08/10/2021 - 11:26

ĐBSCL tái khởi động sản xuất kinh doanh bền vững 

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 làm kinh tế của cả nước nói chung và ÐBSCL chịu tác động nặng nề: tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường tăng kỷ lục, tình trạng thất nghiệp trở nên trầm trọng… Thực tế này buộc ÐBSCL phải nhanh chóng mở cửa, tái khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh để phục hồi nền kinh tế. Và vấn đề được các tỉnh, thành trong vùng đặc biệt quan tâm hiện nay là làm sao để mở cửa bền vững, tránh tình trạng “mở rồi lại đóng”; giải pháp giữ chân nhà đầu tư; phát huy các thế mạnh của vùng để đón cơ hội sản xuất, kinh doanh cuối năm…

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP BJ&T, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Bước chuyển kịp thời

Số liệu công bố tại hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ÐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” vừa diễn ra cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021 cả nước có 85.000 DN được thành lập mới trong khi số DN rút khỏi thị trường là trên 90.000 DN. Bình quân mỗi tháng có 10.000 DN rút khỏi thị trường gây bao hệ luỵ cho nền kinh tế. Và điều nghiêm trọng hơn, ngay cả các DN còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều DN “chết lâm sàng”. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% DN thiệt hại nặng nề. Phần lớn các DN nói rằng, họ khó có thể trụ thêm 3-6 tháng tới nếu tình hình không được cải thiện.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đánh giá: Lần đầu tiên trong lịch sử suốt 2 thập kỷ qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III-2021 ước tính âm đến 6,17%, so với quý III-2020. Vẫn biết rằng tăng trưởng âm một vài phần trăm là điều có thể xảy ra, nhưng âm tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TP Hồ Chí Minh và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể có số âm rất sâu tới 2 con số. Và GDP dự báo tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm. Rất may, với sự chuyển hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 2 tuần qua, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác… Và chúng ta đang đứng trước cơ hội “ngàn vàng” để có thể nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, để phục hồi kinh tế trong quí IV-2021 và năm 2022, Việt Nam phải mở cửa một cách bền vững, không thể quay lại giãn cách xã hội diện rộng như thời gian qua. Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Ðại học Fulbright Việt Nam, lưu ý: “Chúng ta cần tránh tình trạng “mở rồi lại đóng”, bởi như vậy chẳng những không phục hồi kinh tế được mà còn dẫn tới đổ vỡ nền kinh tế trong năm 2022. Nếu Việt Nam mở cửa từ đầu tháng 10-2021, có thể đến giữa tháng 10, nhiều DN đã quay lại sản xuất. Và như thế, dự báo tăng trưởng của quý IV-2021 có thể tăng 3,5% so với quý trước, cả năm 2021 có khả năng tăng trưởng được 2,1%. Nếu mở cửa ngập ngừng thì quý IV-2021 tăng trưởng thấp hơn 2%, kéo theo cả năm chỉ tăng trưởng được 1%. Trường hợp không mở cửa được, tức quý IV không tăng trưởng, đương nhiên cả năm 2021 sẽ có mức tăng trưởng âm”.

Để không lỡ nhịp...

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Thời điểm mở cửa lại là thời điểm DN phải thực sự tăng tốc sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi. Trong bối cảnh “bình thường mới” vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, do đó, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của DN sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn”.

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, nhiều nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng, trong khi đó các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động, tranh thủ các đơn hàng. Ðể không lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới, TS Vũ Tiến Lộc đề xuất: Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cần sớm ban hành cẩm nang, tài liệu hướng dẫn “Thích ứng (hay sống chung), an toàn với COVID-19” để xác lập kịch bản và các khuôn khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng DN. Ðây là một công cụ quan trọng để chúng ta có thể chủ động và kiên định chung sống an toàn với dịch bệnh, tránh lúc “đóng”, lúc “mở”; lúc “siết”, lúc “buông”; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo… Có cẩm nang rồi, địa phương không phải xin phép Trung ương, DN và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền, DN có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất. Mặt khác, nhà đầu tư, các chủ nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của DN Việt Nam.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế nước ta vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Ðặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong 9 tháng qua. Và đóng góp của ÐBSCL - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn. Ðể phát huy thế mạnh, vai trò trụ đỡ của ngành Nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Từ đây đến cuối năm là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản phục vụ dịp lễ Noel ở các nước phương Tây và Tết cổ truyền ở châu Á. Do đó, các bộ ngành hữu quan, địa phương cần nhanh chóng nắm bắt thông tin thị trường, xúc tiến thương lại để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng này. Về lâu dài, ÐBSCL phải chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể ứng phó với “3 biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, từ đó khẳng định vị thế, thương hiệu trên trường quốc tế.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết