17/01/2017 - 21:20

Để nơi giao thương lúa gạo miền Tây hoạt động hiệu quả hơn

Bài, ảnh: NGUYỄN TÂM

Nằm ở xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khu xay xát và lau bóng gạo Bà Đắc được xem là nơi giao thương lúa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL. Mỗi năm tại đây, các doanh nghiệp thu mua, xay xát và lau bóng gạo để cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế khoảng 2.500.000 tấn gạo các loại. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của nơi đây, huyện Cái Bè đã triển khai quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp An Thạnh 1.

Phương tiện vào bốc dỡ hàng tại chợ gạo Bà Đắc.

Nằm dọc theo tuyến giao thông huyết mạch đi miền Tây – quốc lộ 1A và cạnh nhánh sông Thông Lưu dẫn ra sông Tiền, khu xay xát và lau bóng gạo Bà Đắc lâu nay đã trở thành chợ đầu mối lương thực trong khu vực ĐBSCL. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cái Bè, khu vực này hiện có 120 doanh nghiệp kinh doanh thu mua, xay xát và lau bóng gạo. Hoạt động này góp phần giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho trên 700 lao động địa phương.

Hoạt động của chợ gạo Bà Đắc diễn ra nhộn nhịp suốt ngày. Trên bờ, lúc nào cũng có những chiếc xe tải nằm san sát, dọc theo quốc lộ để chờ lên hàng. Dưới sông, hàng chục chiếc tàu, ghe neo đậu để bốc dỡ và xuống hàng. Hầu hết các thương lái thu mua lúa gạo từ khắp nơi trong khu vực ĐBSCL tập trung về đây để xay xát, lau bóng gạo. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, các chủ doanh nghiệp luôn quan tâm mở rộng xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền công nghệ mới, phát triển mở rộng sản xuất và mở thêm lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, cho thuê kho bãi. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư kinh phí để số hóa sản xuất, thay đổi thiết bị đường truyền băng tải, silo chứa, cân điện tử, máy tách màu… giúp gia tăng nhanh sản lượng hàng hóa.

Theo UBND huyện Cái Bè, huyện đã triển khai quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp An Thạnh 1 với diện tích 11ha nằm ở xã Đông Hòa Hiệp, giáp sông An Cư (phía Đông), sông Thông Lưu (phía Nam) và quốc lộ 1 (phía Bắc) nhằm đáp ứng việc di dời các nhà máy xay xát, lau bóng gạo khu cầu Bà Đắc. Nhờ lợi thế cả đường thủy và đường bộ, gần với các vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh và ĐBSCL, tạo điều kiện thúc đẩy sự hình thành và phát triển cụm công nghiệp. Khu sản xuất kinh doanh có 32/44 lô đất làm nhà máy đã bàn giao cho doanh nghiệp. Đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng xong nhà máy và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo DNTN Thanh Hồng 3, có nhà máy xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu với quy mô 200 tấn ngày, vào cụm công nghiệp An Thạnh 1 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Không như trước kia, ngoài quốc lộ khá chật hẹp và tình hình giao thông khá phức tạp.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, cho biết: UBND huyện thường xuyên tổ chức gặp gỡ, nắm bắt các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó có các doanh nghiệp ở khu vực chợ gạo Bà Đắc. Qua đó, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng giải quyết dứt điểm các nội dung thuộc thẩm quyền của huyện, đồng thời kiến nghị ngành tỉnh giải quyết yêu cầu về điện, nước,… Cụ thể, huyện đã đầu tư hệ thống đường giao thông vào cụm công nghiệp và hệ thống thoát nước nội bộ trong cụm, ngành điện lực xây dựng thêm trạm biến áp nhằm đảm bảo nhu cầu cấp điện thường xuyên cho các cơ sở sản xuất. Được biết, UBND huyện Cái Bè đang kêu gọi đầu tư và phát triển xây dựng những cụm công nghiệp An Thạnh 2 nhằm tạo nền tảng cho việc khai thác tối đa tiềm năng công nghiệp xay xát, lau bóng gạo trên địa bàn huyện và trong khu vực. 

Chia sẻ bài viết