16/06/2020 - 06:21

Điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 

Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi được thông qua và có hiệu lực vào ngày 1-7-2020. Luật có 5 khoản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 33 khoản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền.

Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi một số điểm đáng chú ý như: Chính phủ có quyền quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Thống nhất quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương; quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. 

Thủ tướng Chính phủ có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc Ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành. Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ; cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. 

Bên cạnh Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng được sửa đổi, bổ sung một số điểm đáng chú ý. Về HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Thành viên của Thường trực HĐND không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp. Cơ cấu HĐND cũng được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, HĐND cấp tỉnh gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở tỉnh bầu ra. Việc xác định tổng số đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau: tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu, có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu; tỉnh không thuộc trường hợp quy định trên có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu. Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND tỉnh. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 1 Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. 

HĐND tỉnh thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban Dân tộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc quy định tại khoản này. Ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND tỉnh do HĐND tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có 1 Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì Ban có 2 Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Bên cạnh đó, việc tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó. 

Về nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung quy định khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Luật đã thay thế cụm từ “bất thường” bằng cụm từ “chuyên đề” hoặc “họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất”.

HOÀNG YẾN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết