08/04/2018 - 16:21

ĐBSCL đang hấp dẫn hơn 

Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 (PCI 2017) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ vừa công bố, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 7 địa phương tăng hạng, 2 địa phương giữ nguyên thứ hạng và 4 địa phương sụt hạng so với PCI 2016. Có thể thấy, sự nỗ lực của các địa phương trong vùng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được doanh nghiệp (DN) nhận định tích cực hơn trước đây. Kết quả PCI 2017, hai địa phương giữ vững thứ hạng cao là Đồng Tháp và Vĩnh Long; những địa phương tăng hạng gồm: Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, TP Cần Thơ, An Giang và Cà Mau; bốn địa phương sụt hạng là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang. So với cả nước, khu vực ĐBSCL có tỉnh Đồng Tháp nằm trong tốp Rất tốt; An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long nằm trong tốp Tốt; tốp Khá có TP Cần Thơ và Kiên Giang; còn lại thuộc nhóm Trung bình.

 Nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu đầu tư dự án đường nối quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu, tháng 10-2017.  Ảnh: minh huyền

 Các DN cảm nhận chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương đang tốt lên. Các địa phương ĐBSCL đã chủ động đối thoại, năng động trong hỗ trợ cho DN, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Theo đánh giá PCI 2017, trong tốp những tỉnh có sự cải thiện lớn nhất cả nước là Bạc Liêu của ĐBSCL; 2 tỉnh có cải thiện điểm số cao thì trong đó có Long An. Công tác cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà cho DN; minh bạch thông tin, lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết khó khăn cho DN; tiếp cận đất đai và phòng chống tham nhũng có những cải tiến nổi trội. Tỷ lệ phần trăm trung bình của DN khu vực ĐBSCL cho rằng các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh là 82% (Tính minh bạch); trung bình chỉ có 28% DN cho rằng DNNN thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai; trung bình có 72% DN cho rằng những vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại; trung bình có 90% DN nhận định lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của DN…

Mặc dù có những nhận định tích cực để các địa phương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian tới, nhưng cũng có nhiều lo ngại về sự cải thiện của chỉ số Chi phí không chính thức và Tính minh bạch. Trung bình có hơn 68% DN cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh (Tính minh bạch) và trung bình hơn 53% cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước cho DN là phổ biến, hơn 48% cho rằng phải chi trả chi phí không chính thức là điều kiện bắt buộc để trúng thầu (Chi phí không chính thức)… Do đó, các địa phương cần có những chiến lược tiếp cận mới để giải quyết những hạn chế này để củng cố niềm tin của DN đối với sự quyết tâm thay đổi. Trên thực tế niềm tin của DN vào sự cải cách của các địa phương vùng ĐBSCL đang gia tăng; nhiều DN có ý định mở rộng kinh doanh và đầu tư vào các địa phương trong thời gian tới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2018, vùng ĐBSCL có 2.067 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 19.644 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 26.304 lao động. So với cả nước, vùng ĐBSCL chiếm 7,7% về số doanh nghiệp thành lập mới và chiếm 7,1% về vốn đăng ký. Trong quý I-2018, vùng có 3 địa phương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và vùng hiện có 1.443 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 20,16 tỉ USD. Một số nhận định cho rằng, sự chuyển động theo chiều hướng tích cực của các địa phương vùng ĐBSCL trong hiện tại thì tới đây vùng sẽ có nhiều cơ hội để trở mình mạnh mẽ; số lượng DN, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn tới vùng kinh tế đầy hứa hẹn và tiềm năng này.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết