19/03/2013 - 13:46

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:

Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi học tại trường

 

Là trường đại học (ĐH) trọng điểm quốc gia duy nhất ở ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ được xem là “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước. Với bề dày uy tín, hằng năm, có rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi vào trường, do đó, sự sàng lọc cũng hết sức gay gắt. Để giúp thí sinh, phụ huynh hiểu sâu hơn về kỳ thi tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) năm 2013, Phó Giáo sư (PGS) - Tiến sĩ  Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết:

- Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Trường ĐH Cần Thơ sẽ tuyển 8.000 sinh viên cho 65 ngành đào tạo đại học và 200 sinh viên cho ngành cao đẳng Công nghệ thông tin. Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng 1.000 sinh viên so với năm 2012; trong đó, trường dành 580 chỉ tiêu cho khu Hòa An, tỉnh Hậu Giang (cơ sở 2 của Trường ĐH Cần Thơ). Đây là cơ sở đào tạo của trường (chứ không phải là phân hiệu) nên sinh viên học tập, thực hành, thực tập tại khu này cũng như khu chính ở TP Cần Thơ. Tuy điều kiện sinh hoạt, ăn ở hạn chế hơn so với ở TP Cần Thơ, nhưng bù lại, thí sinh dự thi đăng ký học tại khu Hòa An sẽ dễ đậu hơn vì điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn. Cần lưu ý, các thí sinh muốn thi vào các ngành đào tạo tại Hòa An, khi điền vào phiếu dự thi, ngoài việc ghi đầy đủ thông tin các mục đúng quy định còn phải viết vào phần trống ở mục chuyên ngành dòng chữ “Học tại Hòa An” và ký tên bên cạnh để xác nhận.

* Xin PGS cho biết thêm về nét mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013?

- Như mọi năm, kỳ tuyển sinh năm 2013 của trường vẫn giữ ổn định. Trường tuyển sinh cả nước; ngày thi, khối thi và môn thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Năm nay, trường không mở thêm ngành mới. Về đối tượng dự thi, một là những thí sinh thi vào 1 ngành đào tạo của Trường ĐH Cần Thơ, phải ghi đầy đủ mục 2 của phiếu đăng ký dự thi; hai là những thí sinh thi “nhờ” lấy kết quả để xét tuyển vào trường không tổ chức thi thì không ghi ô mã ngành và ngành của mục 2; đồng thời phải ghi đầy đủ mục 3. Ngoài ra, năm nay còn có đối tượng dự thi để lấy kết quả xét tuyển liên thông từ cao đẳng lên đại học. Đối tượng này ghi mục số 2 giống như thí sinh thi “nhờ”, không ghi vào mục số 3 nhưng phải đánh dấu X vào ô vuông của mục số 4.

* Về việc thực hiện chính sách tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, trường thực hiện như thế nào?

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ trong giờ học thực hành. Ảnh: B.NG

- Năm nay, Bộ GD&ĐT bổ sung 3 nhóm đối tượng thuộc diện tuyển thẳng gồm: Học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và Quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 1 năm.

Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 1 năm, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương. Trường ĐH Cần Thơ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ cũng áp dụng chính sách này. Song, cần hiểu rằng, các trường được xét tuyển đối với thí sinh có điểm thi thấp hơn 1 điểm chứ không phải được cộng điểm để xét tuyển. Ví dụ như, điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT là 14 điểm, thí sinh đạt điểm này sẽ được cấp thêm phiếu nguyện vọng 2. Tuy nhiên, thí sinh ở các tỉnh thuộc khu vực trên chỉ đạt 13 điểm, vẫn được cấp thêm phiếu điểm để xét nguyện vọng 2. Phiếu điểm này chỉ có giá trị đối với các trường đóng tại khu vực ĐBSCL. Kết quả trúng tuyển hay không tùy thuộc vào việc xét tuyển của các trường, chứ không phải có điểm thi dưới điểm sàn 1 điểm là đậu; nếu đậu thì phải học bổ sung kiến thức 6 tháng rồi mới được học chính thức.

* Năm nay, Trường ĐH Cần Thơ quy định thời gian nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng tiếp theo ra sao?

- Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay, thời gian xét tuyển rút ngắn đến hết 30-10-2013 và mỗi đợt xét tuyển cách nhau 20 ngày. Với Trường ĐH Cần Thơ không ảnh hưởng nhiều, bởi trường chỉ xét tuyển thêm một lần ở nguyện vọng bổ sung (nguyện vọng 2) của kỳ thi tuyển sinh. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ được thông báo cùng lúc với việc công bố kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1. Khi nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, máy tính của người nhận hồ sơ được nối trực tiếp với mạng thông tin của trường. Khi hóa đơn được in ra thì tên của thí sinh đã được đưa lên danh sách công bố trên mạng. Thí sinh vào đó sẽ thấy tên mình nằm ở vị trí thứ mấy trong danh sách. Số thứ tự này sẽ thay đổi theo điểm của người nộp hồ sơ vào cùng ngành. Thí sinh phải thường xuyên theo dõi danh sách này. Nếu thấy tên mình bị đẩy rơi xuống vị trí thấp hơn số lượng chỉ tiêu thì phải rút hồ sơ để nộp vào ngành khác có điểm thấp hơn, nếu không rút thì sẽ bị rớt. Dự kiến, thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ ngày 20-8.

* Xin PGS cho biết về chính sách hỗ trợ đối với sinh viên trong quá trình học, nhất là với tân sinh viên?

- Trường ĐH Cần Thơ tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ sinh viên khó khăn. Cụ thể là Phòng Công tác sinh viên- nơi sẽ hỗ trợ sinh viên trong việc học tập, ăn, ở và các chế độ chính sách khác… Mỗi sinh viên khi trúng tuyển vào trường được sắp xếp vào một lớp học chuyên ngành và được bố trí cố vấn học tập trực tiếp hỗ trợ cho sinh viên. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần phải tự nỗ lực, rèn luyện phấn đấu trong học tập. Ngoài ra, khu ký túc xá của trường hiện chứa hơn 10.000 chỗ ở, đáp ứng nhu cầu nội trú của sinh viên. Trường dành một phần ngân sách để cấp học bổng cho sinh viên học giỏi. Đồng thời, còn nhận được nhiều nguồn tài trợ khác để cấp học bổng và trợ cấp cho sinh viên nghèo, học giỏi hoặc gặp khó khăn đột xuất.

* PGS có lời khuyên gì cho học sinh trước khi đăng ký dự thi vào các ngành của trường?

- Học sinh phải thi đậu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thì mới được thi đại học, do đó, trước tiên các em phải phấn đấu thi đậu kỳ thi này. Thí sinh cân nhắc kỹ việc chọn trường, chọn ngành và nhanh chóng hoàn thành hồ sơ đăng ký dự thi. Không nên “trầm trọng hóa” việc chọn ngành; cho rằng chọn ngành “sai một li, đi một dặm” là không đúng. Mặt khác, Trường ĐH Cần Thơ đang đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên có năng lực có thể học cùng lúc 2 chương trình đào tạo (tốt nghiệp 2 bằng đại học); hoặc học bằng đại học thứ 2 (sau khi tốt nghiệp ngành thứ nhất). Đào tạo bậc đại học khác so với đào tạo nghề, sinh viên đại học được cung cấp kiến thức cơ bản, có nền tảng giáo dục đại học và có thể phát triển thêm nhiều kỹ năng khác, cũng như cách giải quyết vấn đề… Việc học là quá trình lâu dài. Mỗi năm, trường có khoảng 100 ngàn thí sinh dự thi, nhưng chỉ tiêu tuyển không nhiều. Vì vậy, thí sinh nên chọn thi ngành phù hợp, vừa sức, để “cánh cửa” đại học “rộng” hơn.

* Xin cảm ơn PGS!

Đặng Ngọc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết