12/01/2019 - 09:25

Công tác tài chính- ngân sách nhà nước năm 2019

Điều hành linh hoạt, chủ động, ổn định, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

Mới đây, tại Hội nghị Trực tuyến Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019, Bộ Tài chính đánh giá việc triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Khách hàng đến giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Cần Thơ. 

Hoàn thành nhiệm vụ tài chính

Năm 2018, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành NSNN năm 2018 theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép trong mọi tình huống. Đến hết 31-12-2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1.422,7 ngàn tỉ đồng, vượt 7,8% so dự toán. Nhờ thu ngân sách đạt khá, các nhiệm vụ chi ngân sách cũng được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trong năm qua, Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ. Tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh; kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương. Ước tính đến 31-12-2018, dư nợ công dưới 61% GDP, dư nợ Chính phủ dưới 52% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 49,7% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (xăng dầu, than, dịch vụ y tế, giáo dục)... Đồng thời, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đã đề ra. Năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,54%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,48% so với năm 2017.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm qua, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN; đáng chú ý là việc cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công còn chậm; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ xử lý những dự án trọng điểm thua lỗ của Nhà nước chuyển biến chưa rõ nét; giải ngân vốn đầu tư công chậm; nợ nước ngoài của quốc gia còn ở mức cao; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị.

Cơ cấu ngân sách hợp lý

Năm 2019, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu đến cuối năm 2019 dư nợ công trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, khoảng 61,3% GDP. Song song đó là thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước...

Nhìn chung, các địa phương đều quyết liệt trong công tác thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm. Đối với TP Cần Thơ, năm 2019, thành phố được Trung ương giao dự toán thu 11.040 tỉ đồng. Thành phố quyết tâm phấn đấu năm 2019 thu vượt dự toán khoảng 5% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 1-1-2019) của Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm 2019, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ thu, chi ngân sách theo dự toán. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. 

Nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hiện nay phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, nguồn huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), NHNN kiến nghị Bộ Tài chính với vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ, ban, ngành để tham mưu, đề xuất phát triển các phân khúc khác của thị trường tài chính, như thị trường trái phiếu công ty hay là tích cực thực hiện việc cổ phần hóa. Như vậy các doanh nghiệp sẽ dựa vào nguồn vốn trung, dài hạn hoặc các nguồn vốn khác thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng. NHNN cũng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm đến việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Bởi theo Thông tư 41 của NHNN có hiệu lực từ 1-1-2020, các ngân hàng phải tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn ( theo tiêu chuẩn Basel II). Trong đó, chỉ tiêu về vốn là rất quan trọng. Đây cũng là vấn đề mà các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF đã có kiến nghị nhiều lần.

Bài, ảnh: MINH HUYỀ​N

Chia sẻ bài viết