20/07/2022 - 11:06

Đặc sản miền Hậu Giang 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

"Sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ cá thát lát nhiều nhất Việt Nam" và "Sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ khóm nhiều nhất Việt Nam" là hai kỷ lục mà tỉnh Hậu Giang vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận. Kỷ lục lại một lần nữa khẳng định giá trị ẩm thực, văn hóa của đặc sản miền Hậu Giang.

Giám khảo chấm điểm phần chế biến và công diễn các món ăn từ khóm và cá thát lát của các đội tham dự.

Nói đến Hậu Giang, khóm Cầu Ðúc và cá thát lát là hai đặc sản được nhiều người nghĩ đến đầu tiên. Bây giờ, đi dọc các tuyến đường về TP Vị Thanh, Kinh Năm, Hốc Hỏa, Hỏa Tiến, Tân Tiến… những sạp bán khóm ven đường cứ như níu chân du khách với những trái khóm vàng ươm, mọng nước. Còn với các món ăn từ cá thát lát, hầu như ghé bất cứ quán ăn nào ở Vị Thanh, không khó gọi những món ăn như cá thát lát rút xương, chả cá thát lát chiên, lẩu chả cá thát lát với khổ qua, lẩu chua cá thát lát… Nói như vậy để thấy rằng, hơn cả một đặc sản, một món ngon, khóm và cá thát là đã trở thành "thương hiệu", "bộ nhận diện" của tỉnh Hậu Giang.

Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, cây khóm trồng trên đất Hậu Giang phải có trên trăm năm. Mốc thời gian để xác định thời gian này là tên gọi "Khóm Cầu Ðúc". Cầu Ðúc nối liền từ Vị Thanh qua Gò Quao, Kiên Giang có từ đầu thế kỷ XX. Dĩ nhiên, để có được danh xưng "Khóm Cầu Ðúc", cây khóm phải được trồng trước đó. Khóm Cầu Ðúc nổi tiếng nhiều nước, ngọt đằm, lớn trái. Hiện nay, khóm được trồng nhiều nhất tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Thống kê sơ bộ trong năm 2021, tại chỉ riêng TP Vị Thanh đã có diện tích xuống giống khóm hơn 2.200ha, nhiều diện tích được đầu tư theo chuẩn VietGAP.

Còn với cá thát lát, sự xuất hiện đặc sản này để trở thành thương hiệu ẩm thực của Hậu Giang có lẽ muộn hơn. Cá thát lát có ở nhiều địa phương ÐBSCL nhưng cá thát lát, nhất là thát lát cườm Hậu Giang, tạo nên sự khác biệt bởi sự thơm ngon, đậm đà. Cá thát lát có nhiều ở vùng Lung Ngọc Hoàng, Ngã Bảy, Phụng Hiệp… của tỉnh Hậu Giang. Sau này, loài thủy sản này được nuôi công nghiệp, cung cấp sản lượng lớn cho thị trường. Thống kê trong năm 2021, Hậu Giang có khoảng 100ha nuôi cá thát lát, chủ yếu là thát lát cườm. Các cơ sở kinh doanh, chế biến, nhà hàng trên địa bàn tỉnh đã sản xuất đa dạng sản phẩm ẩm thực từ loài cá này.

Và tại buổi xác lập kỷ lục mới đây, sự phong phú, sức hấp dẫn các món ăn từ khóm và cá thát lát Hậu Giang lại một lần nữa chinh phục du khách. 104 món ăn từ khóm và 104 món ăn từ cá thát lát, trong đó nhiều món ăn là sự kết hợp giữa hai đặc sản này tạo nên sức hút đặc biệt. Các nghệ nhân, thợ nấu Hậu Giang đã nâng tầm đặc sản, làm nên những món ăn kỳ công, ngon miệng trên bàn tiệc sang trọng.

Anh Phạm Tuấn Lẹ, cán bộ Kho Bạc Nhà nước thị xã Long Mỹ, tham gia hội thi ẩm thực và cùng xác lập kỷ lục, chia sẻ: "Từ cá thát lát và khóm, nhiều món ngon từ tay bà, tay mẹ đã nuôi lớn tôi và nuôi nấng trong tôi tình yêu đặc sản quê hương. Vì vậy, tôi rất vui và vinh dự khi được góp phần trong kỷ lục lần này". Bà Hứa Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Long Mỹ, cho biết: Cá thát lát và khóm là niềm tự hào của tỉnh Hậu Giang. Ý thức được điều đó, trong việc quảng bá địa phương, nhất là trong xây dựng sản phẩm du lịch, thị xã Long Mỹ luôn chú trọng đến hai đặc sản này.

Về Hậu Giang, thử một lần thưởng thức món ngon từ khóm và cá thát lát, để cảm nhận rõ hơn về nét đẹp đất và người nơi đây.

Chia sẻ bài viết