19/06/2015 - 22:05

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ:

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu

Là một trong 5 thành phố lớn, TP Cần Thơ đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương, vùng miền trên cả nước cùng phát triển, đồng thời tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, cho biết:

 

- Với phương châm đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, theo hình thức xúc tiến đầu tư tại chỗ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, gặp gỡ, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư để phản ánh về các cơ quan có liên quan của TP Cần Thơ cũng như các bộ, ngành Trung ương, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) và chính quyền gần gũi nhau hơn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư TP Cần Thơ đến các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước, đeo bám các cơ hội giới thiệu môi trường đầu tư của Cần Thơ với các cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2015, Trung tâm phối hợp tổ chức đoàn đi xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác tại thị trường Nhật Bản (tháng 9). Chuyến đi này nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Cần Thơ và ĐBSCL; môi trường, chính sách đầu tư của thành phố; ký kết biên bản ghi nhớ, văn bản hợp tác phát triển toàn diện giữa Cần Thơ với các địa phương nước bạn về lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, du lịch. Đồng thời, học tập kinh nghiệm, mô hình sản xuất tiên tiến về nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện cho DN Cần Thơ và DN nước bạn có cơ hội kết nối giao thương, trao đổi nhu cầu đầu tư, kinh doanh. Ở trong nước, Trung tâm có kế hoạch thăm và làm việc với các tổ chức xúc tiến, hiệp hội DN, tổng lãnh sự quán các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước trong khối ASEAN tại TP Hồ Chí Minh nhằm tạo kênh thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ, giới thiệu của họ về thành phố đến các nhà đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư đến với thành phố, Trung tâm tham gia tiếp đón, cung cấp đầy đủ thông tin dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư và tổ chức hướng dẫn nhà đầu tư đi tham quan địa điểm quy hoạch dự án nếu họ có yêu cầu. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức tham gia hai cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và VCCI tổ chức nhân sự kiện Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL và Tuần lễ Nhật Bản tại ĐBSCL. Tiếp tục cập nhật và phát hành một số ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư, danh mục dự án và chính sách hỗ trợ đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Năm 2015, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ có kế hoạch hỗ trợ các DN thành phố xúc tiến thị trường xuất khẩu và đầu tư vào các thị trường như thế nào?

- 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm đã hỗ trợ các DN Cần Thơ đăng ký tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương tại các hội chợ thương mại trong nước; hỗ trợ cho hơn 10 DN tham gia gian hàng hội chợ tại các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Bình Thuận, Hậu Giang… góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, mở rộng kênh tiêu thụ nội địa, tìm kiếm các đối tác xuất khẩu. Trong đó, nổi bật có các sự kiện như: tham gia Hội chợ Việt Nam FoodExpo do Bộ Công Thương tổ chức và các chương trình Kết nối giao thương giữa DN TP Cần Thơ với DN Hàn Quốc, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực ĐBSCL.

 TP Cần Thơ sẽ tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường. Ảnh: ANH KHOA

Trung tâm còn phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) thường xuyên cung cấp đến DN các sự kiện thuộc Chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia như: Xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu và Giải pháp Hậu cần xuất khẩu và Chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho DN nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ. Phối hợp với Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng chương trình hỗ trợ DN chuẩn bị nguồn lực để thích nghi với thị trường mở cửa hoàn toàn.

Từ nay đến cuối năm 2015, Trung tâm sẽ hỗ trợ các DN trên địa bàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương như tổ chức các buổi gặp gỡ, làm việc với các tổng lãnh sự tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức tọa đàm đối thoại giữa chính quyền thành phố với DN FDI và xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức khảo sát thị trường Dubai và Nga, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và kêu gọi đầu tư tại Nhật, cũng như ký kết nghĩa với tỉnh Chiba- Nhật Bản.

 Với thị trường Dubai,Trung tâm đã có kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến ra sao, thưa ông?

- Trung tâm tiếp tục hỗ trợ cung cấp các thông tin về tình hình nhập khẩu, nhu cầu về ngành hàng của Dubai và các nước GCC để cung cấp thông tin cho các DN trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ tổ chức đoàn các DN khảo sát thị trường Dubai vào tháng 9, kết hợp với tham quan Hội chợ thủy sản Trung Đông và châu Phi - Seafex Dubai. Trong chuyến đi sắp tới, Trung tâm sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tổ chức các chương trình gặp gỡ và kết nối với các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối của Dubai để quảng bá hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, tìm kiếm đối tác. Đây là một thị trường rất tiềm năng vì Dubai không chỉ là cửa ngõ để vào thị trường Trung Đông mà còn cả thị trường của châu Phi. Ngoài thị trường Dubai, Trung tâm còn dự kiến tìm hiểu một số thị trường khác như: Liên bang Nga, Úc…

 Đến cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành. Trung tâm có kế hoạch hỗ trợ ra sao với các DN TP Cần Thơ để mở rộng thị trường được xem là tiềm năng này, thưa ông?

- Tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (thị trường AEC) các DN Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận với thị trường hơn 600 triệu dân, cũng là thách thức lớn với cộng đồng DN ngay ở cả những lĩnh vực ngành hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam. Khi có AEC, các DN Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau mà sẽ phải cạnh tranh với những DN ASEAN. Lúc đó, thị trường trong nước không còn là của riêng DN Việt Nam mà sẽ trở thành thị trường chung của cả khối ASEAN. Đây là sự thay đổi hết sức quan trọng, sẽ tạo ra cơ hội cho những DN mạnh, đồng thời là thách thức cho các DN yếu.

Trước mắt, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức DN địa phương về AEC. Do số lượng các DN của Cần Thơ hiểu rõ về AEC còn nhiều hạn chế, các thông tin mà DN tiếp cận được về AEC chỉ ở mức độ tổng quan. Những nhận thức còn hạn chế như vậy sẽ khiến DN gặp khó khăn trong việc tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC như: ưu đãi về thuế quan, về thủ tục hải quan, sự công nhận lẫn nhau đối với một số ngành, các ngành được ưu tiên trong ASEAN... Do vậy, cần xây dựng một cơ chế hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của DN về AEC, về những lợi ích dài hạn mà AEC mang lại.

Kế đến là việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. Đây là một trong những nội dung quan trọng với các DN đang hoạt động trong 12 lĩnh vực ưu tiên của tiến trình AEC. Trung tâm sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Mục đích của các khóa đào tạo này là tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực quản trị, hiểu biết thị trường, cũng như trình độ khoa học - công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó sẽ giúp các DN có sự cạnh tranh lành mạnh, phát huy được lợi thế linh hoạt của mình, để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường mở cửa, hội nhập đang ngày một sâu rộng.

Một việc khác cần làm nữa là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan thương mại, dịch vụ và đầu tư… tạo thuận lợi cho các DN trong nước và các DN trong ASEAN trong quá trình hợp tác đầu tư và mở rộng thị trường cần đẩy mạnh cải cách. Hơn nữa, các chính sách cần từng bước minh bạch hóa giúp DN dễ dàng trong việc xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh hiệu quả và lâu dài.

 Xin cảm ơn ông!

ANH KHOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết