26/07/2016 - 20:34

Đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, nhưng theo ý kiến của các địa phương và các chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp (DN), người dân thì các chính sách phát triển nông nghiệp cho vùng thời gian qua khá nhiều, song hiệu quả chưa cao. Trong khi ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua. Cần có cách nhìn mới để đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Nhơn bên vườn xoài VietGAP.

Nhiều rủi ro

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 397,4 nghìn tỉ đồng (giá so sánh 2010), bằng 99,92% so cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp rất nhiều rủi ro, do phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, tình trạng "được mùa, mất giá" luôn khiến nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, chia sẻ: "Trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đều nhận thức rằng, có hợp tác mới phát triển bền vững, nuôi cá tra nếu không liên kết với DN thành chuỗi thì giá trị sản phẩm không cao. Bởi liên kết thì các bên có quy ước chung về kích cỡ, quy trình sản xuất, giá cả hợp đồng… Song, nhiều năm qua chuỗi cá tra vẫn không phát triển được nhiều, do liên kết chủ yếu dừng lại ở liên kết giữa DN và nông dân". Theo ông Hải, để dân tự bơi thì không thể mạnh lên được. Ông Hải dẫn chứng, nếu nông dân chỉ nuôi một ao cá, sản lượng vài trăm tấn thì việc đi gặp giám đốc DN để ký hợp đồng bán cá đã trần ai. Vì DN cần mua sản lượng từ vài ngàn tấn trở lên, họ không đủ nhân lực để đi ký hợp đồng mua cá với vài chục nông hộ.

Trong gần thập niên qua, các nhà máy chế biến cá tra đã giải quyết rất lớn trong vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho người lao động tại các địa phương ĐBSCL. Song, sự phát triển thiếu kiểm soát cũng khiến nông dân và cả DN rơi vào tình cảnh nợ nần, phá sản, thua lỗ triền miên. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH công nghiệp thủy sản Miền Nam, SOUTHVINA (KCN Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: "Tình hình xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2016 rất khó khăn và với DN dù xuất khẩu đạt chỉ tiêu về số lượng nhưng giá trị chỉ bằng 60% so với các năm trước. Với SOUTHVINA, trong 6 tháng đầu năm 2016, xuất tổng cộng 50 container với sản lượng 6.000 tấn. Giá cá xuất bán chỉ khoảng 1,8 USD/kg, trong khi các năm trước giá trên 2 USD, nên giá trị ngoại tệ thu về giảm. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường Brazil từ 20-6-2016 đã từ chối nhập cá tra do vấn đề hàm lượng nước cao, do vậy DN phải chạy tìm các thị trường mới".

Tháng 3-2011, Hợp tác xã (HTX) xoài cát Hòa Lộc, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nhận Chứng chỉ VietGAP. Sau sự kiện này, nhiều hộ dân trồng xoài tự nguyện xin vào HTX, diện tích trồng từ 34ha đã tăng lên 58ha/125 hộ; trong đó có 20,73ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhà xưởng được HTX đầu tư nâng cấp và mở rộng lên trên 500m2, năng suất xoài từ 5-7 tấn/ha lên khoảng 10-12 tấn/ha. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc cho biết, việc nâng cao năng suất, chất lượng trái giúp cho HTX Hòa Lộc dễ dàng ký những hợp đồng dài hạn với các đối tác lớn nước ngoài. Hằng năm, HTX cung ứng khoảng 50 tấn xoài cho thị trường Nhật Bản, chưa kể số hàng đưa sang Trung Quốc và NewZealand. Tiềm năng của vùng trồng xoài cát Hòa Lộc là vậy nhưng tỉnh Tiền Giang chưa khai thác hết những lợi thế đó. Hiện nay, việc sản xuất của người dân manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, chưa bảo đảm chất lượng đồng nhất cũng như số lượng cung ứng cho thị trường. Công tác bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém, việc thu mua, vận chuyển còn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thương lái, cơ sở phục vụ cho công nghiệp chế biến sản phẩm trái cây còn nhiều hạn chế… đã làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm giảm vì giá thành sản xuất cao.

Tổ chức lại sản xuất trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là yêu cầu bức thiết cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, cần tính đúng, tính đủ để có chính sách đầu tư cho nông nghiệp tương xứng với mức mà ngành đóng góp.

Cần tính đúng, tính đủ

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT SOUTHVINA, cho biết: "Các DN chế biến và xuất khẩu cá tra trong nước đang cạnh tranh với nhau rất quyết liệt, cá biệt có một số DN bán giá thấp. Thị trường xuất khẩu hiện nay gặp khó, DN phải chạy lo tìm thị trường mới nên chi phí, nhân lực phải đổ dồn vào đây để tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, các ngân hàng hiện nay khi nghe nói đến thủy sản mà đặc biệt là cá tra là có vẻ ngại nên vấn đề nguồn vốn để xoay vòng phục vụ sản xuất kinh doanh cũng là trở ngại. Từ nay đến cuối năm 2016, tình hình chế biến và xuất khẩu cá tra còn gặp khó và tương lai chưa thấy sáng sủa. DN rất cần sự trợ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ phía ngân hàng". Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc, thời gian tới, nhà nước cần xây dựng và triển khai cánh đồng lớn về sản phẩm xoài, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh; tăng cường công tác khuyến nông để tạo ra sản phẩm xoài chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và đáp ứng được thị trường. Các ngành chức năng cần hỗ trợ cho DN đầu tư và bao tiêu sản phẩm xoài cát Hòa Lộc. Ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất xoài rải vụ…

Để phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An, chia sẻ: "Làm ăn trong kinh tế thị trường hơn chục năm nay, HTX nuôi hợp đồng với DN khá hiệu quả. HTX mua con giống thả nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 1g thì HTX ký hợp đồng nhận thức ăn của DN. Với phương thức này, nhà chế biến sẽ biết được lượng cá mình có trong năm là bao nhiêu để lên kế hoạch chế biến, còn người nuôi lên kế hoạch sản xuất theo quy trình". Theo ông Hải, nhiều năm qua không phát triển được nhiều chuỗi liên kết do vai trò đại diện nhà nước trong chuỗi liên kết hiện nay khá mờ nhạt, cán bộ chủ yếu là đi họp để nắm vấn đề. Nếu vai trò Nhà nước thể hiện rõ hơn trong liên kết, nông dân sẽ đỡ vất vả tìm kiếm DN bao tiêu sản phẩm. "Nhà nước tập hợp nông dân thành lập HTX, tổ hợp tác và có thể bảo lãnh cho nông dân vay vốn của ngân hàng; còn thả nổi cho thị trường thì không giải quyết được chuỗi liên kết"- ông nói thêm.

Bức tranh nông nghiệp Việt Nam đang thể hiện một nền kinh tế hộ tiểu nông, sản xuất nhỏ, quy mô trang trại nhỏ, công nghệ lạc hậu; lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp không ổn định do qua nhiều khâu trung gian, cộng thêm chi phí dầu vào thường có xu hướng tăng, nên thu nhập của nông dân chưa cao. Nông hộ nhỏ khó tiếp cận thông tin thị trường nên khả năng cạnh tranh yếu, tiếp cận khoa học công nghệ cũng thấp và họ chịu nhiều thiệt thòi trong kinh tế thị trường… Đó là những lực cản kìm hãm sự phát triển của nền nông nghiệp, theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Có thể thấy sự yếu kém của nền nông nghiệp đang bộc lộ rõ nét, cụ thể là tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18% so cùng kỳ năm trước và cũng là lần đầu tiên trong 30 năm đổi mới, nông nghiệp tăng trưởng theo số âm. Đã đến lúc phải chuyển sản xuất nông nghiệp từ giai đoạn phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu và cần có những đột phá mới; trong đó sự năng động của DN phải được nhấn mạnh. Song, một vị chuyên gia kinh tế đã từng nhấn mạnh rằng: Không phải nhà đầu tư nào vào nông nghiệp đều có thể đem lại thay đổi tích cực, thậm chí là "thảm họa" nếu sản xuất trên quy mô lớn mà không có đầu ra. Do đó, chỉ có DN lớn, tâm huyết mới giúp thúc đẩy nông nghiệp phát triển đúng nghĩa.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết