 |
Giờ học Anh văn căn bản 1 của học sinh lớp trung cấp Dược (chương trình tăng cường tiếng Anh), Trường CĐ Y tế Cần Thơ. |
Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố không chỉ đa dạng hóa loại hình, phương thức đào tạo mà còn đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đây là hướng mở cho nguồn nhân lực chất lượng cao ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ...
Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh lớp trung cấp Dược K27, chương trình tăng cường tiếng Anh Trường CĐ Y tế Cần Thơ, cho biết: “Tháng 12 này, tôi nhận bằng tốt nghiệp, sau đó sẽ đi làm một thời gian, rồi tiếp tục học liên thông ở bậc học cao hơn. Học chương trình tăng cường tiếng Anh, tôi tự tin mình có đủ khả năng làm việc tại các bệnh viện hay doanh nghiệp trong và ngoài nước”. Còn theo Phạm Tuyết Anh, cùng lớp trung cấp Dược với Thảo, 12 năm học phổ thông Tuyết Anh theo học chương trình tiếng Pháp, nên gặp khó khăn khi học. Nhờ các thầy, cô tận tình hướng dẫn nên Tuyết Anh cũng theo kịp chương trình học trung cấp Dược tăng cường tiếng Anh. Phương Thảo và Tuyết Anh là 2 trong số hơn 300 học sinh tốt nghiệp trung cấp Dược tăng cường tiếng Anh của trường trong tháng 12-2011.
Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm, gần 100% học sinh trung cấp chương trình tăng cường tiếng Anh sau khi tốt nghiệp có việc làm. Cứ đến đợt phát bằng tốt nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đến trường tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh. Qua đó, công ty tuyển khá nhiều học sinh của trường, nhất là ngành Dược trung cấp tăng cường tiếng Anh. Có thể nói, đây là bước đột phá trong công tác đào tạo của trường”. Để nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của trường, từ năm 2008, bên cạnh ngành cao đẳng Điều dưỡng, 9 ngành trung cấp, Trường CĐ Y tế Cần Thơ tuyển sinh đào tạo trung cấp ngành Điều dưỡng tăng cường tiếng Anh. Đến năm 2010, 2011, mỗi năm trường tuyển 400-500 học sinh cho 4 ngành: Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Y sĩ. Đây được xem là chương trình chất lượng cao của trường. Chương trình học này giống như chương trình bình thường, chỉ có khác là thời lượng học tiếng Anh gấp đôi. Học sinh sau khi tốt nghiệp, không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn giỏi về ngoại ngữ, có thể làm việc tại các đơn vị nước ngoài. Ông Trần Ngọc Hùng nói: “Để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường đã đầu tư, trang bị đủ trang thiết bị giảng dạy (máy projector, bảng thông minh...); tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên...”.
Tổng cục Dạy nghề- Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã đầu tư các dự án trọng điểm cho một số trường nghề; trong đó có Trường CĐ Nghề Cần Thơ, nhằm hỗ trợ trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài việc thụ hưởng Dự án Nâng cao năng lực cho trường nghề (với 3 nghề trọng điểm: Điện tử- Công nghiệp, Điện- Điện tử, Công nghệ thông tin), năm 2011, Trường tiếp tục được thụ hưởng Dự án Đào tạo nghề trọng điểm. Theo đó, Dự án Đào tạo nghề trọng điểm đào tạo 3 cấp độ: Nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế, Nghề đạt tiêu chuẩn Asean và Nghề đạt tiêu chuẩn toàn quốc). Trường CĐ Nghề Cần Thơ được giao nhiệm vụ đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn toàn quốc ở 3 nghề: Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Quản trị mạng. Kinh phí hỗ trợ là 40 tỉ đồng/1 nghề, từ quỹ chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian thực hiện từ năm 2011-2015. Ông Mai Châu Tiết, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, cho biết: “Chương trình đào tạo này là chương trình chất lượng cao. Học sinh theo học vững vàng chuyên môn, nghiệp vụ. Sau khi ra trường có thể làm việc tại các đơn vị trong và ngoài nước. Trường đã cho “ra lò” những học sinh giỏi, đi xuất khẩu lao động, với mức lương khá cao”.
Trên thực tế, hơn 6 năm trước, Trường CĐ Nghề Cần Thơ đã có 20 học sinh tốt nghiệp các nghề (Điện, cắt gọt kim loại, cơ khí...) sang Hàn Quốc làm việc (diện xuất khẩu lao động, do Trung tâm Giới thiệu việc làm Cần Thơ phối hợp với trường tổ chức), với mức lương từ 800-1.000 USD/tháng (mỗi ngày làm việc 8 giờ). Anh Mai Châu Tiến, 1 trong 20 học sinh đã đi xuất khẩu ở Hàn Quốc, sau 3 năm hết hợp đồng, anh tiếp tục đăng ký làm việc ở xứ Hàn đến hôm nay. Theo thầy Mai Châu Tiết, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, trong chương trình đào tạo nghề, phần thực hành chiếm 70%, nên học sinh vững vàng về tay nghề, cộng với học thêm tiếng Hàn có thể làm việc tốt ở môi trường nước ngoài...
Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cao đẳng, trung cấp, nghề đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên, phục vụ cho dạy và học. Không chỉ đào tạo các ngành, nghề truyền thống, các trường còn hướng đến đào tạo những ngành nghề theo hướng chuẩn quốc tế. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, các trường gặp không ít khó khăn. Cô Phạm Đinh Xuân Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, kiêm giảng viên dạy tiếng Anh các lớp trung cấp chương trình tiếng Anh của Trường CĐ Y tế Cần Thơ, cho biết: “Chương trình tăng cường tiếng Anh đòi hỏi người học phải giỏi ngoại ngữ. Thế nhưng, trình độ tiếng Anh của học viên không đồng đều nên ít nhiều gặp khó khăn trong dạy và học”. Còn theo thầy Trần Ngọc Hùng, khi bắt tay triển khai chương trình, việc tuyển giảng viên có trình độ ngoại ngữ của trường gặp khó khăn, bởi giảng viên cần giỏi ngoại ngữ chuyên ngành lĩnh vực y tế... Thầy Mai Châu Tiết chia sẻ thêm: “Tâm lý học sinh, phụ huynh vẫn thích học đại học, có trường hợp sẵn sàng học trung cấp của một trường đại học chứ không thích học nghề. Có những nghề, xã hội có nhu cầu tuyển xuất khẩu lao động, nhưng học sinh cũng không “mặn mà”, nên có những năm chỉ có một vài học sinh đi xuất khẩu lao động...
Rõ ràng, việc các trường cao đẳng, trung cấp, nghề mở các chương trình đào tạo chất lượng cao, đã đáp ứng nhu cầu của người học. Qua đó, đã góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ cho nhu cầu phát triển của thành phố. Tuy nhiên, để các trường phát huy thế mạnh và phát triển bền vững, cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ cơ quan chức năng, sự đồng thuận của xã hội...
Bài, ảnh: B.KIÊN