15/07/2009 - 07:19

Dịch cúm A(H1N1) có thể diễn biến nhẹ như cúm mùa hoặc nặng hơn

* Phác đồ điều trị cúm A(H1N1) do Bộ Y tế ban hành thích ứng và đạt hiệu quả cao trong điều trị

* Nhân viên y tế là đối tượng cần được tiêm phòng vắc-xin phòng cúm A(H1N1) đầu tiên

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị cúm A(H1N1) ngày 14-7 tại Hà Nội với sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương cùng các giáo sư, bác sĩ chuyên gia lâm sàng và các nhà quản lý y dược trong nước và quốc tế.

Theo Tiến sĩ Hiển, tại Việt Nam các ca nhiễm cúm A(H1N1) đều từ nước ngoài xâm nhập, các bệnh nhân thích ứng với Phác đồ điều trị cúm A(H1N1) do Bộ Y tế ban hành, chưa xuất hiện lây trực tiếp từ người sang người và chưa có ca nào tử vong... Tuy nhiên số người nhiễm cúm trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng nhất là khi mùa Đông sắp tới.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các chuyên gia tập trung thảo luận: Nhằm tiếp tục hoàn thiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H1N1) hay còn gọi là Phác đồ điều trị do Bộ Y tế Việt Nam ban hành; cập nhật thông tin và chia sẻ kinh nghiệm điều trị cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) trên thế giới và kinh nghiệm của Việt Nam. Trước tình hình dịch cúm A(H1N1) tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, bước đầu đã phát hiện một vài trường hợp bệnh nhân kháng với thuốc điều trị cúm hiện nay là Oseltamivir tại Hồng Kông, Nhật Bản, Đan Mạch, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia thảo luận vấn đề sử dụng thuốc kháng vi rút trong điều trị dự phòng cúm A(H1N1), cúm A(H5N1); Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H1N1) do Bộ Y tế ban hành có cần thiết phải chỉnh sửa, bổ sung dựa trên những kinh nghiệm mới nhất của thế giới và Việt Nam hay không...

Tính đến 17 giờ 14-7, kể từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 30-5-2009) tại Việt Nam phát hiện 309 ca nhiễm cúm A(H1N1) và 90% ca bệnh được điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 10% số ca điều trị ngoài Bắc. Theo các chuyên gia lâm sàng Tiến sĩ Trần Tịch Hiền, thành phố Hồ Chí Minh nơi tiếp nhận và điều trị trên 200 ca bệnh đã khẳng định, tất cả các bệnh nhiễm cúm A(H1N1) đều được điều trị theo Hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế về phòng, chống cúm A(H1N1) với thuốc Oseltamivir và sau 7 ngày đa số các bệnh nhân đều khỏi bệnh và có kết quả âm tính với cúm A(H1N1). Tuy nhiên cũng có 1,2 trường hợp chậm thích ứng với Oseltamivir nhưng đến ngày thứ 10 bệnh nhân hết hẳn vi rút. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính và Hồng Hà, Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia qua sàng lọc phát hiện điều trị 26 ca dương tính với cúm A(H1N1) cho thấy, đa số nguồn lây bệnh đều từ nước ngoài trở về Việt Nam trong đó có 7 ca lây nhiễm trong nước cũng từ người thân đã bị dương tính với cúm A(H1N1), thời gian ủ bệnh là 2 ngày và có dấu hiệu sốt và tất cả các bệnh nhân đều được điều trị theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Kết quả điều trị cho thấy tất cả các bệnh nhân đều thích ứng và khỏi bệnh nhanh chóng sau khi thực hiện Hướng dẫn điều trị cúm A(H1N1) Bộ Y tế xây dựng, với thuốc Oseltamivir. Tuy nhiên cũng xuất hiện một hai bệnh nhân có thời gian tồn tại vi rút lâu hơn 7 ngày nhưng sau khi điều trị kéo dài, bệnh nhân đã khỏi hẳn và hết vi rút cúm A(H1N1).

Kết luận tại Hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định: Hướng dẫn chẩn đoán điều trị cúm A(H1N1) do Bộ Y tế ban hành hoàn toàn thích ứng và hiệu quả với diễn tiến bệnh cúm A(H1N1) ở nước ta, kết quả 100% các bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh, cũng như diệt hết vi rút cúm A(H1N1) theo thời gian đã quy định; đồng thời khẳng định tiếp tục sử dụng Oseltamivir trong điều trị và đối với trường hợp có dấu hiệu thích ứng chậm với Oseltamivir có thể dùng hỗ trợ thêm Zanmivir.

* Ngày 14-7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan cảnh báo nghèo đói sẽ cản trở những nước nghèo tiếp cận với vắc-xin phòng cúm A(H1N1). Bà đồng thời chỉ trích xu hướng các công ty dược phẩm chỉ chú trọng sản xuất vắc-xin mới cho các nước giàu.

Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức quyền Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Chan cho biết khả năng sản xuất vắc-xin phòng cúm A(H1N1) hiện còn hạn chế, chỉ bằng 25% đến 50% khả năng sản xuất vắc-xin phòng cúm thông thường. Với tốc độ này, việc sản xuất vắc-xin mới, dù được bắt đầu từ tháng 9 tới theo đề nghị của WHO, cũng không thể đáp ứng cho toàn bộ dân số 6,8 tỉ người trên thế giới. Hơn nữa, nguồn cung cấp vắc-xin vốn hạn chế phần lớn sẽ đổ vào các nước giàu, chỉ vì các nước nghèo không có tiền để mua, khiến cho WHO không thực hiện được chính sách chung là các nước giàu và các nước nghèo phải được đối xử bình đẳng trong lĩnh vực y tế.

Bà cũng cho biết WHO đang thương lượng với các hãng sản xuất vắc-xin phòng cúm A(H1N1) để các hãng này tài trợ hoặc bán rẻ vắc-xin cho các nước nghèo, đồng thời kêu gọi các nước giàu chia sẻ một phần dự trữ vắc-xin của họ cho các nước nghèo. Hiện đã có hai công ty ủng hộ 250 triệu liều vắc-xin mới cho các nước nghèo, nhưng con số này còn quá ít ỏi.

WHO đề nghị các nước tiếp tục các chương trình tiêm phòng cúm theo mùa như thường lệ, nhưng chưa khuyến cáo tiêm phòng cúm A(H1N1) đồng thời. Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách nghiên cứu vắc-xin của WHO Marie-Paul Kieny ngày 13-7 đề nghị tất cả các nước dự trữ vắc-xin phòng cúm A(H1N1) để sẵn sàng tiêm chủng cho người dân khi cần thiết, vì đại dịch này đã phát triển ở mức “không thể ngăn chặn được”. Nhóm chuyên gia về vắc-xin của WHO đề nghị các nước đưa nhân viên y tế vào nhóm đối tượng ưu tiên tiêm phòng cúm A(H1N1) đầu tiên, nhằm đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nước được tự do quyết định các nhóm đối tượng ưu tiên tiếp theo, có thể ưu tiên phụ nữ mang thai, người béo phì, người mắc bệnh kinh niên và trẻ em, những nhóm đối tượng hoặc dễ bị nhiễm vi-rút A(H1N1), hoặc có thể truyền vi-rút cho người khác nhanh hơn.

NHẬT MINH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết