17/11/2008 - 08:55

Điều kỳ diệu mang tên: Nghị lực!

Cái tin cô Lê Ngọc Trường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long, là một trong những giáo viên đầu tiên của ĐBSCL nhận giải thưởng Lê Văn Thiêm, không làm nhiều người quen biết cô ngạc nhiên, bởi tên cô Trường đã thường xuyên gắn với những giải thưởng, những thành tích. Thế nhưng, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu biết câu chuyện về cuộc đời cô: từ một cô bé bán hàng rong trở thành giáo viên Toán nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long. Làm nên điều kỳ diệu ấy là nghị lực phi thường.

* Vươn lên từ tuổi thơ vất vả

Đối diện với tôi là người phụ nữ nhỏ nhắn như một học sinh cấp 2. Đó là cô Lê Ngọc Trường. Cô cao chưa đến 1,5 m, lúc mập nhất cũng chỉ cân nặng 44 kg. Thế nhưng, sức làm việc của cô thật đáng nể. “Suốt những năm học phổ thông, một ngày của tôi thường bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng và kết thúc vào 10 giờ tối”- cô Trường kể về tuổi thơ đầy cơ cực của mình.

Cô Trường mồ côi cha khi mới 5 tuổi. Một mình mẹ cô gồng gánh 3 đứa con thơ đến ở đậu trong ngôi nhà nhỏ tại phường 5, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Không nghề nghiệp, mẹ cô bắt đầu tập tành buôn bán, kiếm kế sinh nhai. Hằng ngày, khi mọi người còn chìm sâu trong giấc ngủ ngon thì bà đã ra chợ đón mua rau, cải của nhà vườn để sớm mai mang đi bán dạo khắp các ngõ hẻm của thị xã. Thương con gái vất vả, bà ngoại cô Trường từ Đồng Tháp sang ở cùng, trông cháu. Để kiếm thêm thu nhập, bà làm mứt tầm giuộc, xâu ghim cho chị em cô Trường mang đi bán ở các cổng trường. Ba chị em cô người lớn nhất chưa đến 10 tuổi, người nhỏ nhất vừa lên 5. Cô Trường nhớ lại: “Năm học lớp 2, tôi đã bắt đầu đi bán dạo mứt tầm giuộc, ngoài giờ học”

Cô Lê Ngọc Trường tại phòng làm việc. 

Người thân chỉ cho ở đậu một thời gian nên mẹ con cô Trường phải vay mượn, mua căn nhà lá ở phường 2, thị xã Vĩnh Long. Nợ nần chồng chất, con đường bán dạo của mấy mẹ con cũng dài hơn và nhiều hàng hóa hơn. Cô tâm sự: “Nghề bán dạo theo tôi suốt 10 năm học phổ thông. Nhỏ thì bán mứt tầm giuộc, lớn lên một chút thì đi bán bánh mì, bán thuốc lá, bán nước đá bọc ở các bến xe hoặc đi bán nước mắm dạo”. Những người sống lâu năm ở hẻm 54, phường 2, thị xã Vĩnh Long vẫn chưa quên hình ảnh tối tối, ở tủ thuốc lá nhỏ đầu hẻm, có một cô bé vừa bán thuốc vừa tranh thủ học bài dưới ánh sáng hắt hiu của ngọn đèn đường. “2 giờ sáng, tôi đã thức dậy, mang rổ thuốc ra bán ở bến xe; tối thì ngồi bán tủ thuốc lá đầu hẻm. Cứ tranh thủ lúc rảnh là mang tập ra học”- cô Trường kể.

Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, cô Trường rất thích học các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán. Những công thức Toán luôn có sức hút kỳ lạ với cô và kiến thức toán học của cô càng ngày càng vững vàng hơn. Vì vậy, khi bước vào cấp 3, cô đã nuôi ước mơ: trở thành cô giáo dạy toán. Cuộc sống càng khó khăn, ước mơ của cô càng cháy bỏng hơn. Suốt những năm học phổ thông, cô Trường không có lấy một buổi ra chơi đúng nghĩa như bao bạn bè đồng trang lứa. Giờ chơi, cô không tranh thủ học bài thì cũng mang kẹo bánh ra bán cho bạn bè để kiếm thêm thu nhập. Cô bộc bạch: “Nhiều lúc, tôi cũng thấy tủi thân và mệt mỏi lắm nhưng nghĩ đến tương lai, nghĩ đến ngày mình được đứng trên bục giảng dạy toán, bao nhiêu mệt mỏi lại tan biến và tôi tự động viên mình phải cố gắng hơn nữa”.

Tốt nghiệp THPT, cô Trường trúng tuyển vào ngành sư phạm Toán, Trường Đại học Cần Thơ. Lại tiếp tục 4 năm bươn chải và trước nghị lực của cô, những khó khăn lùi dần. Và năm 1982, tốt nghiệp đại học, cô Trường trở thành giáo viên dạy Toán của Trường THPT Lưu Văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long.

* Tấm lòng của một nhà giáo

Sự chịu thương, chịu khó từ tuổi thơ vất vả đã ăn sâu vào cô Trường. Cô vẫn dậy thật sớm và đi ngủ muộn để có thời gian làm việc nhiều hơn. Cô luôn tâm niệm: “Giáo viên mà không học tập để nâng cao trình độ thì có nghĩa là đã thụt lùi”. Thời gian rảnh cô đều dành cho việc học. Tất cả các lớp bồi dưỡng chuyên môn tại Vĩnh Long hay TP Hồ Chí Minh, thậm chí tận Hà Nội, cô đều xin đi học. Cô Trường tâm sự: “Làm gì để học sinh hiểu bài nhanh hơn, học giỏi hơn thì dù khó khăn, vất vả đến mấy tôi cũng phải làm cho bằng được”. Cô Trường là một trong những giáo viên phổ thông đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long tốt nghiệp Thạc sĩ Toán học. Cô đang làm khóa luận tốt nghiệp lớp Đại học Quản lý Giáo dục. Với đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh, cô Trường còn là một trong những giáo viên có tiếng “mát tay” bồi dưỡng học sinh giỏi, là thành viên hội đồng bộ môn Toán của tỉnh và là một trong những người hiếm hoi được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh không thời hạn...

Nhiều phụ huynh ở thị xã Vĩnh Long rỉ tai nhau: “Con mình mà học thêm toán cô Trường dạy thì khỏi lo môn này”. Trò chuyện với tôi, cô không giấu giếm việc dạy thêm để có thu nhập, trang trải cho gia đình. Nhưng cô cũng khẳng định chỉ thu hút học sinh bằng chính khả năng sư phạm của mình. Điều này hoàn toàn có thể nhận thấy được khi các lớp dạy thêm của cô luôn đông học sinh của những trường THPT khác. Cô Trường tâm sự: “Với tôi, dạy thêm còn là dịp để rèn luyện chuyên môn, để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Tôi còn nhớ năm lớp 11, mỗi lần đi ngang lớp dạy thêm toán, tôi rất muốn vào học nhưng tiền ăn còn chạy từng ngày thì lấy đâu ra tiền để học thêm, đành mượn tập của các bạn để học ké”.

Lớp học thêm của cô Trường luôn dang tay đón nhận những học sinh gia cảnh khó khăn, không có tiền đóng học phí. Một trong những học sinh đó là Đỗ Trần Duy Nghĩa. Giờ, Nghĩa đã là thầy giáo dạy Toán của Trường THPT Lưu Văn Liệt. Nhắc đến cô Trường, Nghĩa cảm kích: “Khi biết gia đình tôi khó khăn, cô Trường dạy thêm cho tôi suốt 3 năm học THPT mà không nhận đồng học phí nào. Rất nhiều học sinh khác cũng đã được cô giúp đỡ. Ở lớp cô chủ nhiệm, cô nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh để có hướng giúp đỡ kịp thời”.

26 năm đứng trên bục giảng, từ Trường THPT Lưu Văn Liệt đến Trường THPT Nguyễn Thông rồi Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, không thể kể hết những thành tích, những bằng khen mà cô Trường đã nhận được, với vai trò từ một giáo viên đến một cán bộ quản lý hay một người vợ, người mẹ... Nhưng với cô, hạnh phúc lớn nhất chính là lòng tin yêu của đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh, là gia đình đầm ấm. Cô tâm sự: “Những thành tích tôi đạt được hôm nay đều có công rất lớn của chồng tôi. Cùng là giáo viên nhưng anh ấy luôn cố gắng choàng gánh việc nhà để tôi an tâm công tác và học tập nâng cao trình độ. Vợ chồng tôi có một con trai đang học lớp 9. Chúng tôi dạy con bằng chính lối sống và hành động của mình”.

* * * * * *

Chia tay tôi, cô Trường lại quày quả ra về để lo việc nhà chồng. Dáng người nhỏ bé của cô luôn tất bật. Tôi nhớ lời nhận xét đầy tôn trọng của thầy Bùi Chí Hiếu, Hiệu trường Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Nhìn cô Trường gầy ốm vậy chứ trong cô là nguồn năng lượng vô tận. Tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh nên cô làm được rất nhiều việc...”. Còn tôi, tôi hiểu rằng chính nghị lực của cô đã làm nên sự thay đổi kỳ diệu: từ một cô bé bán dạo trở thành cô giáo dạy Toán nổi tiếng.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết