31/01/2014 - 10:14

Dấu ấn Cần Thơ

MINH HUYỀN

Chiếc sà lan vận tải container thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Thủy Tân Cảng cặp cảng Trà Nóc trong hồi còi báo hiệu rền vang khắp cảng. Chiếc container đầu tiên đánh dấu sự hợp tác của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Công ty Lương thực Sông Hậu được chuyển lên sà lan trước sự chứng kiến của đông đảo doanh nghiệp (DN) ở TP Cần Thơ. Từ Tây Đô, những chuyến hàng xuất khẩu sẽ bắt đầu chặng hành trình vươn ra biển lớn, đi khắp năm châu...

Khát vọng thành phố công nghiệp

Cái bắt chặt tay liên kết của các DN khơi luồng cho các chuyến container đã nối dài những niềm vui trong năm 2013 khi Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ được khởi công trong không khí trang trọng, tràn đầy tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất triển khai đầu tư xây dựng Dự án Vườn ươm Công nghệ công nghiệp tại TP Cần Thơ trong khuôn khổ Chương trình hợp tác về Điện hạt nhân, Năng lượng và Công nghiệp. Dự án với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ các DN thuộc lĩnh vực nuôi, trồng, chế biến nông, thủy hải sản tiếp cận, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cho sản phẩm và tạo thêm động lực để thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế của Cần Thơ cùng các địa phương trong vùng”. Cần Thơ được chọn là nơi đặt Vườn ươm Công nghệ công nghiệp bởi vị trí trung tâm vùng ĐBSCL. Trong tương lai, Vườn ươm sẽ là nơi ươm tạo DN phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hứa hẹn tạo ra làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc cùng các quốc gia khác vào Cần Thơ.

Từ cầu Cần Thơ hướng vào khu đô thị Nam TP Cần Thơ, tuyến đường Quang Trung-Cái Cui đang được thi công khẩn trương nhằm phục vụ cho KCN Hưng Phú và kết nối vào cảng Cái Cui. Tuyến đường chỉ xấp xỉ 7km nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN phía Nam thành phố trong tương lai. Còn trước đó, thành phố đã huy động và dành nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Đánh giá về môi trường đầu tư vào TP Cần Thơ, ông Motoyuki Nakamura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri-Việt (KCN Trà Nóc 2), tin tưởng nói: “Bảy năm trước, công ty chúng tôi quyết định chọn Cần Thơ làm điểm đến đầu tư, vì Cần Thơ có vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp hơn so với TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Khi mới vào hoạt động tại KCN Trà Nóc 2, chúng tôi chưa am hiểu môi trường kinh doanh và gặp phải không ít khó khăn về thủ tục hành chính. Song, trong vòng 3 năm trở lại đây, các sở, ngành thành phố, Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ luôn quan tâm hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tích cực cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi yên tâm hoạt động lâu dài. Hạ tầng giao thông của thành phố bây giờ rất thuận lợi, kết nối liên hoàn với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận”.

Bức tranh công nghiệp của TP Cần Thơ vẫn có nhiều điểm sáng trong bối cảnh tình hình kinh tế những năm gần đây liên tục gặp khó. KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 cơ bản lấp đầy và hằng năm đóng góp khoảng 40% tổng thu ngân sách của thành phố. “Bên cạnh đó, vấn đề môi trường ở các KCN sau nhiều năm bế tắc giờ đã có lối ra khi trong năm 2013, Nhà máy Xử lý nước thải KCN Thốt Nốt đã khánh thành đi vào vận hành chạy thử. Nhà máy Xử lý nước thải KCN Trà Nóc tiến độ thi công đến nay đã đạt hơn 40%. Đặc biệt, đầu năm 2014 thành phố sẽ triển khai thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại KCN Trà Nóc và KCN Thốt Nốt”-ông Võ Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng KCN Cần Thơ, phấn khởi cho biết.

Lãnh đạo Trung ương, TP Cần Thơ và phía Hàn Quốc thực hiện nghi thức khởi công Dự án vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA
 

Thời gian như thoi đưa, chặng đường công nghiệp hóa của TP Cần Thơ chỉ còn khoảng 7 năm. Những tin vui liên tiếp trên lĩnh vực đầu tư sẽ góp phần tạo khí thế mới trong chặng nước rút tiến đến mục tiêu thành phố công nghiệp. Hiện nay, thành phố có 8 KCN tập trung với 2 KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 cơ bản lấp đầy, 3 KCN đang đón nhà đầu tư thứ cấp, 2 KCN đã lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và 1 KCN đang chờ thay đổi chủ đầu tư. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định: “Quyết tâm của TP Cần Thơ là phải hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Vì vậy, thành phố đã giao nhiệm vụ cho BQL các KCX&CN Cần Thơ làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng các KCN về việc xây dựng lộ trình và giải pháp để đến năm 2017 phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch cho các KCN sẵn sàng chào đón nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy trước năm 2020”.

Vươn ra biển lớn

Là thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã dành nhiều ưu đãi cho các dự án đầu tư và có bước cải tiến đáng kể về thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết: “Hiện nay, với Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 12-10-2011 “Quy định về việc áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn”, thành phố xác định rõ danh mục những dự án được hỗ trợ đầu tư, cùng các hình thức hỗ trợ về lãi suất sau đầu tư, quan hệ tín dụng, giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, chi phí tham gia xúc tiến đầu tư… Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu thực hiện theo các quy định của Trung ương, cơ bản đã được minh bạch hóa, tạo điều kiện để DN thuận lợi tiếp cận”. Trong những năm gần đây, TP Cần Thơ đã gia nhập vào nhóm các tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD/năm với các sản phẩm chủ lực như gạo, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày,... Ông Nguyễn Hữu Có, Cục Trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ, cho biết: Trước đây, nếu thực hiện thủ tục hải quan truyền thống, thời gian thông quan hàng hóa từ 30 phút trở lên. Qua cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan và triển khai hải quan điện tử, thời gian thông quan đã giảm xuống còn từ 3-5 phút (đối với các tờ khai Luồng xanh) khiến DN rất hài lòng”.

Đến nay, các KCN trên địa bàn có 204 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.843 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 807,3 triệu USD, chiếm 43,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kết quả đạt được rất khả quan, song ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL các KCX&CN Cần Thơ, vẫn trăn trở: “Để Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, trong quá trình lấp đầy các KCN còn lại đòi hỏi phải thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành nghề sử dụng công nghệ, hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm năng lượng, sử dụng ít nhân công và hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng về môi trường. Mặt khác, sau giai đoạn 2020 TP Cần Thơ có thể tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ phục vụ, lĩnh vực logistics để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của các tỉnh, thành lân cận trong vùng ĐBSCL.

Để hàng hóa của DN Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có thể cạnh tranh trên thế giới, vận tải bằng đường thủy qua sông Hậu đến TP Hồ Chí Minh sẽ giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển. Đại tá Nguyễn Văn Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết: Trong chiến lược phát triển của Tổng Công ty tại khu vực ĐBSCL, chúng tôi luôn quan tâm phát triển các cảng, các cơ sở logistics nhằm kết nối hàng hóa giữa địa bàn TP Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL với cảng Cát Lái, Cái Mép Thị Vải và các cảng khác thuộc hệ thống của Tổng Công ty. Việc hợp tác với Công ty Lương thực Sông Hậu khai thác tuyến sà lan vận tải container tại cảng Trà Nóc là bước đi chiến lược của Tân Cảng Sài Gòn trong việc phát triển thị trường, mở rộng dịch vụ logistics ở TP Cần Thơ. Hiện Tân Cảng Sài Gòn cũng đang nghiên cứu triển khai xin chủ trương hợp tác đầu tư hoặc trực tiếp đầu tư một số dự án cảng container tại Cần Thơ, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics phục vụ DN xuất nhập khẩu”.

Nằm ven bờ sông Hậu hiền hòa, Cần Thơ hội đủ điều kiện để phát triển vận tải thủy nhờ hệ thống cảng biển và có khả năng cung ứng dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL Theo ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, hiện luồng Định An có khả năng tiếp nhận tàu biển tải trọng 5.000 tấn ra vào an toàn. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Giao thông Vận tải đã dành một phần kinh phí đáng kể để nạo vét, khơi thông luồng, nỗ lực giữ độ sâu cốt luồng -4,5 đến -5m để tàu 10.000 tấn có thể ra vào dễ dàng. Chúng tôi cũng kỳ vọng trong tương lai Chính phủ sẽ ban hành cơ chế đặc thù đối với việc giải quyết ách tắc luồng Định An, từ đó làm cơ sở mở tuyến vận tải biển từ các cảng biển của TP Cần Thơ đi ra nước ngoài thay vì phải trung chuyển đến TP Hồ Chí Minh.

* * *

Cảng Trà Nóc vào những ngày cuối năm, trong không khí tấp nập lao động khẩn trương của công nhân Cảng, những container gạo đang được chuyển ra khu vực cầu Cảng và xếp dỡ lên sà lan để kịp cho những đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Từ đây, những chuyến tàu hàng sẽ vươn ra biển lớn, giới thiệu về một TP Cần Thơ đầy năng động, sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế đến hợp tác, đầu tư lâu dài trong tương lai.

Chia sẻ bài viết