01/11/2014 - 09:16

CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở TP CẦN THƠ

Đầu tư nguồn lực phục vụ năm học mới

Cùng với công tác tuyển sinh, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) ở Cần Thơ còn tập trung tăng cường đầu tư nguồn lực và kiện toàn bộ máy tổ chức để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Qua đó, chú trọng thực hiện hiệu quả chủ đề năm học 2014-2015 khối đại học, cao đẳng là “Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo”.

Nỗ lực chung…

 Giờ học thực hành của thầy trò Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Kể từ khi nâng cấp thành Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Cần Thơ, trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học KT-KT Cần Thơ, 10 năm qua, lãnh đạo trường không ngừng đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo lãnh đạo nhà trường, bên cạnh đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập, trường còn xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên giỏi về chuyên môn, vững về chính trị. Theo Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, hằng năm, trường lập kế hoạch đào tạo dài hơi, học vị từng giai đoạn cụ thể. Cán bộ, giảng viên đăng ký thời gian, ngành nghề học, tránh bị động trong kế hoạch giảng dạy. Ban Giám hiệu trường tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tâm tư tình cảm, những khó khăn, đề xuất của cán bộ, giảng viên để tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng dạy và học. Nhất là quan tâm tạo điều kiện để thầy, cô học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, trường có 206 cán bộ, công nhân, viên chức (trong đó có 180 giảng viên cơ hữu); số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm 70,56%.

Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, sau hơn một năm nâng cấp thành Trường ĐH, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Ngay khi có quyết định phê duyệt Đề án tiền khả thi thành lập trường ĐH của Chính phủ, lãnh đạo trường chuẩn bị nguồn lực cán bộ giảng dạy. Bên cạnh đó, Trường có lợi thế hơn 30 năm liên kết đào tạo với một số trường ĐH uy tín nên cũng thụ hưởng những kinh nghiệm về quản lý, đào tạo; nhất là được hỗ trợ, chi viện đội ngũ giảng viên có trình độ cao và kinh nghiệm từ các trường bạn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của trường. Tiến sĩ Dương Thái Công nói: “Chúng tôi còn tuyển dụng bổ sung, tiếp nhận cán bộ trình độ chuyên môn cao muốn về phục vụ tại trường và các ứng viên tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ- 150; tranh thủ mọi nguồn lực và chính sách để đào tạo lực lượng cán bộ nhằm nâng chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho trường và tuân thủ tiêu chí về cán bộ giảng dạy của Bộ GD&ĐT”. Ngoài ra, để “giữ chân” cán bộ giỏi, yên tâm công tác, trường có chính sách như: Giảng viên sau 1 năm tuyển dụng được cử đi học sau ĐH và tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước (40% lương học dài hạn theo quy định của Nhà nước), cử đi học ngoại ngữ, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, Cao trung cấp chính trị mà vẫn được hưởng 100% lương, học phí được thành phố hỗ trợ toàn bộ… Hiện nay, trường có 163 cán bộ, viên chức; trong đó có 135 cán bộ, giảng viên (11 tiến sĩ, 88 thạc sĩ).

Để các trường phát triển bền vững

Không riêng gì Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, một số trường khác như: ĐH Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ… đã và đang nỗ lực đầu tư nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo”. Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, năm học 2014-2015, trường tiếp tục củng cố và phát huy công tác đào tạo theo học chế tín chỉ, triển khai tốt chương trình đào tạo mới áp dụng cho khóa 40; đổi mới, nâng chất lượng và mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo của trường, nhất là đào tạo sau ĐH và liên kết đào tạo quốc tế;… Để thực hiện mục tiêu này, năm học qua (2013-2014), Trường ĐH Cần Thơ xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và đề cương học phần tất cả ngành, chuyên ngành đào tạo bậc ĐH hệ chính quy để triển khai áp dụng cho khóa 40; triển khai thực hiện tự đánh giá 13 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA và đã có 7 chương trình đạt chuẩn… Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nhà trường rất cần sự hợp tác và hỗ trợ của địa phương, Trung ương. Đơn cử như, mối quan hệ hợp tác giữa trường và TP Cần Thơ, tuy mối quan hệ hợp tác khá lâu nhưng các chương trình hợp tác giữa hai đơn vị cần cụ thể, chặt chẽ hơn nữa; nhất là giữa các khoa, phòng của trường với các sở, ban, ngành thành phố.

Lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cho rằng: Dù đạt kết quả nhất định về nguồn lực cơ sở vật chất và con người nhưng trường còn gặp một số khó khăn, như: thiếu cán bộ đầu đàn một số lĩnh vực; cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) vẫn chưa giải phóng mặt bằng vì thiếu kinh phí. Trong khi đó, để phục vụ cho các ngành học mới mở, trường cần tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ sau ĐH các chuyên ngành kỹ thuật, phù hợp với định hướng phát triển. Để thực hiện điều này đòi hỏi địa phương cần có cơ chế, chính sách hợp lý hơn, nhằm thu hút và “giữ chân” đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn cao. Tiến sĩ Dương Thái Công nhấn mạnh: Với một trường ĐH kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi sự đầu tư nguồn lực lớn về cơ sở vật chất và con người. Vì thế, trường rất cần sự quan tâm và đầu tư hơn nữa từ địa phương và Trung ương để trường phát triển bền vững và thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Theo Ban Giám hiệu Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, hiện nay, nguồn lực cơ sở vật chất và con người cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Song, trong định hướng phát triển sắp tới trở thành Trường ĐH KT-KT Nông nghiệp Cần Thơ, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và bộ, ngành Trung ương.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết