15/09/2020 - 05:57

Điều giản dị từ tâm 

“Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
Làm đọt lá trên cành xuân...”

Những câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cứ lẩn quẩn trong tâm trí tôi sau cuộc gặp với Thượng tọa Thích Thiện Thông, trụ trì chùa Long An, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Dấn thân, nhập thế, sống xứng đáng là bậc tu hành giữa kiếp nhân sinh, Thượng tọa Thích Thiện Thông điềm nhiên khát khao “làm đọt lá trên cành xuân”, dù đã ở tuổi 65.

Thượng tọa Thích Thiện Thông chuẩn bị bàn thờ, lo hậu sự cho ông T vừa qua đời tại chùa. Ảnh: DUY KHÔI
Thượng tọa Thích Thiện Thông chuẩn bị bàn thờ, lo hậu sự cho ông T vừa qua đời tại chùa. Ảnh: DUY KHÔI

Bước vào chùa Long An, tôi thoáng giật mình nghe tiếng hộ niệm. Một phụ nữ khoác áo nâu nói với tôi: “Vị thí chủ hôm qua bác sĩ trả về, hôm nay đã ra đi. Thầy đang lo hậu sự cho ông”. Đó là ông Mạc Hoàng T, 64 tuổi, sống cùng vợ trong căn phòng trọ ở đường Cách mạng Tháng 8, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Mấy hôm trước ông trở bệnh nhiều, bác sĩ khuyên đưa về lo hậu sự. Người nhà không khỏi bối rối bởi mấy mươi năm tá túc cảnh gác trọ, những ngày cuối đời, biết đưa ông về đâu khi chẳng có một mái nhà riêng. May mắn thay, cửa chùa Long An rộng mở để ông còn được náu nương dưới bóng từ bi và giã từ cuộc đời trong tiếng kinh cầu, trong an yên của tự viện. Ai đó thầm thì: “Ông ấy còn chút phước cuối đời!”.

Bước qua phòng kế bên, vị sư phụ già đang chỉnh trang lại hòm rương trước khi tẩn liệm, chu tất bàn thờ Phật để cử hành tang lễ. Tỉ mẩn, nhẹ nhàng trong từng động tác, vị sư phụ chào chúng tôi bằng nụ cười hiền từ. Qua lời của Thượng tọa Thích Thiện Thông mới hay, cụ T là người thứ hàng trăm trút hơi thở cuối cùng trong ngôi chùa này, trong suốt hơn 10 năm qua. Cứ người nghèo, đơn chiếc nhưng không có nhà, phải ở nhà trọ, lúc sắp qua đời không thể ở nhà trọ thì Thượng tọa Thích Thiện Thông sẵn lòng cho tá túc. Ông lo cho người sắp lìa trần lẫn người thân của họ, từ cơm nước đến vật dụng sinh hoạt. Ai túng quẫn, ông lại lo luôn chuyện hòm rương, hỏa táng. Tay đan tay run run, vị sư phụ từ tốn: “Người ta khổ cả đời rồi, đường cùng mới tìm đến với mình. Thầy muốn giúp họ ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Trầm luân bấy cảnh đủ rồi!”.

Cạnh căn phòng đang hộ niệm người qua đời là căn phòng có những cụ già đang giữa lằn ranh sinh tử. Kinh kệ để chuẩn bị cho một chuyến trở về cát bụi, giữa tình người ấm áp dưới cội từ bi. “Có lúc nào thầy thấy sợ cảnh tử biệt này không?”. Tôi hỏi bằng sự thắc mắc của tuổi trẻ và được thầy trấn an: “Đến một lúc nào đó, con sẽ rõ triết lý của chuyện sinh - tử, được - mất, hiện tại - tương lai. Cốt là ở sự an yên!”.

