyết nhu cầu nhà ở của các thành phần dân cư thời gian qua. Đồng thời chia sẻ những bất cập trong việc xét duyệt cho đối tượng mua nhà thu nhập thấp. Tuy nhiên, cần phải khảo sát thực tế nhu cầu để đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất; tránh tình trạng đầu tư không đúng vị trí, không dự báo đúng nhu cầu thực tế của từng đối tượng. Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp tại thành phố rất lớn, tuy nhiên, phải đặc biệt lưu ý là cần xem xét đầu tư sao cho phù hợp với túi tiền - với khả năng chi trả của người dân, tránh xây dựng nhiều dự án nhưng người dân không đủ tiền đề mua gây ra tồn kho, dư thừa, lãng phí…

An Khánh

Chia sẻ bài viết