21/01/2016 - 13:43

Diễn đàn kinh tế

 

Ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (HTX Thắng Lợi):

Phát huy sức mạnh liên kết để hội nhập

Năm 2015, HTX chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012, tổ chức cung cấp các dịch vụ, đầu vào cho các thành viên, như: cung cấp thức ăn, dịch vụ, các chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi nâng cao chất lượng cá và đứng ra tổ chức tiếp nhận các chương trình hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật cá tra, vệ sinh môi trường. Đồng thời, HTX liên kết với Công ty Sao Mai An Giang, đảm bảo đầu ra ổn định cho các xã viên và kết quả năm 2015 doanh thu của HTX đạt 136 tỉ đồng.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, HTX Thắng Lợi tiếp tục liên kết với 70 hộ nuôi cá tra lân cận để có nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho doanh nghiệp. HTX sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các viện, trường, ngành chuyên môn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đảm bảo chất lượng cá đạt chuẩn xuất khẩu, hướng dẫn các thành viên và cá hộ nuôi lân cận thực hiện sản xuất theo mô hình VietGAP; tích cực chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, phát triển và mở rộng quy mô sản xuất…

 

Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn:

Sản xuất theo nhu cầu thị trường, hướng tới xuất khẩu

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Quốc Noãn đang tích cực mở rộng sản xuất, chú trọng sản xuất những mặt hàng theo nhu cầu thị trường. Hiện tại, ngoài sản xuất các sản phẩm chủ lực làm từ tre nứa, như: giỏ hoa, cần xé… phục vụ các làng hoa kiểng trên địa bàn TP Cần Thơ, làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), Long An, Tiền Giang, Bến Tre và HTX còn xuất sang Campuchia.

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp, công ty từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ngoài vùng ĐBSCL tìm đến HTX Quốc Noãn và có nhu cầu đặt những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như: túi xách, nón các loại… từ nguyên liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đây chính là cơ hội cho HTX mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới làm hàng xuất khẩu. Nhưng muốn làm được điều này, đòi hỏi HTX phải nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ và đào tạo nghề đan cho các xã viên, giúp các xã viên nâng cao tay nghề để tạo ra sản phẩm tinh xảo, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng… đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng tới xuất khẩu.

 

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt:

Hướng tới sản xuất hiện đại, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh

Hiện tại, HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt đã hoàn tất việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Sự chuyển đổi này đã tạo cơ hội cho HTX nông nghiệp từ bỏ cách làm cũ, lạc hậu để hướng tới sản xuất hiện đại. Đồng thời, giúp các thành viên HTX đổi mới tư duy, vươn lên và chấp nhận cạnh tranh không chỉ ở địa phương mà còn vươn ra bên ngoài.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh thị trường về chất lượng và giá cả ngày càng khốc liệt, đòi hỏi HTX phải năng động đẩy mạnh đầu tư xây dựng kho bãi, đầu tư lò sấy... Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa vào các khâu sản xuất để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, bảo quản và vận chuyển trong quy trình sản xuất. Điều này, vừa hạ giá thành sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng hạt giống đến tay người nông dân, giúp HTX nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh thị trường.

 

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm:

Chủ động để phát huy vai trò HTX

Muốn phát triển và hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, bản thân HTX phải nỗ lực, chủ động phát huy vai trò trong sản xuất, hỗ trợ xã viên cùng phát triển. Thời gian qua, HTX Khiết Tâm cung cấp các dịch vụ, lo đầu vào và tiêu thụ đầu ra, thực hiện sản xuất theo quy trình, như: xuống giống đồng loạt, liên kết nông dân cùng sản xuất một loại giống gia tăng các biện pháp quản lý trong sản xuất, áp dụng biện pháp "1 phải 6 giảm" trong canh tác. Trong quá trình sản xuất, HTX còn hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng, tính toán chi phí sản xuất, giúp truy xuất được nguồn gốc… Nhờ đó, năng suất và chất lượng lúa giống của HTX Khiết Tâm luôn được đảm bảo, thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty cổ phần Gentraco, đảm bảo đầu ra cho các xã viên.

Song yếu tố then chốt để HTX phát triển, vững tin hội nhập rất cần sự trợ lực từ các ngành chức năng hỗ trợ HTX về vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật… Đồng thời, phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp canh tác hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu giống lúa, thực hành sản xuất theo quy trình GlobalGAP, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp… góp phần nâng cao giá trị thương hiệu gạo khi ra thị trường.

M.H

Chia sẻ bài viết