Chùa Long An lúc nào cũng đông người vào ra, lui tới. Không ồn ã, không xôn xao, từng bước chân đi trong sự thanh tịnh dưới mái chùa. Ai đó nghĩ rằng, chùa lúc nào cũng phải “tĩnh” theo đúng nghĩa đen thì có lẽ chưa hẳn đúng với Long An tự. Có những lúc người vào ra lo tang ma, có những tiếng nỉ non đưa người về cát bụi. Và hậu tự, thật bất ngờ khi có cả một “ký túc xá” thu nhỏ. Thượng tọa Thích Thiện Thông kể, 6 năm rồi, đã có sinh viên ở đây đi học rồi ra trường, giờ đã đi làm...

* * *

Thượng tọa Thích Thiện Thông thường xuyên dạy bảo, khuyên răn các học sinh, sinh viên đang tá túc tại chùa để đi học. Ảnh: DUY KHÔI

Thượng tọa Thích Thiện Thông thường xuyên dạy bảo, khuyên răn các học sinh, sinh viên đang tá túc tại chùa để đi học. Ảnh: DUY KHÔI

Chuyện rằng, 6 năm trước, một thanh niên từ Bạc Liêu đến xin nhà chùa cho nương thân để lo chuyện sách đèn. Vị sư phụ phân vân nhưng chối từ thì không nỡ. Vậy là thanh niên đó được ở lại chùa để đi học, ra trường thành dược sĩ, về quê làm việc và thỉnh thoảng về lại mái chùa xưa để thăm cảnh cũ, tạ người ơn. Chàng thanh niên ấy là Tạ Nhật Nguyên, và câu chuyện này được chính em trai Tạ Nhật Long kể lại cho chúng tôi nghe. Long cũng đang học ngành Dược của Trường Đại học Tây Đô và cũng đang tá túc tại chùa Long An. Nhật Long kể: “Gia đình em nay cũng không còn quá khó khăn như trước nhưng cha mẹ em gửi ở nhờ nhà chùa, được sư phụ dạy dỗ nên an tâm lắm. Ở trong chùa, em thấy mình thanh thản, nhẹ nhàng”.

Một câu chuyện khác là Nguyễn Quốc Khánh, quê ở Phụng Hiệp, Hậu Giang, đã 17 tuổi nhưng mới học lớp 8. Hỏi ra mới hay, gia cảnh khó khăn, Khánh mấy lần phải nghỉ học. Rồi người thân gửi Khánh cho Thượng tọa Thích Thiện Thông để thầy nuôi dưỡng. Vị sư phụ đồng ý với một điều kiện: Phải đi học trở lại! Còn với Đặng Đa Lập, cũng từng nghỉ học vì cảnh nghèo, vì mặc cảm thiếu tình cha, đến chùa Long An với mong muốn vẽ lại tương lai đời mình. Thượng tọa chính là người họa sĩ ấy với nét vẽ của bậc chân tu. Bây giờ, Lập đã học lớp 8, đã gạt bỏ được những nông nổi của tháng ngày thiếu nghĩ suy. “Ở với chùa, em thấy mình chín chắn hơn. Em quyết phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng sư phụ”.

Thượng tọa Thích Thiện Thông trần tình, nhận nuôi các em, lo chuyện cơm áo đã đành, nhưng lo nhất vẫn là dạy bảo các em nên người. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, mỗi cá tính, mỗi nghĩ suy. Một bậc tu hành quán xuyến 7 nam học sinh, sinh viên chẳng phải là chuyện dễ, ngay tại thời điểm hiện tại. Nhưng thầy Thích Thiện Thông làm được, làm bằng tình thương và sự bác ái. Tối, trước giờ đi ngủ, thầy ghé từng phòng để kiểm tra các con đã có mặt đủ chưa. Chuyện đi đứng, nói năng, học hành, thầy nhắc nhở từng chút như người ông trong nhà nhắc nhở đàn cháu nhỏ. “Thầy vẫn nhắc nhở tụi nhỏ hằng ngày, đừng ham chơi mà phải cố gắng học, trau dồi đức hạnh để gầy dựng tương lai” - thầy Thích Thiện Thông nói như vậy. Rồi thầy kể, lần nọ, cũng là lần duy nhất, có em phạm lỗi, thầy phạt quỳ hương. Phạt mà lòng thầy đau. Thầy nguyện cầu hoài cho các em đều ngoan, chánh niệm và tĩnh tâm, đừng va vấp...

