03/12/2015 - 21:24

ĐBSCL xây dựng chuỗi giá trị cây ăn trái

Mới đây, tại tỉnh Bến Tre hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh ĐBSCL tham dự hội nghị "Chuỗi giá trị trên cây ăn quả", do Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời, Hội làm vườn Việt Nam tổ chức; đồng thời chính thức khởi động đề án xây dựng chuỗi giá trị cây ăn trái theo hướng bền vững, an toàn, chất lượng.

TS Lê Quốc Điền, SOFRI, cho biết: Trong giai đoạn 1 năm 2015-2016 SOFRI sẽ phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời và chính quyền địa phương triển khai đề án tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long. Tại mỗi tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể và triển khai chi tiết các mô hình chuỗi giá trị trên cây bưởi da xanh với diện tích 100-120 ha. Giai đoạn 2 từ 2017 đến 2020 đề án sẽ mở rộng chuỗi giá trị trên một số cây trồng khác như xoài, thanh long, nhãn và các cây trồng khác theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT; phạm vi mở rộng tại các tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả trọng điểm gồm Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Cần Thơ. Các hoạt động chính của chuỗi giá trị cây ăn trái bao gồm tổ chức vùng nguyên liệu tập trung; chuyển giao kỹ thuật: Canh tác, bảo vệ dịch hại, thu hoạch, bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng phẩm chất, xây dựng thương hiệu; thu mua, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Bước khởi đầu chọn cây bưởi da xanh xây dựng chuỗi giá trị, do điểm nổi bật là giống trái ngon rất được thị trường ưa chuộng, luôn tiêu thụ với giá cao và chưa từng bị dội chợ, rớt giá. Riêng tỉnh Bến Tre hiện có diện tích vườn bưởi da xanh lớn nhất trong số các tỉnh vùng ĐBSCL.

Bưởi da xanh nổi tiếng với chất lượng ngon.
 

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, dẫn chứng: Giống bưởi da xanh có nhiều ưu điểm trái ngon vượt trội. Toàn tỉnh có 27.500 ha đất trồng cây ăn trái, sản lượng trên 330.000 tấn/năm. Riêng cây bưởi da xanh chiếm 20% diện tích và là một trong 5 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế phát triển kinh tế vườn của tỉnh. Bưởi da xanh là giống trái ngon có nguồn gốc ở xã Tân Thanh, huyện Mỏ Cày, được phát hiện qua các kỳ Hội thi trái ngon do SOFRI kết hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức hàng năm. Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh là 5.500 ha chiếm 20% diện tích cây ăn trái, trong đó diện tích cây đang cho trái 4.200 ha, trồng mới 128 ha và có hơn 46 ha được chứng nhận GAP; năng suất bình quân 11,4 tấn/ha, sản lượng 47.670 tấn. Nông dân trồng bưởi da xanh đạt bình quân thu nhập trên 400-500 triệu đồng/ha.

Hiện nay vùng ĐBSCL có vườn cây ăn trái hơn 288.500 ha, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn trái cả nước. Trong đó, diện tích trồng bưởi không ngừng tăng mạnh, hiện có 25.300 ha, sản lượng đạt khoảng 300.000 tấn/năm. Riêng giống bưởi da xanh đang được trồng nhiều, ở Tiền Giang có 3.800 ha, Hậu Giang 3.000 ha, Vĩnh Long phát triển vườn bưởi da xanh được vài trăm ha…

TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng SOFRI, nhận xét: Nước ta có thế mạnh lớn về cây ăn trái, trong đó ĐBSCL là địa bàn chủ lực. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là quy mô sản xuất của nông dân vẫn còn nhỏ lẻ, chưa liên kết được với doanh nghiệp, thu hoạch xong chỉ bán tại vườn; đóng gói, bảo quản còn lạc hậu nhiều so với thế giới. Từ đó khó kiểm soát được chất lượng, không truy xuất được nguồn gốc và khó nâng cao được thương hiệu của sản phẩm. Đề án này sẽ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cây ăn trái, gia tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

Qua kinh nghiệm thực hiện xây dựng chuỗi giá trị bền vững trên cây lúa, cà phê của Tập đoàn Lộc Trời cho thấy liên kết sản xuất với doanh nghiệp là điểm mấu chốt. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng: Hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng trái cây an toàn, chất lượng rất lớn. Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng trái cây an toàn, thông qua các mô hình thí điểm xây dựng chuỗi giá trị, Tập đoàn Lộc Trời sẽ phối hợp với các bên để bắt tay tổ chức vùng nguyên liệu bài bản, cử cán bộ kỹ thuật "3 Cùng" để kiểm soát việc thực hiện đúng qui trình canh tác tiên tiến, an toàn. Chúng tôi sẽ bố trí kinh phí tập trung trong việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu của các sản phẩm nông sản trước khi đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết