23/10/2010 - 08:16

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XII

Đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2011

* Tăng cường các biện pháp kiểm soát sử dụng ngân sách nhà nước

Sáng 22-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011.

Ý kiến của nhiều đại biểu thảo luận bày tỏ quan điểm tán thành với mục tiêu tổng quát trong năm 2011 do Chính phủ đề xuất, đó là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; trên cơ sở đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) tán thành với một số giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ như triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện cán cân thanh toán, tập trung vào đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7% trên cơ sở điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường... Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ một số nội dung như: nhập siêu còn cao so với điều kiện kinh tế Việt Nam, vấn đề khống chế lạm phát... Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ cho rằng mục tiêu quan trọng trong năm 2011 là phải ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung kiểm soát cho được lạm phát, “Chúng ta cần chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu hơn là chiều ngang” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) tâm đắc với đề xuất của Chính phủ về việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế tác có giá trị tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu để có cơ cấu kinh tế hợp lý tập trung vào năng suất và chất lượng; lộ trình và các bước triển khai tái cấu trúc nền kinh tế cần chuẩn bị kỹ lưỡng...

Bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Bùi Duy Nhâm (Hà Nội) đề nghị tiếp tục đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh vùng sâu, vùng xa; các công trình quốc gia cần đầu tư tập trung vào các vùng còn nhiều khó khăn, giúp giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, nông thôn với thành thị... Đại biểu đề xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đã có.

Nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục đầu tư xây dựng nguồn nhân lực coi đây là khâu then chốt để có sự phát triển nhanh và bền vững. Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hoa nêu thực trạng việc ồ ạt “mọc” ra các trường đại học nhưng chất lượng “không ổn” vì điểm tuyển dụng đầu vào quá thấp. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại vấn đề này và đặt câu hỏi liệu đó có phải là lãng phí nguồn lực cho xã hội hay không? Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng một trong những giải pháp để thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm 2011 đó là phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần chuyển mạnh đào tạo theo nhu cầu của người sử dụng và đáp ứng đòi hỏi của xã hội...

Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề được nhiều đại biểu đánh giá là khâu quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong năm 2011, đại biểu Nguyệt Hường khẳng định đó “là con đường ngắn nhất để phát triển”. Đại biểu Bùi Duy Nhâm đề nghị cải cách thủ tục hành chính cần được thực hiện khẩn trương và quyết liệt hơn, tạo nền hành chính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề xuất trao thêm quyền đồng thời với trách nhiệm cho người đứng đầu. Đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) nhận xét những năm gần đây nước ta tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đây là một nội dung quan trọng nhưng chưa đủ. Theo đại biểu, hoạt động của cán bộ nhà nước trong thực thi nhiệm vụ đối với nhân dân chưa được xem xét và có biện pháp nâng cao nên vẫn tồn tại những hiện tượng cửa quyền, sách nhiễu người dân của một số cán bộ công quyền. Đây là một thực tế đang diễn ra và cần có biện pháp để xây dựng nền hành chính, công vụ hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, nhạy bén, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Nhiều đại biểu đã đề cập thực tế thiếu điện nghiêm trọng thời gian vừa qua. Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ bày tỏ lo lắng về việc thiếu điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Đại biểu đề xuất nghiên cứu lại cơ chế quản lý cũng như vấn đề giá điện để việc sử dụng điện năng được hiệu quả hơn.

* Chiều 22-10, thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011, các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tăng cường biện pháp kiểm soát việc chi tiêu, sử dụng ngân sách đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Tại tổ Hà Nội, băn khoăn về thực trạng của vấn đề nợ công, đại biểu Đặng Văn Khanh cho rằng, Chính phủ phải kiềm tỏa chỉ số này trên tinh thần những khoản vay cần thiết phục vụ phát triển kinh tế thì ưu tiên giải quyết còn đối với những khoản vay phục vụ tiêu dùng thì phải kiên quyết xem xét, loại bỏ. Chính phủ cũng phải tăng cường hơn nữa các biện pháp hữu hiệu hơn, hiệu quả hơn trong quản lý vấn đề này, đại biểu Khanh đề nghị. Xung quanh việc phân bổ NSNN cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Khanh kiến nghị Chính phủ nên rà soát danh mục các chương trình này để tập trung vào những chương trình thực sự cần thiết cho nền kinh tế, đồng thời có hình thức cắt giảm phù hợp đối với những hạng mục không thực sự hiệu quả. Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị, vốn NSNN cấp cho các chương trình mục tiêu quốc gia nên tập trung cho hai nội dung lớn là ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo công bằng xã hội, bình đẳng giới, trong đó có các chương trình bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, an sinh xã hội để tránh lãng phí trong việc sử dụng ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường thì đề nghị, để sử dụng NSNN một cách hiệu quả nhất trong các công trình này, nên tập trung vốn cho các công trình sắp hoàn thành, nhất là những công trình liên quan đến vấn đề biên giới, hải đảo, hỗ trợ hộ nghèo.

Tại tổ TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm về vấn đề phân bổ ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Quốc hội nên hoàn thiện Luật Ngân sách, chuyển hóa thành Luật Ngân sách hàng năm thì hiệu quả của đạo luật này sẽ cao hơn. Theo ý tưởng của đại biểu Trần Du Lịch, tại kỳ họp đầu năm, Quốc hội quyết mục tiêu ngân sách cho năm tiếp theo có tính tới các yếu tố tập trung cho phát triển vùng, miền, lĩnh vực. Trên tinh thần đó, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện văn bản phân bổ ngân sách để đến cuối năm Quốc hội bàn thảo, quyết định. Trong đó, sắp xếp sử dụng ngân sách theo thứ tự ưu tiên, lĩnh vực, hạng mục làm trước, hạng mục làm sau.

Về việc xử lý tăng thu ngân sách, đại biểu Phạm Phương Thảo đề nghị, đối với những tỉnh, thành phố tăng thu thì Quốc hội nên quy định thưởng 100% cho các địa phương này để sử dụng làm kinh phí đầu tư xử lý các vấn đề bức xúc của địa phương. Đồng thời, Chính phủ cũng cần ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn ODA để xử lý những vấn đề nóng, đơn cử như vấn nạn kẹt xe ở TP Hồ Chí Minh, các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông...

QUỲNH HOA- QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết