“Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội”. Quan điểm này được Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) khẳng định và yêu cầu toàn Đảng, toàn dân quan tâm thực hiện. Với tinh thần đó, ngành giáo dục quận Ô Môn có nhiều nỗ lực, góp phần đưa giáo dục từng bước phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện
|
Mỗi buổi học môn Anh văn của học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (quận Ô Môn) được trang bị thêm bảng tương tác, do Công ty Đại Trường Phát thực hiện theo chương trình Tiếng Anh i-Learn dành cho tiểu học. |
Hiện nay, toàn quận có 39 trường học (5 trường mẫu giáo, 7 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 5 trường THCS, 4 trường THPT), 1 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Kỹ thuật Tổng hợp và Hướng nghiệp và 1 Trung tâm Dạy nghề. Xác định cơ sở vật chất là điều kiện cơ bản quyết định sự hình thành và phát triển của nền giáo dục, qua khảo sát thực trạng cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, ông Lê Việt Sĩ, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: “Các điểm trường hầu hết nhỏ lẻ, manh mún, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo. Hiện trạng phòng học lâu năm xuống cấp nhiều, thiếu ánh sáng, chưa thoáng mát, sân chơi, bãi tập hẹp và nhỏ. Có nơi học sinh tiểu học và trẻ mẫu giáo học chung một điểm trường, một phòng học... hạn chế chất lượng bài giảng của giáo viên và điều kiện học tập của học sinh”.
Để giải quyết những khó khăn trên, UBND quận Ô Môn đã và đang điều chỉnh lại hệ thống cơ sở vật chất trường học. Từ năm học 2013-2014 đến nay, toàn quận đã sửa chữa và nâng cấp 53 phòng học, 17 phòng chức năng và các công trình sân, hàng rào, nhà vệ sinh ở 25 điểm trường mầm non, tiểu học với tổng kinh phí trên 15,4 tỉ đồng. Về xây dựng cơ bản, đưa vào sử dụng 48 phòng học, 36 phòng chức năng, các công trình sân, rào, nhà vệ sinh ở 6 điểm trường mầm non, tiểu học, kinh phí trên 83,8 tỉ đồng. Quận đang xây dựng 1 trường THCS và 4 trường tiểu học với 68 phòng học, 19 phòng chức năng và các công trình phụ, kinh phí trên 128 tỉ đồng. Đồng thời, lập dự án thiết kế chuẩn bị đầu tư xây dựng năm 2015 thêm 19 điểm trường với 231 phòng học, 192 phòng chức năng và các hạng mục công trình khác, phục vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kinh phí khoảng 211 tỉ đồng. Trước mắt, những công trình dự án trên góp phần thực hiện xây dựng 15 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 38,4%), sẽ đảm bảo yêu cầu kiên cố hóa và đạt chuẩn về cơ sở vật chất trong các năm tiếp theo. Ông Võ Văn Trận, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm, chia sẻ: Cơ sở vật chất góp phần quan trọng đẩy mạnh thành tích học tập đối với học sinh, ngoài ra tạo tâm lý phấn khởi cho giáo viên trong giảng dạy. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy của một số ngành học cũng như giúp giáo viên có điều kiện trau dồi học hỏi thêm kiến thức, trình độ chuyên môn để từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu bài giảng, đạt kết quả học tập tốt nhất”.
Ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất thì việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đạt trình độ đại học ở tất cả các cấp học, bậc học là điều không kém phần quan trọng. Đến đầu năm học này, ngành tuyển dụng 87 giáo viên các cấp học và 19 nhân viên. Toàn quận hiện có 1.356 cán bộ, giáo viên, 127 nhân viên. Trong đó, có 53,57% giáo viên mầm non, 94,45% giáo viên tiểu học, 55,56% giáo viên THCS, 3,03% giáo viên THPT đạt trên chuẩn. Đồng thời, có 197 giáo viên mầm non đang học cao đẳng mầm non, đại học mầm non; 95 giáo viên tiểu học đang học cử nhân tiểu học, 22 giáo viên THCS đang học đại học, 7 giáo viên THPT đang học cao học. Có 39 cán bộ quản lý và 103 giáo viên có trình độ trung cấp trở lên, chiếm tỷ lệ 17,70% tổng số đảng viên trong ngành; 17 cán bộ giáo viên đang học các lớp trung cấp chính trị trở lên. Ông Lê Việt Sĩ cho biết thêm: Lực lượng này đã, đang và sẽ góp phần đáng kể nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trí thức. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng thường xuyên theo định kỳ; phong trào sáng tạo kỹ thuật, đồ dùng dạy học tự làm, viết và vận dụng sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên. Những kết quả đạt được thời gian qua là động lực để ngành giáo dục quận Ô Môn vững tin bước tiếp trong thực hiện đổi mới, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: P.NGUYỄN