08/05/2017 - 20:30

Điều trị hiệu quả bệnh nhồi máu cơ tim

Hơn 1 năm triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch, Bệnh viện (BV) Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cứu sống hàng trăm bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch tính mạng, với tỷ lệ thành công gần 99%.

Tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của Viện tim mạch quốc gia Việt Nam, năm 2003, tỷ lệ bệnh nhân vào viện vì nhồi máu cơ tim cấp là 4,2%, đến năm 2007, con số này tăng 9,1%. Nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim mới 30 tuổi, đặc biệt bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường …

Nhận diện bệnh

 Tiến sĩ – bác sĩ Trần Viết An thăm hỏi bệnh nhân sau can thiệp mạch vành.

Theo Tiến sĩ – bác sĩ Trần Viết An, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, dấu hiệu điển hình của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến ngón áp út và ngón út. Cơn đau thường kéo dài hơn 20 phút. Một số trường hợp đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Kèm theo đau ngực, người bệnh có thể rất hoảng sợ, vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn... Thông thường, đau ngực trái có thể do rất nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân tương đối lành tính (ngoại tâm thu, đau thần kinh liên sườn…); trong khi có những nguyên nhân là tình trạng cấp cứu nặng (nhồi máu cơ tim, phình tách động mạch chủ…). Bên cạnh đó, một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim có triệu chứng không điển hình dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: đau vùng thượng vị, có thể nhầm lẫn với bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Hơn nữa, một số trường hợp nhồi máu cơ tim có đau ngực mơ hồ hoặc rất ít, thường gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân tiểu đường hoặc tăng huyết áp.

Nếu người bị nhồi máu cơ tim cấp không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng như: đột tử hoặc tử vong >10% do rung thất, vỡ tim, trụy mạch nặng… và biến chứng thường gặp là suy tim, rối loạn nhịp, chiếm tỷ lệ khoảng 76%, là gánh nặng, ảnh hưởng nhiều chất lượng cuộc sống. Vì thế, người lớn tuổi (nam >50 và nữ >55), tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, gia đình mắc bệnh tim…, khi có triệu chứng nặng ngực, khó chịu ngực trái, cần đến ngay cơ sở y tế.

Phương pháp điều trị tối ưu

Ngày nay, phương pháp tối ưu điều trị nhồi máu cơ tim cấp là tái thông động mạch vành, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng, khỏe mạnh, trở lại cuộc sống bình thường và giảm đáng kể các biến chứng nguy hiểm. BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là một trong những đơn vị thực hiện kỹ thuật cao điều trị tái thông động mạch vành qua da (nong bóng, đặt stent) hiệu quả rất cao. Tiến sĩ – bác sĩ Trần Viết An chia sẻ: "BV vừa tổng kết, báo cáo khoa học sau 1 năm triển khai kỹ thuật này, tỷ lệ thành công về lâm sàng là 98,7%. Thời gian tái thông động mạch vành tốt nhất < 6 - 12 giờ đầu sau đau thắt ngực, càng sớm càng tốt". Tuy nhiên, sau khi đặt stent mạch vành, người bệnh cần tuân thủ chế độ uống thuốc đều đặn và nghiêm ngặt. Ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ chuyên khoa, người có nhiều nguy cơ mắc bệnh động mạch vành: tuổi cao (nam trên 50 tuổi; nữ trên 55 tuổi); có người thân bị bệnh động mạch vành; người hút thuốc lá, béo phì, lười vận động, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Để phòng ngừa và hạn chế tiến triển của bệnh mạch vành, bác sĩ khuyến cáo các biện pháp thay đổi lối sống như: thay đổi chế độ dinh dưỡng (hạn chế chất béo, đồ ăn mặn, giảm cân nặng); tập thể dục đều đặn và tăng cường hoạt động thể lực; bỏ hoàn toàn thuốc lá, tránh hít khói thuốc từ người khác. Bên cạnh đó, cần nhận biết và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu); giảm căng thẳng, tránh phản ứng với các tình huống có thể gây stress, giúp tinh thần luôn lạc quan, thoải mái…

Hiện kỹ thuật đặt stent mạch vành được thanh toán chi phí hỗ trợ người bệnh bảo hiểm y tế. Có 2 loại stent cơ bản là stent phủ thuốc và stent trần (không thuốc), bảo hiểm y tế hỗ trợ tối đa 48 triệu đồng; bệnh nhân chi trả thêm 30 - 40 triệu đồng (stent phủ thuốc) và 15 triệu đồng (stent trần). 

Một trường hợp điển hình người bệnh nhồi máu cơ tim có triệu chứng nhầm lẫn với bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng: Bà Nguyễn Thị Ng. (66 tuổi, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) bị đau vùng thượng vị. Bà có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng nên nhầm tưởng bệnh tái phát và tự uống thuốc nhưng cơn đau tăng dần và khó thở nhiều. Bà được người thân đưa đến BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cấp cứu ngay. Các bác sĩ thăm khám, ghi nhận bà Ng. bị nhồi máu cơ tim cấp, tiến hành chụp và can thiệp đặt stent mạch vành. Nhờ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và hồi phục sức khỏe sau 2 giờ.

Bác sĩ Trần Viết An cho biết, qua khám, chữa bệnh ghi nhận một số trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có triệu chứng tương tự bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết