13/03/2021 - 16:41

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

ĐBSCL thích ứng “8G” để phát triển nhanh, bền vững 

(CTO) - Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP Cần Thơ ngày 13-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều hiệu quả, thành tựu qua 3 năm là kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc rất nặng nề mà các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL cần kết nối với các nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp để tìm giải pháp cho đồng bằng phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Trong đó, nguồn nhân lực, vật lực là yếu tố quan trọng, nhất là nhân lực trong quá trình thực hiện. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, các tỉnh, thành trong khu vực cần phải ưu tiên cho việc đào tạo con người...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

"Thời gian tới, ĐBSCL cần vận dụng “8G” trong thực hiện. Cơ quan thường trực thực hiện Nghị quyết 120 (Bộ Tài nguyên và môi trường) cần tiếp thu, bổ sung vào nghị quyết. Thứ nhất là “Giao”: Dành nguồn lực, tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương cho vùng. Thứ hai là “Giáo”: Giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững đối với ĐBSCL, vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Thứ ba là “Giang”: ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế người dân nơi đây đều gắn liền với sông. Chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế, phát huy vai trò của các dòng sông để phát triển nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản. Thứ tư là “Gắn”: Gắn kết giữa Trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với quốc tế, đặc biệt gắn với liên kết vùng ĐBSCL để phát triển bền vững. Thứ năm là “Giàu”: Tiếp tục thu hút người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Thứ 6 là “Giỏi”: Thu hút tài năng đến đóng góp chất xám, trí tuệ cho ĐBSCL; cần có diễn đàn trí thức ĐBSCL để quy tụ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học hàng đầu, có tấm lòng, sáng kiến về sự phát triển ĐBSCL. Thứ bảy là “Già”: Già hóa dân số và chính sách an sinh xã hội. ĐBSCL có mức độ già hóa cao hơn so với bình quân cả nước. Do đó, cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để phục vụ người già và người yếu thế. Thứ 8 là “Giới”: Thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm, phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Do đó, cần có chiến lược đảm bảo cơ hội cho lao động nữ được giáo dục, tiếp cận việc làm theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0, năng lực ứng phó BĐKH…" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Mô hình trồng rau áp dụng công nghệ cao phát triển, nhân rộng tại TP Cần Thơ.

Mô hình trồng rau áp dụng công nghệ cao phát triển, nhân rộng tại TP Cần Thơ.

Theo đánh giá của các bộ, ngành Trung ương, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp, đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên, chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng. Vùng ĐBSCL cũng đã tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị ĐBSCL cần phải xây dựng, thực hiện các dự án lớn, phát triển hạ tầng đa mục tiêu: giao thông, thủy lợi, thích ứng với BĐKH để tạo ra chuyển đổi quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, dự án ODA đã ký kết, tăng vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện Quỹ hỗ trợ phát triển ĐBSCL; cần có quy hoạch tổng thể về đất đai, tài nguyên nước, không gian biển theo 3 vùng kinh tế sinh thái; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, nuôi trồng biển, phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái biển; tăng cường hỗ trợ hợp tác quốc tế, thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực BĐKH và tài nguyên nước nhằm phát huy sự hỗ trợ, đầu tư của các đối tác phát triển để phát triển bền vững ĐBSCL.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nổi, ứng dụng công nghệ cao phát triển tại tỉnh Sóc Trăng.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nổi, ứng dụng công nghệ cao phát triển tại tỉnh Sóc Trăng.

Tin, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết