23/05/2016 - 21:39

Để TP Cần Thơ thích ứng mạnh mẽ hơn với biến đổi khí hậu

 

Từ năm 2010, TP Cần Thơ tiến hành xây dựng kế hoạch hành động thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Tháng 5-2015, UBND TP Cần Thơ có Quyết định 1334/QĐ-UBND về phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2030" với nội dung "Để TP Cần Thơ mạnh mẽ và thích ứng hơn".
Để thực hiện kế hoạch này, trao đổi với Báo Cần Thơ, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác BĐKH Cần Thơ, cho biết:

- Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2030 do cộng đồng địa phương, chính quyền các cấp, các sở, ngành của thành phố và các nhà tư vấn, viện, trường, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng xây dựng. Mục tiêu là để bảo vệ TP Cần Thơ trước các nguy cơ của tương lai và đảm bảo xây dựng nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường khu vực. Nhìn chung, kế hoạch tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên, như: bảo vệ tính mạng và sức khỏe, bảo đảm sinh kế và nâng cao đời sống người dân. Kế hoạch hành động ứng phó này mang tính dài hạn, không hối tiếc và mang tính toàn vùng; với mong muốn vừa thích ứng tốt với BĐKH, vừa củng cố các hoạt động xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được. Kế hoạch là kết quả làm việc của nhiều bên liên quan, qua đó, UBND TP Cần Thơ một lần nữa đã chọn việc chủ động ứng phó một cách khoa học, thực tiễn và toàn diện, thay vì bị động đối với các nguy cơ. Vì thế, kế hoạch có thể được bổ sung, chỉnh sửa theo tình hình thực tế sau này.

* Những nguy cơ trong tương lai do BĐKH đã, đang và sẽ xảy ra đối với TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL và nó sẽ có tác động như thế nào đối với cộng đồng, thưa ông?

- Trước tiên, đó là sự thay đổi của nhiệt độ. Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, trong khi nhiệt độ cao nhất (vào ban ngày) chưa thấy khuynh hướng gia tăng, thì nhiệt độ thấp nhất, vào ban đêm, có khuynh hướng gia tăng cao 1,5OC đưa đến kết quả nhiệt độ không khí trung bình gia tăng khoảng 0,7OC. Số liệu thực tế thống kê và số liệu mô hình dự báo đều cho thấy, nhiệt độ trung bình của không khí tăng cao trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều này gây bất lợi cho sức khỏe cộng đồng và làm giảm năng suất cây trồng nếu mức tăng nhiệt bị quá ngưỡng. Nhiệt độ tăng, nhất là nhiệt độ ban đêm tăng gây khó ngủ, khó hồi phục sức khỏe làm gia tăng sức ép về nhiệt đối với cơ thể con người…

Kế đến là lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Như chúng ta đã biết, TP Cần Thơ và cả một số địa phương vùng ĐBSCL có mùa khô đầu năm và mùa lũ – hay còn gọi là mùa nước nổi cuối năm. Việc phân định 2 mùa rõ rệt trong năm này giúp hệ sinh thái vùng ĐBSCL được tuần hoàn, tự làm sạch và cùng phát triển. Con người thích ứng trong bối cảnh này phát triển cây trồng, vật nuôi, phát triển thủy sản…từ đó phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng gần đây, như một quy luật, cách 10 năm lại xảy ra một trận lụt lớn và từ 5-6 năm lại xảy ra một đợt khô hạn kéo dài. Đặc biệt là tình trạng khô hạn ngày càng diễn biến phức tạp và nặng nề hơn. Điển hình như khô hạn, xâm nhập mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua xảy ra vào mùa khô năm 2015-2016 gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho cả vùng ĐBSCL… Hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt như là "cặp bài trùng" đi song song với nhau. Những hiện tượng này, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thường xuyên, tạo thành vấn đề lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến TP Cần Thơ và cả ĐBSCL trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện tượng giông lốc, tình trạng sạt lở bờ sông… phát triển khá mạnh trong những năm gần đây gây hại lớn về tài sản, thậm chí cả tính mạng của con người.

* Đâu là những yếu tố chủ quan khiến BĐKH diễn biến ngày càng nhanh hơn, thưa ông?

- Những hiện tượng thời tiết cực đoan trên có thể nói là do khách quan. Nhưng, BĐKH diễn biến ngày càng theo chiều hướng xấu cũng do một phần chủ quan của con người. Đó chính là việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn đã làm hạn chế và thay đổi dòng chảy sông Mekong. Quan trọng nhất là thay đổi chế độ dòng chảy khiến lượng phù sa giảm bớt đi. Theo quan điểm cá nhân tôi, tác động dinh dưỡng của phù sa không quan trọng bằng tác động bồi đắp nền đất của nó cho vùng châu thổ Cửu Long. Chính tác động bồi đắp của phù sa giúp vùng châu thổ này nổi lên so với mặt nước biển. Nếu lượng phù sa không về nhiều, khả năng ĐBSCL bị nhấn chìm trong tương lai là rất lớn. Đó là vấn đề ở các nước thượng nguồn. Còn vấn đề lớn hơn chính là con người, những năm qua, cư dân ĐBSCL khai thác nước ngầm quá nhiều. Việc sử dụng nước ngầm nhiều, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, khiến cho ĐBSCL bị sụt lún 1-2cm. Nhưng, nên nhớ rằng, tác động của BĐKH khiến nước biển dâng chỉ khoản 4mm mỗi năm. Vấn đề ở đây là chúng ta đã và đang nhấn chìm chính chúng ta gấp 3-4 lần nước biển dâng do BĐKH.

Nền kinh tế TP Cần Thơ nói chung và cả ĐBSCL chưa phát triển, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; trình độ chung của cộng đồng, nhất là trình độ về tự nhiên còn rất nhiều hạn chế… cũng sẽ là những thách thức lớn đối với khả năng ứng phó với BĐKH trong tương lai.

* Như vậy, yếu tố do tác động của BĐKH nào mà cư dân TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL cần đặc biệt lưu ý trong ứng phó và thích ứng, thưa ông?

- Chúng ta đều chắc chắn BĐKH đang và sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta. Theo cơ quan ứng phó BĐKH toàn cầu, lưu vực sông Mekong từ nay đến năm 2100 mưa sẽ không tăng, thậm chí là giảm. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới, hạn hán sẽ là vấn đề lớn đối với chúng ta. Nhưng không ai biết chính xác các nguy cơ khí hậu-thủy văn sẽ xuất hiện trong những ngày tới ra sao, mạnh yếu như thế nào và xảy ra lúc nào. Mặc dù mô phỏng chung của ngành chức năng là hạn hán nhưng cũng sẽ có những năm khả năng xảy ra lũ lụt lớn. Chính vì vậy, để ứng phó với BĐKH trong thời gian tới phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Nghĩa là, thích ứng BĐKH sẽ bao gồm tất cả các hoạt động công trình và phi công trình nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm thiểu tác động, trên cơ sở áp dụng tính toán chi phí lợi ích có quan tâm đến môi trường và nguyên tắc không hối tiếc.

* Vậy giải pháp công trình và phi công trình ứng phó với BĐKH trong thời gian tới ra sao?

- Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp phi công trình phải được đặt lên hàng đầu. Đó là: Phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, của người dân và cả đội ngũ cán bộ. Làm sao để người dân và cán bộ hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu rõ BĐKH là gì và nó tác động như thế nào đối với TP Cần Thơ và cả ĐBSCL. Bởi, hiện nay, có một tâm lý hời hợt đáng lo ngại của cộng đồng, và thậm chí của các nhà khoa học(!), là: Ai cũng nghĩ mình biết về ĐBSCL, biết BĐKH là gì. Nhưng thực chất, phần lớn những kiến thức đó chỉ mới là bề nổi của vấn đề. Đối với công tác ứng phó BĐKH cần nên tránh. Khi hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu rõ về BĐKH về những chiều hướng diễn biến cụ thể xảy ra mới thực hiện các giải pháp công trình. Có làm như vậy, các giải pháp về công trình mới thật sự đáp ứng mong muốn. Còn cách làm xây dựng công trình như từ trước đến nay, chưa thật sự hợp lý… Và dĩ nhiên, còn nhiều giải pháp khác chúng tôi có đề cập trong "Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2030", như: thay đổi cơ chế, vấn đề huy động vốn…

* Cộng đồng dân cư thích ứng với BĐKH là một trong những mục tiêu quan trọng. Như vậy, tiếng nói của cộng đồng dân cư trong "Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2030" được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Phương pháp xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của TP Cần Thơ là dựa vào cộng đồng kết hợp với các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và có sự phê chuẩn của UBND thành phố để xây dựng nên một chiến lược ứng phó rõ ràng. Ý kiến của cộng đồng, nhất là những vùng đã bị thiên tai được nhóm làm việc là các chuyên viên từ các sở, ngành chức năng của thành phố tập hợp mức độ tác hại của BĐKH ở hiện tại và tương lai. Nghĩa là, cộng đồng địa phương phát hiện vấn đề, mô phỏng, xác định và đề ra các giải pháp giải quyết các vấn đề trong tương lai. Tuy nhiên, trình độ của người dân trong cộng đồng khác nhau, chính vì vậy, có thể có những ý kiến có thể đúng ở khía cạnh này, nhưng lại chưa đầy đủ, chưa chính xác ở khía cạnh khác. Vì vậy, các giải pháp đưa ra, được chắt lọc bằng các ý kiến của nhà khoa học, nhà chuyên môn để đưa ra những khả năng có thể xảy ra nhiều nhất và những giải pháp khả thi nhất… Cách làm này, giải quyết ngay những vấn đề của địa phương, từng bước phân kỳ thực hiện ít tốn kém nhưng hiệu quả; quan trọng hơn là được sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.

* Theo ông, chính quyền, người dân cần làm gì để TP Cần Thơ mạnh mẽ và thích ứng hơn với BĐKH như kỳ vọng?

- Từ nay đến 5 năm tới, TP Cần Thơ phải xây dựng được cơ sở dữ liệu về thiên tai, khí tượng thủy văn, kinh tế - xã hội… cho thành phố và cả khu vực ĐBSCL. Song song đó, phải biên soạn những tài liệu sát hợp với thực tế về nâng cao sức mạnh cho người dân, cho cộng đồng, gồm: khoa học BĐKH của TP Cần Thơ và cả ĐBSCL, mối tương quan giữa TP Cần Thơ với ĐBSCL và các khu vực khác trên thế giới về BĐKH, về khí tượng thủy văn… Các tài liệu này cũng đề cập đến những khả năng thành phố và cả vùng ĐBSCL có thể đương đầu, như: sụt lún, hạn, lũ… xảy ra ở đâu, thời điểm nào với mức độ như thế nào… Đồng thời, đề cập các khuyến cáo, giải pháp nhằm tăng tính thích ứng, tính chống chịu của người dân, địa phương với từng khả năng có thể xảy ra. Để trên cơ sở này, mỗi địa phương, mỗi vùng đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Trên hết là có chương trình ứng phó cho cả ĐBSCL, mỗi địa phương có cách ứng phó riêng nhưng phải phù hợp với chương trình này. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình phải do người dân, chính quyền địa phương phối hợp cùng các nhà khoa học, nhà chuyên môn xây dựng thì mới sát hợp thực tiễn và triển khai đạt hiệu quả cao.

* Xin cảm ơn ông!

THANH LONG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết