28/07/2010 - 22:09

ĐBSCL cần tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để thực hiện nhiều biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực phóng viên trong công tác thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu (BĐKH) và các biện pháp giảm thiểu tác hại thiên tai” cho phóng viên, biên tập viên báo, đài và các chuyên viên về báo chí xuất bản của các Sở Thông tin và Truyền thông khu vực phía Nam. Đợt tập huấn nhằm mục đích cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu và những phương pháp nhằm khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên trong công tác tuyên truyền về ứng phó với BĐKH. Dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Ngữ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, chuyên gia về khí hậu và BĐKH, xung quanh vấn đề về BĐKH và những ảnh hưởng của nó đến khu vực ĐBSCL.

* Xin Giáo sư cho biết, tình hình BĐKH hiện nay có những thay đổi gì so với trước? Những hiện tượng nào cần quan tâm nhất khi khí hậu bị biến đổi?

- Trong quá khứ, khí hậu trái đất đã nhiều lần biến đổi do tự nhiên. Những thời kỳ băng hà xen lẫn những thời kỳ ấm lên của trái đất đã từng xảy ra cách đây vài triệu năm. Thời kỳ băng hà cuối cùng xảy ra khoảng 18.000 năm trước Công nguyên. Trong thời kỳ này, băng bao phủ phần lớn Bắc Mỹ, Bắc Âu và Bắc Á. Mực nước biển trung bình thấp hơn hiện nay tới 120m. Thời kỳ băng hà này kết thúc khoảng 10.000-15.000 năm trước Công nguyên. Thời kỳ tiểu băng hà gần đây nhất , xảy ra ở châu Âu vào giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ thứ 19.

Biến đổi khí hậu hiện nay tiêu biểu là sự nóng lên toàn cầu bắt đầu xảy ra từ giữa thế kỷ 19. Trong khoảng hơn 100 năm qua (1906-2005) nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên 0,740C. Thập kỷ 1990 là thập kỷ nóng nhất trong thiên niên kỷ qua. Trong 11 năm (1995-2006) là những năm nóng nhất từ khi có số liệu đo bằng công cụ hiện đại. Do nóng lên toàn cầu, băng, tuyết của các vùng cực của trái đất và trên núi cao tan ra, nước của các đại dương ấm lên và giãn nở ra, làm mực nước biển trung bình toàn cầu dâng lên trung bình 0,17m trong thế kỷ 20. Các thiên tai như mưa lớn, bão, lũ lụt, lũ quét, nắng nóng, hạn hán, lốc xảy ra nhiều hơn, mạnh hơn, dị thường hơn. Số ngày lạnh, đêm lạnh, băng giá ít hơn. Hiện tượng El Nino xảy ra nhiều hơn, kéo dài và mạnh hơn. Ngập lụt, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn, sạt lở đất xảy ra nhiều và mạnh mẽ hơn trước... Đây là những ảnh hưởng do BĐKH gây ra. Các địa phương cần phải tập trung ứng phó và tìm giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

* Xin Giáo sư cho biết những nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến BĐKH?

- BĐKH có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng quan tâm và cần hạn chế là nguyên nhân do hoạt động của con người gây ra. Đó là sự tăng nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển dẫn đến tăng hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt quan trọng là khí điôxit cacbon (CO2) được tạo thành do sử dụng năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên...), phá rừng và chuyển đổi sử dụng chất thải vào khí quyển.

Theo báo cáo đánh giá lần thứ tư của Ban liên chính phủ của BĐKH (IPCC, 2007), hàm lượng khí CO2 trong khí quyển năm 2005 đã vượt xa mức tự nhiên trong khoảng 650.000 năm qua (180 – 280ppm) và đạt 379ppm (tăng gần 35%). Lượng phát thải khí CO2 từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tăng trung bình từ 6,4 tỉ tấn cacbon mỗi năm (trong những năm 1990) đến 7,2 tỉ tấn cacbon mỗi năm (trong thời kỳ 2000-2005). Trong việc đánh giá hiệu ứng của khí nhà kính, có hai vấn đề rất đáng lưu ý là hàm lượng khí mêtan (CH4) trong khí quyển đã tăng từ 715ppb (trong thời kỳ tiền công nghiệp) lên 1.732ppb trong những năm đầu thập kỷ 90 và đạt 1.774ppb năm 2005 (tăng gần 148%). Hàm lượng khí ôxit nitơ (N2O) trong khí quyển đã tăng từ 270ppb (trong thời kỳ tiền công nghiệp) lên 319ppb vào năm 2005 (tăng khoảng 18%). Các khí mêtan và ôxit nitơ tăng chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, đốt nguyên liệu hóa thạch, chôn lấp rác thải...

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phát thải 70-90% lượng CO2 vào khí quyển; năng lượng hóa thạch được sử dụng trong giao thông vận tải, chế tạo các thiết bị điện như: tủ lạnh, hệ thống điều hòa nóng lạnh và các ứng dụng khác; lượng phát thải CO2 tăng còn do hoạt động trong nông nghiệp và khai thác rừng (kể cả cháy rừng ), khai hoang và công nghiệp. Tóm lại, tiêu thụ năng lượng do đốt các nguyên liệu hóa thạch đóng góp khoảng một nửa (46%) vào tiềm năng nóng lên toàn cầu. Phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18% và hoạt động nông nghiệp tạo ra khoảng 9% tổng số các khí thải, gây ra lượng bức xạ cưỡng bức làm nóng lên toàn cầu... Đây là những nguyên nhân dẫn đến BĐKH do hoạt động của con người gây nên. Theo tôi, tất cả mọi người cần có ý thức bảo vệ và hạn chế các khí thải dẫn đến BĐKH để tránh gây ra những trận thiên tai nghiêm trọng.

Nhiều hộ dân tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ chịu cảnh “màn trời chiếu đất” do cơn lốc xoáy vào đầu tháng 5-2010 gây ra.
Trong ảnh: Bà con đang tìm giải pháp hỗ trợ nhau xây dựng nhà kiên cố phòng chống lốc xoáy.
Ảnh: H.V.

* Thưa Giáo sư, BĐKH có những ảnh hưởng cụ thể nào đối với khu vực ĐBSCL? Và trong tương lai những ảnh hưởng này có phát triển?

- ĐBSCL đang chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH toàn cầu. Đất đai bị bạc màu, đa dạng sinh học giảm mạnh. Diện tích đất bị xâm nhập mặn, đất bị khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 2,1 triệu héc-ta đất bị nhiễm mặn và trên 1,6 triệu héc-ta đất nhiễm phèn, khô hạn. Những biến đổi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp khu vực ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất của cả nước. Nhiệt độ không khí ở ĐBSCL cũng tăng cao và hạn hán bất thường, lũ lụt không theo qui luật, nhiều dịch bệnh mới hình thành... đang de dọa và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Theo khảo sát của các nhà chuyên môn thì hằng năm ĐBSCL có khoảng 37% diện tích luôn bị ngập lụt sâu vào mùa nước; cơ sở hạ tầng, chủ yếu là nhà dân, công trình chống sạt lở còn thấp... Do đó, hằng năm ĐBSCL thiệt hại nặng nề từ những vụ thiên tai như lũ lụt, bão, lốc xoáy, sạt ở đất do BĐKH gây ra. Nếu địa phương không kịp thời tăng cường các biện pháp ứng phó thì trong thời gian tới hậu quả thiệt hại từ thiên tai sẽ còn nặng nề hơn.

* Theo Giáo sư, các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần thực hiện những giải pháp gì để ứng phó với BĐKH?

- Đa dạng sinh học với nguồn tài nguyên sinh vật giàu có, hệ thống cảnh quan phong phú luôn là nền tảng của sự phát triển ĐBSCL và còn quan trọng hơn khi vùng kinh tế này chuyển mạnh sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, bảo tồn đa dạng sinh học ở ĐBSCL không chỉ là công việc của những nhà sinh học, bảo vệ môi trường mà còn là nhiệm vụ của mọi ngành, mọi tầng lớp. Đã đến lúc ĐBSCL phải chuyển từ khai thác phát triển sang bảo tồn để phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có chiến lược quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông. Cụ thể là thúc đẩy việc bảo vệ rừng, sử dụng hợp lý đất đai, củng cố và quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xóa đói giảm nghèo. Nhất thiết phải hình thành Khu Dự trữ sinh quyển ĐBSCL. Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực ĐBSCL phải được xây dựng theo nguyên tắc lồng ghép với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phục vụ phát triển bền vững, nâng cao phúc lợi con người phù hợp với đặc trưng các yếu tố tự nhiên của địa phương.

Để đối phó với tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn... bên cạnh những biện pháp ngăn mặn, nạo vét kênh mương thì việc bố trí lại cây trồng vật nuôi để phù hợp với điều kiện mới và hiệu chỉnh kỹ thuật canh tác là biện pháp hữu hiệu, linh hoạt, áp dụng nhanh, ít tốn kém mà người dân có thể tham gia. Các biện pháp bao gồm: Bố trí lại mùa vụ để né mặn; chọn giống kháng mặn; thay đổi hệ thống canh tác; trồng loại cây có nhu cầu nước ít; tăng cường khả năng kháng mặn cho cây; xây dựng công trình chống sạt lở...

Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai, BĐKH, các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để có đủ kinh nghiệm, công nghệ, kinh phí trong việc thực hiện.

* Xin cảm ơn giáo sư!

HÀ VĂN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết