07/11/2021 - 13:15

Đi qua mùa lúa chín 

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường

"Mình về chung nhà em nhé!" - đó là lời cầu hôn của Huân. Lời cầu hôn y như trong các bộ phim tình cảm và tôi đã đồng ý. Hai đứa yêu nhau đã 5 năm rồi. Khoảng thời gian nhiều người cho rằng quá lâu. Nhưng với tôi là vừa đủ chín để nhận lời về chung một nhà cùng Huân, khi tôi 28 tuổi.

Trong cuộc sống hiện tại, mối tình kéo dài đến 5 năm đã được mọi người cho là mối cảm tình bền vững. Bao quanh tôi lại có biết bao nhiêu chàng trai. Và như quy luật của cuộc sống giữa thời buổi mạng xã hội phát triển, những chàng trai quanh tôi muôn màu muôn vẻ, thường xuyên tương tác, "thả thính" ngập tràn. Nhưng theo thời gian, với tôi họ chỉ là đám đông. Chỉ còn mối tình với Huân ở lại.

Lúc đầu, tôi cũng rất thích đám đông "thả thính" lẫn nhau. Từ mạng xã hội, tôi nhận lời mời đến những tầng thượng của các khách sạn năm sao, ở đó nhìn xuống thành phố vào ban đêm rực rỡ ánh đèn đầy ảo mộng. Tôi cũng từng thích những vũ trường với mùi hương của bao nhiêu loại nước hoa, ở đó mọi người chứng tỏ mình bằng những chai rượu mắc tiền, những cái va chạm tưởng như vô tình mà tràn đầy ham muốn. Tôi từng sẵn sàng trả lời tất cả những lời đường mật, như thể đó là một phần niềm vui của tôi. Ðôi khi tôi nhận lời tham dự một đám tiệc, bởi vì ở nơi đó tôi nhận được rất nhiều lời ca tụng. Và chỉ cần bao nhiêu đó thôi, là tôi ôm trọn một giấc ngủ tràn đầy những giấc mộng đẹp.

Nhưng đó là cái nhìn của tôi khi 20 tuổi, rồi 21 tuổi... cho đến một ngày nhìn lại, bỗng giật mình tôi nhận ra tất cả chỉ là đám đông, chỉ có một người thật lòng yêu tôi ở lại. Người đó là Huân. Huân chẳng bao giờ "thả thính" với tôi, anh chỉ vào trang cá nhân của tôi ngắm nhìn, đôi khi anh nhấn thích mà không bình phẩm. Thỉnh thoảng anh nhắn hẹn tôi đi ăn hoặc cà phê. Huân không thích ăn các món Nhật, nhưng để tôi vui, anh cùng tôi đi ăn shushi. Tôi vô tình không biết điều đó, như thể sở thích của tôi anh phải chấp nhận. Dăm lần tưởng rằng chúng tôi sẽ buông bỏ nhau, giống như trong cuộc sống có quá nhiều lứa đôi đã buông tay sau khi đã đem hết lòng để yêu nhưng vẫn không thể hòa hợp vì cách sống khác nhau. Nhưng mà Huân nói "Có thể anh sẽ yêu một ai đó, có thể anh sẽ lấy một cô gái không trễ hẹn, cô gái không bao giờ thả thính với các chàng trai trên mạng. Nhưng anh biết không có anh, em sẽ buồn. Anh lại không muốn em buồn".

Nhà Huân ở tận Ninh Hòa, gọi là tận bởi vì nhà anh không ở phố, mà tại một vùng đất tên là Ninh Phú. Anh bảo chữ "Phú" có nghĩa là giàu có. Sự giàu có ở đây không phải nói về tiền bạc, mà là tình làng nghĩa xóm. Nơi anh ở có một nhánh sông nhỏ, anh nói là nhánh sông này chảy miết nhập vào dòng sông Dinh ở Ninh Hòa. Sông Dinh thì tôi biết, đó là dòng sông rất thơ mộng với những cầu cong lên cùng lan can nhiều chạm khắc, giống như những chiếc cầu trong các phim cổ trang. Cạnh con sông có chợ Ninh Hòa, nơi bán đặc sản rất riêng ở vùng đất này: nem Ninh Hòa gói bằng lá chùm ruột.

Nhà của Huân đẹp với lối vào có hàng cau rất cao. Anh nói với tôi là hồi 15 tuổi anh leo cau rất giỏi. Cây cau ốm yếu, cao vòi và ngả nghiêng theo gió, cho nên chỉ những cô cậu bé mới có thể leo lên cho vừa sức nặng. Nhà anh có cả một hàng rào bằng hoa dâm bụt, hoa cứ nở ra đẹp một cách lạ. Nhà anh có một cây bồ kết, đó cũng là cây bồ kết lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Anh bảo người ta gần như không trồng cây bồ kết nữa bởi vì đã có đủ loại dầu gội đầu được bán mọi nơi, cho nên cây bồ kết nhà anh thuộc loại hiếm. Cây có rất nhiều gai, những chùm gai chỉa ra ba cái rất nhọn như thể ngăn mọi người leo lên cây. Còn lá thì giống như lá muồng. Trái giống như trái điệp, khi chín màu đen. Vào mùa trái chín rụng xuống, cứ gom đem vào để dành nấu nước gội đầu. Tôi đã gội đầu bằng trái bồ kết rụng ở sân nhà anh. Huân đã nấu bồ kết và gội đầu cho tôi. Ðó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi gội đầu với bồ kết. Hôm đó Huân nói với tôi chuyện hai đứa sẽ về chung nhà. Anh sẽ rước dâu bằng xe ngựa và sẽ đón tôi từ đầu ngõ. Tôi móc tay với anh: "Em đồng ý".

Mùa chúng tôi dự định cưới, cũng là lúc những cánh đồng lúa ở Ninh Phú chín vàng ươm. Mẹ anh từng dự tính là tiệc bên nhà trai sẽ đãi ở sân trước nhà, nơi phía trước là đồng lúa chín vàng và cả hàng hoa giấy được mùa nắng nên đỏ rực đẹp như trong phim ảnh. Mẹ anh giải thích phong tục quê, khách đến ăn tiệc, luôn có một gói quà đem về cho cháu nhỏ là mấy cái bánh ít và bánh phu thê. Thực đơn mẹ anh cũng soạn ra và cả xóm sẽ tới phụ nấu chứ không đặt nhà hàng, vì ở nhà nấu món ăn càng tươi ngon.

*

* *

Những cánh đồng lúa Ninh Phú đang cúi rạp với những hạt lúa vàng. Trên bầu trời mây trắng dịu dàng bay giữa trong xanh. Dường như lũ chim đang lao xao vì chúng không phân biệt được những hình nộm bù nhìn để ở giữa cánh đồng và con người. Lúc đầu chúng nghịch ngợm bay đậu lên chiếc nón lá của bù nhìn, mãi không thấy bị đuổi đi, thế là chúng sà xuống cánh đồng. Còn tôi thì đang đi trên chiếc xe ngựa cùng anh về nhà anh trong ngày hôn lễ. Trên xe chỉ có hai chúng tôi, không có người khác do phải hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch bệnh. Ven đường những bông hoa xuyến chi như ngoái nhìn theo lễ rước dâu kỳ lạ.

Năm ngoái, khi dịch bệnh vừa xuất hiện, Huân hẹn tôi sang năm. Năm nay thiệp đã gởi, tất cả đã sẵn sàng nhưng cũng không thể nào tổ chức tiệc như mẹ anh trù tính được. Lúc còn giãn cách xã hội, nhà anh và nhà tôi cách khoảng 30 cây số mà trở nên xa vời vợi bởi rất nhiều chốt phòng, chống dịch bệnh. Nhớ nhau cũng chỉ gọi nhau và nhìn nhau qua điện thoại.

Anh giữ lời hứa đưa tôi về nhà trên chiếc xe ngựa đi qua mùa lúa chín ngay khi nới lỏng giãn cách xã hội. Chỉ có tôi và anh. Những tấm thiệp mời gởi đi giờ được người thân, bạn bè giữ thành kỷ niệm. Còn tình yêu hai đứa thì chẳng có gì thay đổi, cũng như lúa trên đồng đến mùa cứ chín vàng, dịch bệnh chẳng thể nào ngăn trở.

Buổi sáng sau ngày hôn lễ, vẫn là bầu trời có nhiều mây. Tôi ngồi ở nhà anh nhìn ra con đường vắng, tiếng người cười nói như cũng vắng. Ngoài kia, lúa đang chín, mùi thơm lúa tỏa vào tận trong này. Chắc chắn rồi chúng tôi sẽ còn nhiều mùa lúa chín
bên nhau.

Chia sẻ bài viết