02/10/2014 - 21:24

Dấu ấn ODA

Những năm qua, trên địa bàn TP Cần Thơ, ngoài những công trình được Trung ương đầu tư như: Sân bay Quốc tế, Cảng biển, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, đường Nam sông Hậu, quốc lộ 61B... thì những công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) như: Cầu Cần Thơ của Chính phủ Nhật Bản, các dự án WB5, WB6 của Ngân hàng Thế giới (WB) và gần đây nhất là 2 dự án Nâng cấp đô thị tại TP Cần Thơ đã và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển thành phố trong tiến trình hội nhập trong khu vực và quốc tế...

Những công trình mang tầm khu vực

Cầu Cần Thơ là một trong những công trình tiêu biểu được đầu tư bằng nguốn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đầu tư trên địa bàn thành phố. Cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng từ năm 2010 đã phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội rất rõ nét không chỉ cho Cần Thơ mà phục vụ cho sự phát triển của các tỉnh miền Tây. Thu hút đầu tư, thương mại dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu toàn vùng tăng lên theo từng năm; giao thông đi lại từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh phía Nam sông Hậu thuận lợi nhanh chóng, rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân vùng ĐBSCL; hệ thống y tế, giáo dục đào tạo theo đó cũng phát triển nhanh và đồng đều ở các tỉnh, thành trong vùng...

Dự án WB5 sử dụng vốn vay ODA của WB có tổng mức đầu tư 312,02 triệu USD nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; giảm thiểu tắc nghẽn trên các tuyến đường bộ, đường thủy then chốt; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa; góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới các tỉnh ĐBSCL, trong đó một phần dự án nằm trên địa bàn TP Cần Thơ đang được phát huy hiệu quả ra toàn vùng… Dự án WB6 - Tiểu Dự án khép kín tuyến đê, cống vùng Ô Môn - Xà No cũng đi qua địa bàn TP Cần Thơ với hệ thống 36 cống ngầm và cống hở (19 cống ngầm và 17 cống hở)… đang trong giai đoạn hoàn thành, thông nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo giao thông. Dự án WB6 có quy mô khoảng 210 triệu USD, sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư cho khu vực ĐBSCL phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dự án WB6 dự kiến hoàn thành vào năm 2016, khi đó bộ mặt nông thôn khu vực ĐBSCL sẽ từng bước đổi thay, nhất là ở hợp phần 2 (khôi phục và nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi) có tác động rất lớn đến đại bộ phận nông dân vùng nông thôn theo hướng tích cực.

Trường Tiểu học Long Tuyền 2 - công trình xây dựng bằng nguồn vốn kết dư của Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ vừa hoàn thành đưa vào sử dụng trong dịp khai giảng năm học mới đầu tháng 9-2014.

Nổi bật hơn cả là 2 Dự án Nâng cấp đô thị (NCĐT) đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, gồm: Dự án NCĐT TP Cần Thơ (dự án 1) tổng vốn 69,9 triệu USD, đến cuối 2014 sẽ hoàn thành; và Dự án NCĐT vùng ĐBSCL – Tiểu dự án TP Cần Thơ với số vốn hơn 90,4 triệu USD đang bước vào thi công giai đoạn 2. Cả hai dự án đều hướng tới mục tiêu xóa bỏ tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm tại các khu đô thị, giúp cải thiện đời sống, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường của người dân TP Cần Thơ. Tại cuộc họp ngày 1-10 tổ chức ở Hà Nội, Bộ Xây dựng đánh giá cao 2 dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố với tiến độ, chất lượng, tạo được mỹ quan so với các tỉnh, thành trong vùng (thành phố có dự án NCĐT) và đang phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo sức lan tỏa rất lớn.

ODA góp thêm diện mạo mới

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án NCĐT TP Cần Thơ, cho biết: "Dự án NCĐT TP Cần Thơ triển khai trên địa bàn thành phố gần tròn 10 năm. Các công trình lớn, nhỏ, hệ thống bờ kè, đường giao thông và các tuyến hẻm nội ô cơ bản được đầu tư nâng cấp và đang phát huy hiệu quả rất lớn. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 3 năm qua, giai đoạn 2 sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Điều đáng mừng là dự án được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, chính quyền các cấp hỗ trợ tích cực, nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới giải ngân kịp thời… nên mới có được kết quả tích cực như hôm nay".

Du khách có dịp đến TP Cần Thơ sẽ dễ dàng cảm nhận nội ô quận trung tâm Ninh Kiều và các quận lân cận đang thay đổi. Những con rạch "nước đen" như: Hồ Xáng Thổi, rạch Bần, rạch Tham Tướng, rạch Sơn, rạch Chùa… được ví "đệ nhất ô nhiễm" của quận Ninh Kiều cách nay không lâu, giờ đã "lột xác" để trở thành những con kênh xanh, những bờ kè uốn lượn hòa mình cùng những hàng cây xanh thẳng tắp - mang đặc trưng vùng sông nước ĐBSCL, mà Cần Thơ đại diện cho nét đặc trưng đa dạng này. Những căn nhà ọp ẹp bên những con rạch "nước đen", giờ là những căn nhà mới, giá trị tính bằng tỉ đồng.

Theo Ban Quản lý Dự án NCĐT TP Cần Thơ, dự án đã góp phần "thay da đổi thịt" một cách căn bản ở nội ô TP Cần Thơ, cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho hàng ngàn hộ gia đình. Dự án đã hoàn thành 74/84 hoạt động của cả 2 giai đoạn, được WB đánh giá tốt về tiến độ cũng như chất lượng công trình. 34 khu dân cư thu nhập thấp (khu LIA) trên địa bàn 14 phường thuộc 2 quận Ninh Kiều, Bình Thủy đã được nâng cấp. Có hơn 450.000 dân được hưởng lợi nhờ được nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng, như: mở rộng, nâng cấp 286 hẻm, đấu nối hệ thống cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng, nâng cấp 5 trạm y tế, 11 trường mẫu giáo, 3 trường tiểu học, đầu tư cải tạo hệ thống cống thoát nước, xây dựng bờ kè, nạo vét hồ chứa nước, tiêu biểu như công trình hồ Xáng Thổi, hồ Bún Xáng, rạch Tham Tướng, rạch Bần, rạch Cầu Chùa, rạch Sơn, rạch Cái Khế.... Đồng thời, hơn 2.100 hộ được vay vốn ưu đãi để cải tạo, sửa chữa nhà ở và đến nay đã có 1.223 hộ vay vốn đã trả xong nợ. Dự án cũng hình thành khu tái định cư, qua đó tạo ra 1.437 lô nền dành cho bà con bị ảnh hưởng (giải tỏa trắng) có nơi ở với hạ tầng tốt hơn, ổn định cuộc sống. Đa số bà con khi được hỏi về hiệu quả của dự án đã bày tỏ sự hài lòng. Bà con ở các khu dân cư (KDC) được nâng cấp mở rộng còn tình nguyện hiến 11.758m2 đất trị giá tương đương 69,557 tỉ đồng và góp trên 4 tỉ đồng vốn đối ứng cho kinh phí xây lắp trên địa bàn...

Một dự án nữa cũng được vay vốn từ nguồn ODA của WB mới khởi công xây dựng cách nay tròn một năm và cũng đã có những gói thầu đầu tiên đưa vào sử dụng - Dự án NCĐT vùng ĐBSCL – Tiểu dự án TP Cần Thơ. Đây là dự án nằm trong chương trình Xây dựng Chiến lược NCĐT Quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho nâng cấp đô thị đến năm 2020, với mục tiêu giảm nghèo các khu vực đô thị bằng việc cải thiện điều kiện sống và môi trường, áp dụng phương pháp có sự tham gia của cộng đồng... Tại TP Cần Thơ, ngoài những mục tiêu trên, dự án còn góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường chung của toàn thành phố, nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo đô thị. Theo đó, mở rộng quy mô và khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản như thoát nước, cấp nước, vệ sinh môi trường, giao thông tại các khu vực dân cư có thu nhập thấp; quản lý bền vững hạ tầng cơ sở đô thị, nhà đất, từng bước cụ thể hóa chương trình nâng cấp đô thị quốc gia... tổng diện tích các khu vực được đầu tư nâng cấp hơn 494 ha. Dự án đến thời điểm này đã hoàn thành giai đoạn 1 phát huy hiệu quả khá rõ nét và tiếp tục thi công thực hiện những gói thầu tiếp theo. Điều đáng mừng là dự án được người dân nhiệt tình ủng hộ từ chủ trương cho đến những hành động cụ thể như hiến đất, hoa màu vật kiến trúc để xây dựng công trình và góp cả công sức cho những công trình này.... Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý dự án NCĐT vùng ĐBSCL – Tiểu dự án TP Cần Thơ, cho biết: Hai gói thầu đầu tiên của dự án hoàn thành đưa vào sử dụng là hẻm 51 và hẻm 132 đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều. Hai gói thầu này hoàn thành vượt tiến độ khoảng 6 tháng, được người dân đồng tình ủng hộ, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để triển khai và hoàn thành các gói thầu tiếp theo của dự án theo kế hoạch...

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: Hiệu quả của dự án ngoài việc nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng các khu dân cư giúp người dân hưởng lợi về tinh thần mà còn được hưởng lợi về kinh tế. Nhiều con hẻm được nâng cấp nên nhà đất tăng thêm giá trị. Bà con ở trong hẻm nay không còn bị cảnh ngập, nghẹt, mở được cơ sở kinh doanh, sinh lợi ngay tại nhà... Dự án NCĐT đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện bộ mặt thành phố, nâng cao ý thức người dân trong việc tình nguyện di dời, hiến đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình. Đây là tiền đề quan trọng cần phát huy cho những dự án tiếp theo của thành phố...

Những công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA nói chung đang phát huy hiệu quả và được đầu tư đúng hướng. Những kết quả này sẽ là điều kiện tốt để thành phố tiếp tục thu hút vốn ODA phục vụ cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời kỳ hội nhập và hướng đến phát triển trở thành thành phố công nghiệp.

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết