23/02/2017 - 20:02

Để nông nghiệp ĐBSCL vượt qua thách thức

Bài cuối: Nỗ lực vì một ĐBSCL phát triển

Hiện nay, các địa phương ĐBSCL đã liên kết, phối hợp tốt với nhau để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Đây là xu hướng tất yếu để hướng tới sự phát triển bền vững.

Khởi động dự án chống chịu BĐKH

  Thời gian qua, Nhà nước đã tăng cường đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Nạo vét kênh thủy lợi tạo nguồn tại TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

Cuối năm 2016, Bộ NN&PTNT đã khởi động Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Dự án này do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có tổng mức đầu tư hơn 384,9 triệu USD (tương đương hơn 8.577,3 tỉ đồng); trong đó vốn vay 310 triệu USD, vốn đối ứng hơn 72,54 triệu USD và còn lại là vốn tư nhân hơn 2,43 triệu USD. Dự án được triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2022 tại 9 tỉnh ĐBSCL, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau Và Kiên Giang. Dự án nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại khu vực ĐBSCL.

Bài 1: Tác động kép của biến đổi khí hậu

Bài 2: Lúng túng trong phát triển nông nghiệp bền vững

Bài 3: Biến thách thức thành cơ hội

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, cho rằng: "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL" là dự án được sự chỉ đạo của Chính phủ, được xây dựng tầm nhìn từ kế hoạch châu thổ ĐBSCL do các chuyên gia Hà Lan hỗ trợ. Nội dung của dự án được Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh ĐBSCL, các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất. Đây là dự án tiên phong, có tính hệ thống đầu tiên để thực hiện kế hoạch châu thổ ĐBSCL. Dự án với các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH và tác động của phát triển thượng nguồn Mekong, đồng thời cũng là giải pháp giảm thiểu các tác động của phát triển, phục hồi hệ sinh thái, nhằm nâng cao đời sống của người dân". Đây là dự án khó khăn, vì đòi hỏi các giải pháp tổng hợp, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH; các giải pháp của tái cơ cấu nông nghiệp với liên kết sản xuất và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân. Để dự án triển khai thành công, cần có sự tham gia không chỉ từ các chuyên gia WB, cơ quan quản lý dự án mà còn cần sự chỉ đạo, tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan khoa học, các địa phương và người dân trong vùng dự án.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL triển khai trong vòng 6 năm tới rất thiết thực đối với ĐBSCL giai đoạn hiện nay, giúp cho ĐBSCL vững tin hơn trong quá trình ứng phó BĐKH và quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương trong vùng sẽ phối hợp hỗ trợ (nhất là trong công tác giám sát, đánh giá) và tạo điều kiện tốt nhất cho Ban Quản lý Dự án triển khai thực hiện dự án này đạt kết quả tốt nhất.

Hợp lực cùng phát triển

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đánh giá cao vai trò của Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Ông Nguyễn Hữu Lập cho biết thêm: "Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm cao trong quá trình triển khai dự án, đem lại lợi ích cho người dân, sinh kế bền vững cho nông dân vùng ĐBSCL". Dự án này Bến Tre có 2 tiểu dự án là: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế cho người dân huyện Thạnh Phú. Đây là 2 huyện nằm ven biển và chịu ảnh hưởng rất lớn của BĐKH và nước biển dâng.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào cuối tháng 11-2016, ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, chia sẻ: "Thời gian qua, Chính phủ Đức đã tham gia hợp tác đầu tư tại ĐBSCL thông qua các chương trình quản lý hạ tầng ven biển, quản lý nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ thiết bị y tế, thúc đẩy bình đẳng giới, hợp tác về giáo dục đào tạo. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Đức và Australia có chương trình liên kết hợp tác giữa 2 Chính phủ để hỗ trợ Việt Nam mà cụ thể là tại ĐBSCL". Theo ông Christian Berger, thông tin về những chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH, những thách thức vùng đang phải đối mặt và đề xuất những giải pháp để giải quyết những thách thức này sẽ là cơ sở để 2 Chính phủ xem xét đưa vào chương trình hỗ trợ. ĐBSCL muốn phát triển bền vững, cần kiểm soát dòng chảy trên các sông bằng nhiều giải pháp. Bởi lẽ, việc xây dựng các đập nước ở khu vực thượng nguồn sông MeKong sẽ tạo ra các tiền lệ và làm phát sinh nhiều vấn đề khác nhau. Do đó, cần hướng đến các hành động cụ thể như khai thác hợp lý tài nguyên nước, trồng lại rừng, duy trì dòng chảy ổn định… xem đây là những vấn đề lâu dài và phải thực hiện ngay từ bây giờ.

Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang và sẽ triển khai các công trình từ nguồn vốn trong nước, JICA, WB6, WB9… Các công trình vùng mặn như: các công trình dự án Bắc Bến Tre; hạ tầng công trình Cái Lớn Cái Bé, Ninh Quới. Vùng mặn, mặn lợ chú ý đến các công trình bảo vệ vườn cây ăn trái của Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang. Các công trình chuyển nước cho vùng ven biển như: Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Công trình kết nối các vùng: Cái Lớn, Cái Bé. Công trình vùng lũ như: hạ tầng cống ven sông Hậu, sông Tiền để kiểm soát nước luân phiên cho đồng bằng mùa kiệt, kiểm soát lũ cực hạn… Cùng với các giải pháp phi công trình trong xây dựng khung kế hoạch vận hành các hệ thống vùng lũ như: các đập tràn kiểm soát lũ biên giới, các hệ thống cống ven biển Tây, các cống và trạm bơm các ô bao, tiểu vùng. Vận hành các hệ thống vùng mặn, tích nước dự trữ trong hệ thống… để giảm thiểu các tác hại BĐKH và ổn định sản xuất nông nghiệp.

Từ diễn biến dòng chảy thượng nguồn sông MeKong, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá ảnh hưởng đến ĐBSCL, làm cơ sở dự báo xâm nhập mặn, thông báo cho các địa phương chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi lấy nước. Sản xuất nông nghiệp dựa trên khả năng nguồn nước: Trên cơ sở việc kiểm đếm nguồn nước thường xuyên, trước và trong vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng được bố trí phù hợp với điều kiện nguồn nước. Trong đó, các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ phải dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn. Giải pháp này đã được các địa phương thực hiện tương đối tốt, giúp giảm thiệt hại cho người dân và hướng đến giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp bền vững.

Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL bao gồm các tiểu dự án: nâng cao khả năng thoát lũ và thích ứng BĐKH cho vùng Tứ giác Long Xuyên (thực hiện tại tỉnh An Giang và Kiên Giang); tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (tỉnh An Giang); nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng BĐKH cho vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp). Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri; xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế cho người dân huyện Thạnh Phú (Bến Tre); kiểm soát nguồn nước vùng Nam Măng Thít, tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng BĐKH vùng Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm – rừng ở vùng ven biển tỉnh Cà Mau; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản ở huyện An Minh và An Biên (tỉnh Kiên Giang; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng sinh thái ở huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu…

Nhóm PV Kinh tế

Chia sẻ bài viết