09/02/2009 - 21:01

Khoa luật, Trường Đại học Cần Thơ

Dạy học thực tiễn

Trong hơn 60 ngành, chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), Luật là ngành thu hút khá đông thí sinh đăng ký dự thi hằng năm. 3 năm qua, tỷ lệ chọi ở ngành này luôn cao hơn 1-20. Nhu cầu xã hội cộng với cơ hội việc làm ngày càng rộng mở là những nguyên nhân khiến ngành Luật thu hút nhiều thí sinh. Trước thực tiễn này, Khoa Luật, Trường ĐHCT, đã nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho sinh viên ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng đào tạo…

Đưa thực tế vào lý thuyết

Giờ học “Phiên tòa tập sự” của các sinh viên ngành Luật K33 và K34, được mô phỏng theo hình thức và nội dung của một phiên tòa thực tế. 7 sinh viên được giảng viên mời lên bục giảng và phân vai: Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán, Thư ký, Luật sư, Đại diện Viện kiểm sát và phạm nhân. Phiên tòa diễn ra với đầy đủ nghi thức: Thư ký thông báo nội qui, Thẩm phán đọc quyết định và bản án xét xử, đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng,... Đến lúc phiên tòa kết thúc, thầy Đinh Thanh Phương, giảng viên Luật Hiến pháp, mới bắt đầu giảng giải cho sinh viên về tầm quan trọng của phiên tòa; vai trò, vị trí của từng nhân vật...

 Thầy Đinh Thanh Phương (đứng, bìa trái), giảng viên khoa Luật, Trường ĐHCT đang diễn giải cho sinh viên hiểu qui trình của “Phiên tòa tập sự”.

Bạn Lưu Thị Thúy Vy, sinh viên Luật thương mại K33, nói: “Thay vì diễn giải đơn điệu, giảng viên đã tạo điều kiện để sinh viên cùng tham gia tái hiện lại phiên tòa. Tôi rất thích cách dạy này, bởi qua đó, tôi hình dung được một phiên tòa xử án diễn ra như thế nào, vai trò của từng nhân vật khi tham gia phiên tòa... Học như vậy, dễ hiểu bài và nhớ bài lâu hơn”. Theo thầy Đinh Thanh Phương, “Phiên tòa tập sự” giúp sinh viên biết cách tổ chức một phiên tòa. Đi sâu hơn vào phần xét xử, biện hộ của luật sư, sinh viên sẽ học ở các học phần: tố tụng hình sự, dân sự... Thầy Phương cho biết: “Tổ chức lớp học như thế tạo điều kiện cho sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giao tiếp trước đám đông...”.

Đây là một trong những cách đổi mới phương pháp dạy học ở khoa Luật, Trường ĐHCT. Nhiều năm qua, khoa đã áp dụng phương pháp tình huống vào giảng dạy. Tùy môn học, giảng viên sẽ thiết kế những tình huống khác nhau để lồng ghép thực tế cuộc sống vào bài giảng lý thuyết. Cô Lê Thị Nguyệt Châu, Phó Trưởng khoa Luật, cho biết: “Thuận lợi của khoa Luật là phần lớn cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo ở nước ngoài nên vận dụng phương pháp giảng dạy mới khá hiệu quả. Trường ĐHCT đang triển khai thực hiện học chế tín chỉ. Đây là điều kiện để nâng cao hơn tính tự học, khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của sinh viên”. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, khoa Luật còn thỉnh giảng các cán bộ đang công tác trong những lĩnh vực pháp luật; tổ chức hội nghị, giao lưu giữa sinh viên và đơn vị sử dụng lao động, giúp sinh viên tiếp cận thực tế, thị trường lao động...

Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy

Hiện nay, khoa Luật đang đào tạo gần 1.300 sinh viên chính qui thuộc 3 chuyên ngành: Luật hành chính, Luật thương mại và Luật tư pháp. Khoa có 37 cán bộ, giảng viên; trong đó, 21 người có trình độ sau đại học, 5 người đang làm nghiên cứu sinh, 6 người đang học thạc sĩ ở nước ngoài... Số lượng cán bộ đi học khá nhiều, gây áp lực cho số cán bộ giảng dạy còn lại. Ngoài ra, tuy đã đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng nội dung chương trình vẫn chưa thật hoàn thiện, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu...

Thực tế, để những tiết học như “Phiên tòa tập sự” đạt hiệu quả cao, đòi hỏi nhiều yếu tố: số lượng sinh viên vừa phải, bày trí phòng xử án đúng qui cách... Thế nhưng, hiện nay, cơ sở vật chất của khoa Luật còn nhiều hạn chế. Thầy Đinh Thanh Phương cho biết: “Không có phòng chuyên biệt để bố trí phòng xử án như một phiên tòa thực thụ, chúng tôi phải tổ chức trong phòng học hoặc tổ chức ngoài trời. Tổ chức trong phòng học thì không đúng theo qui cách phòng xử án; tổ chức ngoài trời thì mưa nắng thất thường, rất bất tiện”.

Bên cạnh đó, khả năng tự học, kỹ năng giao tiếp của sinh viên vẫn còn hạn chế. Cô Lê Thị Nguyệt Châu nhận xét: “Qua kết quả thi ở học kỳ đầu tiên khi trường áp dụng học chế tín chỉ triệt để, phần lớn sinh viên của khoa Luật chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, các đơn vị sử dụng lao động đánh giá sinh viên khoa Luật còn thiếu kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp”. Theo ông Nguyễn Thanh Đình, Trưởng Phòng Công chứng, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, khoảng 40% cán bộ của phòng là sinh viên tốt nghiệp ngành Luật, Trường ĐHCT. Ông Đình cho biết: “Ưu điểm của họ là chịu học hỏi, chăm chỉ, nhưng vẫn phải mất một khoảng thời gian để làm quen với công việc, bởi giữa lý thuyết và thực tế lúc nào cũng có “độ vênh”. Để khắc phục, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên phải nỗ lực hơn. Mặt khác, giảng viên cũng nên tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thực tế nhiều hơn”.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, khoa Luật đang tập trung xây dựng và thực hiện một số chương trình đào tạo phù hợp; phát triển phương pháp giảng dạy tình huống... Theo cô Lê Thị Nguyệt Châu, lãnh đạo khoa sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; thỉnh giảng cán bộ có kinh nghiệm thực tế... Đồng thời, thông qua các hoạt động đoàn thể, giúp sinh viên tự tin hơn trong giao tiếp. “Tôi hy vọng nhà trường có thể tận dụng những chương trình hợp tác để xây dựng thêm cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị giảng dạy cho khoa Luật. Thêm vào đó, sự đồng tâm, nỗ lực của cán bộ giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ góp phần đào tạo những cử nhân Luật năng động, nhạy bén hơn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này của ĐBSCL”- cô Lê Thị Nguyệt Châu khẳng định.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết