20/01/2018 - 16:18

Đảm bảo môi trường sinh thái, phát triển đô thị bền vững 

TP Cần Thơ phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản xây dựng thí điểm mô hình bể chứa nước mưa ngầm “Tametotto”, hướng đến phát triển các công trình xanh, đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững. Ngoài ra, thành phố cũng cho phép thí điểm công nghệ Aqualift để làm sạch nước, qua đó kiểm chứng và có thể áp dụng ở các kênh rạch, hồ trên địa bàn thành phố...

Triển khai công trình thí điểm

Đoàn công tác Chương trình định cư con người của Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) và Công ty Daiken (Nhật Bản) có đợt làm việc tại TP Cần Thơ từ ngày 13 đến 19-1-2018, để triển khai thi công thí điểm mô hình bể chứa nước mưa ngầm “Tametotto” tại Trường Dạy nghề cho người khuyết tật thành phố. Đoàn công tác, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã làm việc, trao đổi với lãnh đạo TP Cần Thơ và các sở, ngành thành phố xung quanh thực hiện thí điểm mô hình bể chứa nước mưa ngầm, phương án thi công và thảo luận các hoạt động tiếp nối sau khi hoàn thiện bể chứa. Đồng thời, đề xuất các mô hình sáng tạo, tiết kiệm khác có thể triển khai trong khuôn viên Trường Dạy nghề cho người khuyết tật thành phố, cũng như khả năng áp dụng rộng rãi giải pháp trong đầu tư công trình công cộng vốn nhà nước và ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố.

Rạch Tham Tướng - một trong những nơi thành phố có nhu cầu xử lý nước nhằm đảm bảo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ảnh: ANH KHOA

Rạch Tham Tướng - một trong những nơi thành phố có nhu cầu xử lý nước nhằm đảm bảo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ảnh: ANH KHOA

Công trình Trường Dạy nghề cho người khuyết tật thành phố (tại Khu tái định cư Long Tuyền, quận Bình Thủy) đang trong giai đoạn thi công, do Ban Quản lý Dự án ODA thành phố triển khai xây dựng. Sở Xây dựng phối hợp Ban Quản lý Dự án ODA và các chuyên gia của UN-Habitat và Nhật Bản thiết kế bể chứa “Tametotto” tại công trình này. Bể dài khoảng 15m, ngang 10m, có thể chứa được 100m3 nước mưa, bên trong có thiết kế đá 1x2 để xử lý tăng chất lượng nước và giữ nước. Thiết kế bể chứa phía dưới, phần diện tích bên trên trường có thể sử dụng bình thường. Bể chứa nước đã triển khai thi công, các chuyên gia của UN-Habitat và Nhật Bản cũng đã tham quan thực địa và bàn bạc phương án thi công để công trình đạt chất lượng theo yêu cầu...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, với tốc độ đô thị hóa rất cao cùng với định hướng phát triển đô thị bền vững hiện nay, sự phát triển của thành phố phải có cách nhìn chiến lược, dài hạn hơn, có tầm nhìn xa và bao quát hết tất cả các lĩnh vực để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, cũng như chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên. Do đó, việc ứng dụng những công nghệ mới vào phát triển đô thị mang yếu tố bền vững rất cần thiết, bao gồm các nội dung như: bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, điều hòa và đưa được lượng nước cung cấp trở lại cho mực nước ngầm. Điều tiết nước để bảo đảm không ngập nghẹt đô thị nhưng đồng thời cũng cải thiện môi trường sinh thái và đóng góp vào nhu cầu sinh hoạt thiết thực nhất.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của UN-Habitat và Công ty Daiken mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cũng cho rằng mô hình bể chứa nước mưa ngầm “Tametotto” cần lưu ý trong sử dụng vật liệu, phải đảm bảo theo công trình Trường Dạy nghề cho người khuyết tật thành phố là công trình xanh. Đây là mô hình đạt được đa mục tiêu: sử dụng lại nguồn nước mưa, giảm được lượng thoát nước mặt dồn vào hệ thống cống, tái sử dụng nước cho sinh hoạt hằng ngày, đồng thời góp phần tạo cảnh quan. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh yêu cầu các sở, ngành thành phố trên cơ sở từng lĩnh vực tiếp cận, theo dõi, tổng hợp và hình thành một kết quả của một công trình thí điểm. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp, làm việc với đoàn chuyên gia cũng như các sở, ngành để hoàn thiện toàn bộ hạng mục công trình bao gồm: các phương án kỹ thuật xây dựng, các định mức xây dựng và hình thành hồ sơ thiết kế điển hình để có thể ứng dụng cho các công trình khác. Sở Khoa học và Công nghệ cùng tham gia, hỗ trợ Sở Xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ, có công nghệ phù hợp với điều kiện hiện nay. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường sau khi hệ thống đi vào vận hành. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cùng kiểm tra sau khi sản phẩm hoàn thành, sản phẩm không chỉ ứng dụng ở khu vực đô thị mà có thể cho cả khu vực nông thôn, nhất là ở những khu vực người dân đang hạn chế về hạ tầng nước sạch, nước thải…

Kiểm chứng trước khi áp dụng rộng rãi

Chuyên gia đến từ Nhật Bản và Công ty Daiken cũng xin ý kiến của TP Cần Thơ về việc thí điểm công nghệ Aqualift để làm sạch nước tại Hồ Xáng Thổi. Đồng thời, giới thiệu với lãnh đạo thành phố và các sở, ngành công nghệ Aqualift để làm sạch nước, đảm bảo môi trường. Thông tin từ đoàn chuyên gia Nhật Bản, thông qua giới thiệu của UN-Habitat, công nghệ Aqualift để làm sạch nước đã được áp dụng ở Hà Nội và nhiều khu vực của các nước như Lào, Myanmar...

Bà Sachyo Hoshino, chuyên gia Nhật Bản, cho rằng, Aqualift là sản phẩm sinh học có chứa vi khuẩn đang sống và dạng hợp chất giống như hạt cát, có thể áp dụng làm sạch nước ở hồ, bể chứa, chỉ trong vài ngày sẽ cho kết quả, đầu tiên là mùi hôi giảm xuống, các hợp chất hóa học cũng sẽ giảm xuống trong 1-2 tuần áp dụng. Trong vòng 48 giờ một vi khuẩn có thể nhân lên thành triệu vi khuẩn. Điểm mạnh của sản phẩm là có giá thành rẻ, mô hình an toàn, không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng những vi khuẩn không gây hại để triệt tiêu vi khuẩn có hại cho môi trường nước, việc áp dụng công nghệ này cũng không phức tạp, diễn ra quá trình tự nhiên của vi khuẩn...

“Hiện nay, thành phố có nhu cầu xử lý nước tại Hồ Xáng Thổi, rạch Tham Tướng, nhà máy xử lý nước thải thành phố nâng từ cột B lên cột A để đảm bảo cuối quý I-2018 đưa vào vận hành... Tuy nhiên, về công nghệ Aqualift, cần trao đổi với các chuyên gia, nhà chuyên môn, thí điểm ở phạm vi vừa phải trước…” - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh nhấn mạnh.

Theo UN-Habitat, đô thị hóa-công nghiệp hóa là xu hướng tất yếu của một nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc kiểm soát quá trình này để đạt được tăng trưởng kinh tế đi đôi với tăng cường khả năng thích ứng đô thị, giảm tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên luôn là vấn đề thách thức của các quốc gia. Muốn giải quyết các thách thức của đô thị thì phải bắt đầu từ đô thị và cần có các tư duy, chính sách, cách làm sáng tạo. Trong đó, việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp xanh và thông minh được xem là một lời giải quan trọng.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết