25/02/2009 - 08:20

Phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đề xuất nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan lên 75 năm và cho ý kiến dự thảo Luật người cao tuổi

Chiều 24-7, phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII tiếp tục chương trình làm việc dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Sở hữu trí tuệ cũng tồn tại những hạn chế cần sớm có sự sửa đổi, bổ sung. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này phải kế thừa những quy định của pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, bảo đảm phù hợp với các quy định phổ cập của pháp luật quốc tế, có tính đến những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến xung quanh 4 vấn đề chính là: giới hạn quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và vai trò của cơ quan Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung luật; theo đó, việc sửa đổi phải vừa đáp ứng được yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ, công chúng thụ hưởng và Nhà nước. Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, theo dự thảo Luật là 75 năm thay cho quy định hiện hành là 50 năm. Theo bà Trương Thị Mai, cần cân nhắc thêm việc nâng thời hạn, nếu kéo dài như vậy thì bảo đảm quyền của chủ sở hữu nhưng liệu có ảnh hưởng đến sở hữu chung của công chúng thụ hưởng. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi lại nêu ý kiến, nếu không có lý do gì thì nên nâng thời hạn bảo hộ lên 75 năm để thống nhất với thông lệ quốc tế. Về hoạt động giám định trong sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình băn khoăn có nên để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng này không, cần nghiên cứu lại để tránh chồng chéo. Góp ý vào nội dung này, đa số các đại biểu nhất trí không nên giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước mà giao cho một cơ quan có tính độc lập để đảm bảo khách quan.

* Trước đó, sáng 24-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Người cao tuổi, tập trung vào các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh; giảm giá một số dịch vụ cho người cao tuổi; hệ thống tổ chức và vị trí của Hội người cao tuổi Việt Nam trong hệ thống chính trị.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 32 điều. Cho ý kiến vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đa số Ủy viên đồng tình với điều 2 của Luật xác định người cao tuổi là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các Ủy viên cũng cho rằng, nếu quy định như vậy người nước ngoài từ tuổi 60 trở lên sinh sống tại Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng đây là vấn đề cần được cân nhắc và cần thống kê được số lượng người nước ngoài cao tuổi đang sinh sống tại Việt Nam là bao nhiêu. Nếu đưa người nước ngoài cao tuổi vào điều chỉnh trong Luật thì nên lựa chọn một số nội dung quy định để áp dụng.

Các Ủy viên Ủy ban đều nhất trí cho rằng Hội Người cao tuổi là tổ chức xã hội, không nên quy định trong dự thảo Luật về hệ thống tổ chức Hội mà nên quy định trong điều lệ Hội và cho nhiều ý kiến vào các vấn đề khác như hỗ trợ kinh phí hỏa táng khi người cao tuổi chết, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

THU HƯƠNG - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết