24/01/2008 - 15:59

Các chuyên ngành mới của Trường Đại học Cần Thơ

Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu

Năm 2008, Trường Đại học Cần Thơ mở thêm 5 chuyên ngành mới: Khoa học máy tính, Công nghệ giống cây trồng, Nông nghiệp sạch, Công nghệ giống vật nuôi, Quản lý môi trường. Nhằm giúp bạn đọc nắm được những thông tin cơ bản về các ngành này, Báo Cần Thơ giới thiệu về mục tiêu đào tạo, cơ hội việc làm... của từng ngành.

Chuyên ngành Khoa học máy tính:

- Đây là chuyên ngành thuộc ngành Công nghệ thông tin. Chuyên ngành này đào tạo kỹ sư Công nghệ thông tin, có năng lực chuyên môn tốt về kỹ thuật điện tử, tổ chức và kiến trúc máy tính, cơ sở mạng máy tính và cơ sở công nghệ phần mềm. Đồng thời, có khả năng lập trình nhúng cho các thiết bị thông minh, thiết kế và chế tạo các hệ máy tính phục vụ nhu cầu điều khiển và giám sát các qui trình công nghiệp. Có kiến thức tốt về thiết kế chế tạo vi mạch tích hợp.

- Khối thi tuyển sinh: Khối A (Toán, Lý, Hóa).

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

- Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư chuyên ngành Khoa học máy tính có thể công tác tại các khu chế xuất, các khu công nghiệp, các công ty thiết kế và chế tạo vi mạch tích hợp, các công ty lắp ráp máy vi tính cá nhân, công ty phát triển phần mềm nhúng cho các thiết bị thông minh,... Hoặc có thể học thêm bằng đại học thứ hai; học cao học hay nghiên cứu sinh của các chuyên ngành khác, như: Kỹ thuật Điện, Điện tử và Viễn thông.

Chuyên ngành Công nghệ giống cây trồng:

- Thuộc ngành Trồng trọt, mục tiêu của chuyên ngành Công nghệ giống cây trồng là đào tạo cho sinh viên hiểu rõ những nguyên lý của các quá trình sinh học liên quan đến giống cây trồng. Qua đó, sinh viên có khả năng tổ chức và chọn tạo giống cây trồng; có thể tham gia quản lý sản xuất liên quan ứng dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống cây trồng.

- Khối thi tuyển sinh: Khối B (Sinh, Toán, Hóa).

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

- Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư chuyên ngành Công nghệ giống cây trồng có thể làm việc ở các cơ quan quản lý ngành các cấp, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật; hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về nông dược, phân bón, giống cây trồng... Có thể học sau đại học trong và ngoài nước.

Chuyên ngành Nông nghiệp sạch:

- Phát triển sản xuất nông nghiệp sạch là một trong những mục tiêu quan trọng của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung. Chuyên ngành Nông nghiệp sạch, thuộc ngành Trồng trọt, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu này. Kỹ sư chuyên ngành Nông nghiệp sạch được đào tạo để có năng lực chuyên môn tốt về các lĩnh vực quản lý dinh dưỡng đất và quản lý dịch hại bằng biện pháp sinh học, về biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, có kiến thức tốt trong lĩnh vực dinh dưỡng đất, chất hữu cơ trong đất, các sản phẩm phân bón hữu cơ, sinh học đất nhằm tạo điều kiện sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch và sản phẩm hữu cơ. - Khối thi tuyển sinh: Khối B (Sinh, Toán, Hóa).

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

- Các kỹ sư chuyên ngành Nông nghiệp sạch có thể công tác ở: các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp, Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường,... ở các quận, huyện, thành phố. Sau khi tốt nghiệp ngành Nông nghiệp sạch, sinh viên có thể học tiếp cao học và nghiên cứu sinh các ngành: Khoa học đất, Bảo vệ thực vật, Khoa học cây trồng.

Chuyên ngành Công nghệ giống vật nuôi:

- Thuộc ngành Trồng trọt, mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Công nghệ giống vật nuôi là giúp sinh viên nắm vững kiến thức về các chuyên ngành: Di truyền, Giống gia súc, Kỹ thuật chăn nuôi, Dinh dưỡng và thức ăn hay Thú y. Những kiến thức đó giúp sinh viên làm việc hiệu quả trong những môi trường đòi hỏi hiểu biết rộng về khoa học nông nghiệp; đồng thời có thể làm việc trong một số lĩnh vực chuyên sâu khác. Hướng nghiên cứu của ngành này là giúp sinh viên hiểu rõ những nguyên lý của các quá trình sinh học liên quan tới giống vật nuôi, có khả năng tổ chức và chọn tạo giống vật nuôi; có thể tham gia quản lý sản xuất liên quan ứng dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống vật nuôi.

- Khối thi tuyển sinh: Khối B (Sinh, Toán, Hóa).

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

- Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư chuyên ngành Công nghệ giống vật nuôi có thể làm việc tại các cơ quan quản lý ngành, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y. Hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu giống vật nuôi, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về chăn nuôi, thức ăn gia súc, thuốc thú y và vắc-xin, công ty giống vật nuôi, các trang trại sản xuất... Có thể học cao học trong và ngoài nước với các chuyên ngành liên quan như: Chăn nuôi, Di truyền giống...

Chuyên ngành Quản lý môi trường:

- Đây là chuyên ngành thuộc ngành Khoa học Môi trường. Chương trình đào tạo của chuyên ngành Quản lý môi trường giúp sinh viên nắm vững lý thuyết và thành thạo trong thực hành cũng như có năng lực phát hiện, nghiên cứu, giải quyết những vấn đề môi trường. Sinh viên có khả năng sử dụng tốt các công cụ quản lý môi trường; tham gia công tác quản lý, quy hoạch sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên. Đồng thời, có kỹ năng giao tiếp, tập huấn giáo dục và truyền thông bảo vệ môi trường;

- Khối thi tuyển sinh: khối A (Toán, Lý, Hóa) hoặc khối B (Sinh, Toán, Hóa).

- Thời gian đào tạo: 4 năm.

- Học ngành quản lý môi trường, sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc ở: Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên Môi trường; các Trung tâm tư vấn về môi trường; các nhà máy chế biến nông, thủy sản xuất khẩu; các khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung; các cơ quan kiểm định, quan trắc đánh giá môi trường và các dự án đầu tư phát triển; các trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường, trung tâm tư vấn xây dựng và dịch vụ môi trường; các viện nghiên cứu, trường đại học...

NG. KHUÊ
(Tổng hợp theo Trường ĐH Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết