10/07/2012 - 09:15

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Đề xuất chính sách gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL

* Kiến nghị điều chỉnh mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh trên tôm nước lợ

(CT)- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNNT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo số 2018/BC-BNN-TCTS “Về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra và đề xuất một số chính sách cấp bách hỗ trợ phát triển sản xuất cá tra”.

Theo đó, thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh, thực hiện nghiêm quy hoạch về vùng nuôi. Trong năm 2012, ổn định diện tích nuôi khoảng 5.500-6.000ha, với sản lượng từ 1,2-1,25 triệu tấn cá tra; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng từ đầu vào đến đầu ra. Ngoài ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cần thường xuyên thông tin về thị trường, giá xuất khẩu; kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận thương mại, bán phá giá... Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi cá tra về vốn: thực hiện tái cơ cấu nợ, giãn nợ, cho vay mới để người nuôi duy trì sản xuất và doanh nghiệp tăng cường thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu... Bộ Tài chính xem xét tăng cung cấp tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra.

* Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh trên tôm nước lợ từ 3-5 triệu đồng/ha, tương đương 2% tổng thiệt hại là quá thấp so với thực tế. Vì vậy, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh tăng mức hỗ trợ lên 20 triệu đồng/ha, tương đương 10% tổng thiệt hại. Đồng thời, xin chủ trương tăng cường vốn đầu tư và vận động thêm vốn ODA để xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung, thâm canh. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính triển khai mở rộng áp dụng bảo hiểm nuôi tôm ở tất cả các tỉnh ven biển để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh trong nuôi tôm.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết