07/06/2016 - 21:16

ĐỂ DẠY NGHỀ GẮN VỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

 Điều tra: VĂN MỸ PHƯƠNG

Kỳ cuối: Tháo gỡ khó khăn để nâng cao chất lượng dạy nghề, giải quyết việc làm

Đề án ĐTN bắt đầu khởi động giai đoạn 2016-2020, kiên trì mục tiêu hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cũng như nhìn nhận và quyết tâm khắc phục hạn chế phát sinh, năm 2016, TP Cần Thơ quan tâm chỉ đạo các địa phương chú trọng sát sao việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, phát huy vai trò, trách nhiệm địa phương nỗ lực tìm giải pháp tạo việc làm, thu nhập cho học viên sau ĐTN, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả. Có như vậy, Đề án ĐTN mới có thể hoàn thành mục tiêu trang bị nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo…

Liên kết để giải quyết "đầu ra"

Học viên lớp ĐTN pha chế của quận Ninh Kiều “khoe” sản phẩm vừa thực hành. Ảnh: MỸ TÚ 

Có thể nói, huyện Vĩnh Thạnh sôi động và "được mùa" nhất trong triển khai Đề án ĐTN năm 2015-2016. Tháng 1-2016, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Thạnh và Nhà máy may Vinatex tổ chức khai giảng 7 lớp dạy nghề may công nghiệp cho trên 250 học viên. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của Nhà máy may Vinatex Cần Thơ, năm 2015, Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với các đơn vị chức năng mở 26 lớp may công nghiệp cho 825 lao động. Qua kết quả rà soát, thống kê có 353 lao động có nghề may trong huyện có nhu cầu làm việc tại Nhà máy may Vinatex Cần Thơ; các xã, thị trấn vận động khoảng 150 lao động ở lại địa phương làm việc tại đây. Ông Nguyễn Công Trứ, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Các lớp nghề may công nghiệp dạy theo chương trình, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của nhà máy. Nhà máy tham gia "trọn gói", từ khâu tuyển chọn độ tuổi; kiểm tra, sát hạch; hỗ trợ nguyên liệu học nghề... Đến nay, huyện cung ứng 1.538 lao động, đảm bảo đủ nguồn cho nhà máy". Thời gian gần đây, huyện quan tâm việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm thực tế của lao động, hạn chế tình trạng học nghề xong không có việc làm. Ngoài các lớp nghề may công nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân công Nhà máy may Vinatex Cần Thơ, các nghề đăng ký mở lớp như: đan đát, chăn nuôi, sửa chữa xe gắn máy, sửa chữa điện thoại di động…

Giai đoạn 2016-2020, huyện Thới Lai tăng cường thực hiện ký kết "ràng buộc" trách nhiệm 3 bên (địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp). Năm 2016, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai kết hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp nghề: may gia dụng, kỹ thuật xây dựng, sửa chữa xe gắn máy cho lao động các xã, mời doanh nghiệp đến ký kết thu nhận học viên sau đào tạo. Anh Nguyễn Văn Phường, ở ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai bày tỏ niềm vui: "Tham gia lớp nghề kỹ thuật xây dựng này, chúng tôi được nhận Chứng chỉ sơ cấp nghề, không còn là thợ "tay ngang" nữa mà từng bước cải thiện thu nhập và có thể vào làm ở các công trình xây dựng quy mô lớn". Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy, năm nay, quận tập trung ĐTN may ở các phường, ký kết hợp đồng đào tạo, cung ứng lao động cho các công ty may trên địa bàn. Ông Lê Quang Chính, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chánh, Chi nhánh Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ thương mại sản xuất Đại Thành Huy, (khu công nghiệp Trà Nóc), nói: "Công ty xác định rõ trách nhiệm tham gia ĐTN may công nghiệp và thu nhận học viên tại địa phương vào làm công nhân. Quá trình làm việc, công ty đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách theo luật định cũng như thu nhập đối với người lao động".

Thời gian qua, TTDN quận Thốt Nốt chú trọng mở các lớp nghề nông nghiệp gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu mở rộng kiến thức khoa học kỹ thuật của học viên. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm thu hoạch bận rộn của nông dân hay trùng với thời vụ sản xuất. Dựa trên quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, đơn vị xây dựng các mô hình trình diễn để học viên thuận tiện thực hành. Gắn việc giảng dạy của giáo viên có kinh nghiệm với việc lấy "nông dân dạy nông dân" như: mời Ban chủ nhiệm các HTX, chủ mô hình đạt hiệu quả cao trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm cho học viên; thường xuyên bổ sung và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo. Nhờ đó, học viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn và ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi... Ông Phan Thanh Liêm, Phó Trưởng phòng LЖTB&XH quận Thốt Nốt, nói: "Nét mới trong hoạt động dạy nghề của trung tâm là hướng vào đối tượng lao động tại chỗ, mở các lớp nghề tại địa phương, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp mở rộng sản xuất vùng nông thôn, vừa tham gia dạy nghề, vừa nhận lao động và bao tiêu sản phẩm. Các lớp nghề nông nghiệp ưu tiên mở tại các phường tập trung sản xuất rau an toàn như: Thạnh Hòa, Tân Lộc, Thới Thuận; các lớp nghề phi nông nghiệp mở tại các địa phương gần khu công nghiệp Thốt Nốt…, đáp ứng nhu cầu tạo việc làm tại chỗ".

Cộng đồng trách nhiệm

Đối với các lớp nghề nông nghiệp, mục tiêu hướng đến không chỉ tay nghề được nâng lên mà sau khi ứng dụng kiến thức vào sản xuất, nông sản làm ra phải ổn định tiêu thụ, nông dân có thu nhập, để duy trì nghề nghiệp. Sau khi phân tích cách thức tiêu thụ cũng như thuận lợi, khó khăn của nghề trồng nấm bào ngư, ông Huỳnh Hữu Thắng, ngụ ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, nói: "Từ thực tế này, muốn duy trì được nghề, phải có các điều kiện: Giá phôi nấm từ 3.500 đồng - 4.000 đồng trở xuống, tỷ lệ hao hụt ít và mỗi nhà phải trồng từ vài chục ngàn phôi mới đảm bảo sản lượng nấm đủ giao các đầu mối tiêu thụ lớn". Theo ông Thắng, không ngại việc tiêu thụ nấm bào ngư vì công ty nhận bao tiêu 100%. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ nấm của các nhà hàng, quán ăn khá lớn. Vì vậy, nếu giải quyết tốt các điều kiện trên thì mô hình trồng nấm bào ngư sẽ được vực dậy, đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, huyện Phong Điền từng có mô hình trồng nấm linh chi (theo Đề án phát triển nông nghiệp đô thị) phối hợp công ty cung cấp phôi giống bao tiêu sản phẩm nhưng vẫn không hiệu quả do công ty không giữ uy tín với bà con... Qua đó cho thấy, trách nhiệm các ngành trong liên kết chặt chẽ, cam kết rõ ràng trong cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm là rất cần thiết.

Khắc phục bất cập, hạn chế giai đoạn 2010-2014, bên cạnh lưu ý các địa phương không tổ chức dạy nghề cho lao động khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề; Ban chỉ đạo Đề án ĐTN các quận, huyện chịu trách nhiệm về hiệu quả sau ĐTN tại địa phương, thành phố bắt đầu chú trọng việc «ràng buộc » trách nhiệm 3 bên để đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm. Theo Ban chỉ đạo Đề án ĐTN huyện Cờ Đỏ, huyện đang duy trì 2 mô hình giải quyết việc làm: đan lục bình và may gia công đồng phục học sinh, giúp nhiều chị em có thu nhập ổn định. Đồng thời quan tâm việc chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đảm bảo nguồn hàng liên tục và giá gia công thỏa thuận. Ông Nguyễn Công Trứ cho biết: "Giai đoạn 2016-2020, huyện Vĩnh Thạnh tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp để có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi được đào tạo. Bên cạnh chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để ĐTN theo đơn đặt hàng, có địa chỉ "đầu ra", cần siết chặt quản lý, thanh tra, kiểm tra dạy nghề để kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục hạn chế". Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thới Lai, sắp tới, huyện tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền đoàn thể các địa phương trong nâng cao chất lượng khâu điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, phải sát hợp với nhu cầu ngành nghề, nguồn lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, việc ký kết hợp đồng 3 bên được chỉ đạo thực hiện các năm trước, song song với ĐTN theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, đồng bộ và thành phố thiếu hậu kiểm để kịp thời chấn chỉnh hạn chế, trong khi việc phân cấp quản lý còn lỏng lẻo. Hiện nay, ngoài việc chuẩn bị kế hoạch ĐTN "đón đầu", cung ứng nguồn lao động cho các dự án đầu tư vào thành phố, tháng 5-2016, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các mô hình ĐTN gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động nông thôn ở các quận, huyện, kịp thời tháo gỡ khó khăn để duy trì hoạt động cũng như có giải pháp hỗ trợ thành lập và nhân rộng mô hình mới tại địa phương. Ban chỉ đạo Đề án ĐTN các cấp cần quan tâm việc phân công thành viên quản lý, kiểm tra công tác ở cơ sở, không "khoán trắng" cho ngành LĐ-TB&XH, vì thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tất yếu khởi sắc, mang lại hiệu quả việc làm cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người lao động nhận thức việc tham gia học nghề vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ. Chương trình đào tạo cần phù hợp với từng mô hình, lồng ghép nội dung kiến thức về doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, kiến thức về Luật Lao động để người học biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Mặt khác, chấn chỉnh việc tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề trước khi có kế hoạch mở lớp nghề, hướng đến liên kết xây dựng mô hình, lựa chọn đối tượng phù hợp cũng như huy động nhiều doanh nghiệp tham gia mô hình có đủ năng lực và đảm bảo hợp tác lâu dài.

Với chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Đề án ĐTN, hy vọng công tác ĐTN gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của thành phố sẽ đạt hiệu quả khả quan hơn. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố đạt được mục tiêu dạy nghề cho khoảng 57.500 lao động, trong đó có 75% có việc làm với thu nhập ổn định, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Chia sẻ bài viết