04/08/2009 - 20:40

Ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco) TP Hồ Chí Minh:

Để có việc làm ổn định, thu nhập cao, người lao động phải có sức khỏe, giỏi nghề, thạo ngoại ngữ

 

Hiện nay, tiến độ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là đi xuất khẩu lao động – XKLĐ) rất chậm và đang chững lại ở hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ. Là một trong những doanh nghiệp XKLĐ ở TP Hồ Chí Minh, kết hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ tổ chức tư vấn, tuyển dụng và đưa nhiều lao động TP Cần Thơ đi XKLĐ trong thời gian qua, Công ty Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco) đang có kế hoạch chọn thị trường lao động, đơn hàng chất lượng, uy tín để mở ra cơ hội về việc làm, thu nhập cho lao động Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco), TP Hồ Chí Minh, cho biết:

- Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, từ 120.000 lao động Việt Nam làm việc ở Malaysia vào tháng 6-2008, đến thời điểm này (tháng 7-2009) chỉ còn khoảng 71.000 lao động. Ngoài lý do khách quan do khủng hoảng kinh tế, cũng có nhiều doanh nghiệp XKLĐ làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm; một số chủ sử dụng lao động tại Malaysia đối xử không tốt với người lao động, khi làm ăn thất bại đã tìm nhiều mánh khóe để hạ lương hoặc sa thải lao động. Trong khi đó, cũng có nhiều doanh nghiệp duy trì được việc làm cho người lao động, nên thời gian gần đây, vẫn có nhiều doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam tiếp tục đưa lao động đi làm việc tại Malaysia.

Gần đây, nạn trộm cắp, trấn lột, mất an ninh... có chiều hướng giảm mạnh vì Malaysia rất mạnh tay trong xử lý các vấn nạn này. Theo nhận xét của các chủ sử dụng, lao động Việt Nam thông minh và học nghề rất nhanh so với lao động các nước khác. Tuy nhiên, các đơn vị cũng bày tỏ quan ngại về việc lao động Việt Nam hay uống rượu và gây gổ làm mất an ninh tại các khu ký túc xá, khiến lao động Việt Nam mất dần uy tín.

Từ đầu năm đến nay, Công ty Suleco đã đưa gần 300 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Singapore và Bồ Đào Nha. Mặc dù vẫn có những hợp đồng chất lượng của thị trường Malaysia, nhưng không có nguồn lao động đăng ký nên số lao động đi làm việc ở thị trường này không đáng kể.

* Từ bài học của thị trường lao động ở Malaysia, công ty rút ra bài học kinh nghiệm gì?

- Hiện nay, kinh tế Malaysia đang hồi phục, các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng trở lại, ổn định sản xuất, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài đang gia tăng ở hầu hết các ngành nghề. Đây là cơ hội giúp lao động Việt Nam trở lại thị trường này. Những lao động trụ lại sau đợt cắt giảm lao động đều làm việc khá tốt, ổn định, thu nhập bình quân của lao động từ 800-1.000 RM/ tháng (1 RM tương đương 4.500 VNĐ) người giỏi nghề có thu nhập trên 1.500 RM/tháng. Mức thu nhập không cao so với vài thị trường khác, nhưng nếu cần cù, chi tiêu tiết kiệm, người lao động vẫn có thu nhập khá ổn định.

Người lao động hiện làm việc ở các nhóm ngành nghề điện tử, cơ khí, dịch vụ... có thu nhập khá cao và việc làm ổn định. Các lĩnh vực may mặc, xây dựng... thu nhập thấp hơn và thường dễ bị ảnh hưởng nếu có khó khăn về kinh tế. Qua thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp làm dịch vụ XKLĐ thẩm định kỹ hợp đồng trước khi ký kết và tuyển dụng lao động, chọn lựa đơn hàng và thị trường uy tín, chất lượng là hết sức hợp lý và cần thiết.

* Theo ông, hiện tại đâu là những khó khăn trong tuyển dụng người đi XKLĐ ở các thị trường?

- Hiện nay, mức lương của lao động Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với lao động các nước khác với ngành nghề giống nhau trên cùng một thị trường nhập khẩu lao động, trong khi chi phí môi giới phải trả lại cao hơn. Điều này chứng tỏ chất lượng lao động xuất khẩu Việt Nam nói chung còn thấp và sức cạnh tranh cũng còn kém hơn so với lao động các nước trong khu vực.

Hiện lao động Việt Nam tại Nhật Bản chỉ đứng sau Trung Quốc (chiếm 60% số tu nghiệp sinh tại Nhật). Thị trường Singapore thu nhập cao, môi trường tốt, chi phí vừa phải, nhưng yêu cầu của đối tác khá cao. Trong khi đó, yêu cầu quan trọng nhất là ngoại ngữ (tiếng Anh, ưu tiên biết thêm tiếng Hoa) thì rất ít người có khả năng đáp ứng được.

* Những đề xuất để khôi phục hoạt động XKLĐ là gì, thưa ông?

- Để khôi phục hoạt động XKLĐ, các địa phương nên đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đúng mức việc đào tạo cho người lao động trước khi đi XKLĐ về nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng. Ít nhất phải biết ngoại ngữ ở mức giao tiếp thông thường để hiểu người ta nói gì mới làm đúng, không vi phạm. Đào tạo nghề cần phải bài bản, chất lượng vì phải cạnh tranh với các nước khác cũng đang khai thác thị trường này. Thời gian giáo dục định hướng cần dài hơn, nội dung cần cụ thể, chi tiết, sinh động và dễ hiểu.

Việc đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng phổ biến ở các nước phát triển nên họ có nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao và giảm quy mô sử dụng lao động giản đơn, trình độ chuyên môn thấp. Vì vậy, cần tập trung vào việc đưa và khuyến khích chuyên gia và lao động kỹ thuật ra nước ngoài làm việc. Đồng thời, đa dạng hóa loại hình đào tạo lao động xuất khẩu, trên cơ sở huy động năng lực, cơ sở vật chất sẵn có của các trường dạy nghề và các tổ chức xã hội tại địa phương tham gia vào hoạt động dạy nghề cho người đi XKLĐ. Đồng thời, chú trọng các ngành nghề có lợi thế xuất khẩu mạnh và chuyên môn hóa cao như: Cơ – điện tử, điều dưỡng viên, công nghệ thông tin...

* Ông có thể cho biết về kế hoạch XKLĐ của công ty trong thời gian tới?

- Đối với Công ty Suleco, tuy vẫn duy trì được thị trường truyền thống là Nhật Bản, nhưng tốc độ tuyển mới và đưa người đi XKLĐ cũng giảm nhiều, chỉ bằng 1/2 so với các năm trước. Các thị trường nhiều triển vọng là Singapore và Bồ Đào Nha đều yêu cầu chất lượng cao về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, nên số lao động trúng tuyển thấp.

Định hướng lâu dài của Công ty Suleco là tập trung vào những thị trường có yêu cầu tiếp nhận lao động kỹ thuật và chuyên gia. Do đó, Công ty xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn để chuẩn bị nguồn lao động chất lượng bằng cách liên kết với các trường đại học, cao đẳng của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hiện nay, Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cung ứng cho các thị trường: Nhật Bản, Singapore, Bồ Đào Nha, Dubai (U.A.E) với đa dạng ngành nghề và tiêu chuẩn phù hợp.

* Xin cảm ơn ông.

ANH PHƯƠNG (Thực hiện)

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, hiện nay, TP Cần Thơ đang ký kết hợp tác với 10 công ty XKLĐ tại TP Hồ Chí Minh, tuyển dụng lao động sang các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Macau, Australia, New Zealand, Bồ Đào Nha, Singapore, Lybia, Malaysia, Hàn Quốc, Dubai, Ả Rập… với nhiều ngành nghề.  


Riêng Công ty Suleco đang có nhu cầu tuyển dụng lao động TP Cần Thơ đi XKLĐ, gồm các ngành nghề sau: Tu nghiệp sinh nam các ngành cơ khí (hàn, tiện, phay, bào) và kỹ sư cơ khí, điện tử (nam, nữ), làm việc ở các nhà máy chế tạo khuôn mẫu; Nhân viên quản lý nhà hàng thức ăn nhanh (nam, nữ); Công nhân hàn công nghiệp (nam), làm việc ở nhà máy lọc dầu; Nhân viên nhà hàng khách sạn (nam).

Hiện nay, có rất nhiều cơ hội việc làm ở các thị trường lao động nước ngoài với các tiêu chuẩn và điều kiện phù hợp với lao động TP Cần Thơ. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ học vấn, tay nghề hoặc ngoại ngữ, hoàn cảnh kinh tế nên đa số lao động thiếu tự tin, chưa mạnh dạn đăng ký. 7 tháng đầu năm 2009, TP Cần Thơ có 16 lao động đi làm việc ở nước ngoài…                                      

Chia sẻ bài viết