* * *

Tôi biết đến chùa Long An và Thượng tọa Thích Thiện Thông thông qua bà Ngô Thị Mỹ Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Lê Bình, quận Cái Răng. Bà Nga hay nói vui: “Sư phụ là “mối” vận động các hoạt động an sinh xã hội của địa phương” và cho biết, hễ địa phương cần, hay chỉ cần biết trường hợp nào cần giúp đỡ là thầy Thích Thiện Thông sẵn lòng, bao dung và đón nhận hoan hỉ. Định kỳ trong năm thì có tặng quà cho bà con vào dịp Tết Nguyên đán và lễ Vu Lan; một đợt tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí kết hợp tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. “Đột xuất” thì chẳng kể xiết, vạn sự tùy duyên, thầy giúp bằng hết sức mình. Mỗi năm, trị giá hoạt động thiện nguyện ở chùa Long An phải vài trăm triệu đồng. Mấy mươi năm qua, số tiền ấy được vị Thượng tọa 65 tuổi tính tổng bằng chân tình nhẹ tênh: “Thôi, hãy để gió cuốn đi, nhớ mà làm gì...”.

“Lần nọ, hơn 1 năm trước, chùa hết gạo mà thầy cũng chẳng còn tiền. Thầy định gọi điện thoại mua gạo thiếu của một vị thí chủ ở chợ Cái Răng thì may sao đúng lúc ấy có phật tử đến tiếp sức. Âu cũng là cái duyên” - sư thầy kể. Tôi lại hỏi thầy: “Những lúc như vậy, thầy có thấy buồn không?”. “Không”, thầy lắc đầu đáp mau. Thầy nói, đã vào đường tu là “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, toan tính thì sao buông bỏ. Đường đời, đường đạo thênh thang, bậc tu trì cứ vậy mà bước từng bước thánh thiện, ung dung.

Câu chuyện của Thượng tọa Thích Thiện Thông không chỉ mang đến cho tôi cảm giác an lành mà giúp tôi thấu triết lý chân tu “từ bi - cứu khổ - ban vui” từ những điều rất giản dị, dễ hiểu và dễ làm. Vị sư phụ trần tình rằng, ông xuất thân từ nông gia, lớn lên là một nông dân rồi chọn đường tu làm chánh nghiệp. Vậy nên, ông thấu hiểu nỗi khổ của cái nghèo, cảm thông trước cái khổ. Thượng tọa chọn cho mình con đường đạo - đời song hành. Có lẽ vậy mà những bài học ông gửi đến Phật tử cũng thật giản dị: giữ cho được nếp nhà, thuần phong mỹ tục của tổ tiên, cống hiến cho xóm làng, quê hương bằng hết sức mình, loại trừ những hủ tục, mê tín dị đoan... Người phật tử tốt trước hết hãy là công dân tốt! Nét đẹp của Phật giáo được Thượng tọa Thích Thiện Thông lan tỏa giữa đời, sống ích đạo, lợi đời cốt đem về sự an lạc, giải thoát cho chính mình, niềm an vui cho thế nhân.

Tuổi 65, Thượng tọa Thích Thiện Thông đã “nghe” trong người không còn khỏe. Hỏi về chuyện thiện nguyện đã làm, thầy nhớ ít quên nhiều, chẳng hề bận tâm. Vậy nhưng hỏi chuyện sắp tới, thầy kể về kế hoạch chăm lo cho trẻ em nghèo dịp Tết Trung thu, về việc tu bổ ngôi dưỡng đường dành cho người khổ hạnh trước lúc lâm chung... Chứng kiến những hành động thiện nguyện, đến với người nghèo bằng cả lòng từ tâm của Thượng tọa Thích Thiện Thông, tôi chợt nghĩ đến lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm” cùng với phương châm của Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Thượng tọa Thích Thiện Thông đã dành trọn cuộc đời của mình để thi hành những điều đó - những điều giản dị từ tâm mà vẹn nguyên một triết lý đắc đạo, đẹp đời: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.    

Bút ký: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết