11/03/2018 - 15:59

Cùng sinh viên lập nghiệp 

Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Thanh niên TP Cần Thơ và Tổ chức Save The Children International vừa ra mắt Dự án “Nâng cao năng lực tìm việc làm cho sinh viên (SV) nhập cư” (giai đoạn 2). Mục tiêu dự án sẽ trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng tìm việc và giáo dục tài chính cho khoảng 500 SV trung cấp, cao đẳng và đại học trong thành phố. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án, giai đoạn 1 (từ tháng 11-2016 đến 7-2017), có 422 SV tham gia các khóa tập huấn kỹ năng, xây dựng nhiều góc việc làm ở các trường, đồng thời, kết nối nhiều doanh nghiệp, giới thiệu và giải quyết việc làm cho SV sau tốt nghiệp.  

 Thêm “điểm cộng” cho người trẻ

Các cán bộ tham gia Dự án góp phần nâng cao chất lượng hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng nghề nghiệp cho SV. Ảnh do Trung tâm DVVL Thanh niên TP Cần Thơ cung cấp.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KTKT) Cần Thơ, cho biết, vừa nhận email cảm ơn của SV khi tìm được việc làm tại công ty viễn thông. Cô Linh cũng thường xuyên nhận được email thăm hỏi, cung cấp thông tin tuyển dụng để giới thiệu việc làm cho các bạn. Cô cho rằng, đây là thành công bước đầu của Dự án (giai đoạn 1) khi trang bị cho SV phong cách làm việc chuyên nghiệp, biết viết email phản hồi thông tin, duy trì và kết nối để mở rộng quan hệ xã hội. Thực tế, nhiều SV chưa biết cách viết email xin việc, phản hồi thông tin, thường viết dài dòng, không vào trọng tâm. Hay như trong thư điện tử không có thông tin liên lạc hoặc đặt chế độ tự động trả lời, phần nào gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng. Với mong muốn nâng cao kỹ năng mềm cho SV, từ tháng 11-2016 đến tháng 7-2017, Dự án tổ chức 11 buổi học và 1 buổi sát hạch, xây dựng 6 góc việc làm ở các trường cao đẳng và Trung tâm DVVL Thanh niên TP Cần Thơ. Qua đó, SV được tập huấn những bài học cụ thể, như: cách viết hồ sơ năng lực (CV), thư ứng tuyển, thư ngỏ vị trí công việc, phân tích năng lực bản thân so với yêu cầu vị trí dự tuyển…  

Những bài học trên giúp SV nâng cao kỹ năng mềm, tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động trong xu thế hội nhập. Theo anh Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh niên TP Cần Thơ, kết quả triển khai giai đoạn 1 của Dự án cho thấy, có 50% SV cải thiện kỹ năng từ sự tự tin, kỹ năng giao tiếp đến giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và tìm việc. Dự án huy động sự tham gia của 30 doanh nghiệp thuộc 3 nhóm ngành: kỹ thuật, xuất nhập khẩu và môi trường – dịch vụ. Qua đó, nhiều SV tham gia Dự án được doanh nghiệp nhận thực tập đúng chuyên ngành và có việc làm ổn định sau tốt nghiệp. Hà Thị Như Ngọc, cựu SV ngành Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng KTKT Cần Thơ, chia sẻ: “Tham gia Dự án, tôi được tập huấn nhiều kiến thức kỹ năng tìm việc; trải nghiệm làm việc đội, nhóm. Nhờ vậy, sau khi ra trường, tôi xin được việc làm tại công ty viễn thông”. 

Nhiều hoạt động bổ trợ cho SV

Huỳnh Như, SV ngành Kế toán, Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết, Như chưa biết cách viết CV, thư ứng tuyển để tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng. Đây là những bài học thiết thực giúp Như tự tin khi phỏng vấn xin việc. Đồng thời, qua Dự án, Như có cơ hội rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp; khả năng xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu khởi nghiệp… Lê Huyền Trân (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, đang làm việc tại công ty chế biến thủy sản ở tỉnh Hậu Giang, tâm sự, Trân phải chật vật xin việc làm và thất nghiệp hơn 2 năm do không vượt qua vòng phỏng vấn hoặc thử việc. Trân chia sẻ, một số bạn trẻ nghĩ, các nhà tuyển dụng chỉ cần người có năng lực chuyên môn, thạo vi tính, ngoại ngữ nên đổ xô học lấy bằng. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng rất chú trọng kỹ năng mềm mà điều này, nhiều bạn trẻ còn hạn chế.

Theo Ban quản lý Dự án, tuy nhu cầu tuyển dụng lao động tại thành thị rất lớn nhưng nguồn lao động hiện có được đánh giá thiếu tác phong công nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp. Mặt khác, số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 50% lao động trẻ tại Việt Nam đang chấp nhận những công việc với điều kiện làm việc kém và mức lương chỉ để duy trì cuộc sống. Vì vậy, mục tiêu Dự án là hỗ trợ SV nhập cư trong thành phố khai thác tiềm năng bản thân qua việc cải thiện kỹ năng nghề nghiệp và thực hành quản lý tài chính cá nhân, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Giai đoạn 2 Dự án “Nâng cao năng lực tìm việc làm cho SV nhập cư” do Trung tâm DVVL Thanh niên TP Cần Thơ và Tổ chức Save The Children International phối hợp triển khai từ tháng 11-2017 đến tháng 10-2018. Mục tiêu Dự án là đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng tìm việc và quản lý tài chính cá nhân cho 500 SV nhập cư đang học năm cuối các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Dự án tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp, tạo môi trường thực tập và giới thiệu việc làm cho SV. Ngoài ra, 30 giảng viên của các trường và 20 cán bộ kết nối việc làm sẽ được đào tạo chuyên sâu để trở thành đội ngũ giảng dạy, tập huấn kỹ năng cho SV. 

Q. THÁI

Chia sẻ bài viết